21/07/2017 11:04 GMT+7

Tấn công cảnh sát giao thông, xử sao?

XUÂN MAI -VH
XUÂN MAI -VH

​TTO - Không chỉ phạm luật an toàn giao thông đường bộ mà người tham gia giao thông có hành vi lăng mạ, hành hung cảnh sát giao thông, không thượng tôn pháp luật. Xử phạt sao?

Gần đây có một số người đi đường khi bị cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu dừng lại đã dùng những lời lẽ khiếm nhã, thách thức, lăng mạ CSGT khiến người dân rất bức xúc.

Những sự việc trên khiến đông đảo bạn đọc phẫn nộ cho rằng một số công dân ngày càng coi thường luật lệ, văn hóa giao thông kém, phải gióng lên hồi chuông cảnh báo. Một số ý kiến đề nghị phải xử phạt thật nặng những người dân thiếu thượng tôn pháp luật.

Ngoài ra, đông đảo bạn đọc cũng mong mỏi lực lượng CSGT luôn làm việc một cách nghiêm túc, trung thực để tránh việc có người "vơ đũa cả nắm" về một số trường hợp tiêu cực.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư (LS) Hoàng Thái Long (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “ Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người tham gia giao thông có những hành vi như có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các chiến sĩ CSGT đang thi hành công vụ thì tùy theo mức độ của hành vi mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ”.

LS Long cho hay, về xử phạt hành chính được quy định tại điểm b khoảng 2 điều 20 Nghị định 167 của Chính phủ ban hành ngày 12-11-2013 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội có quy định phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng.

Nếu người tham gia tham gia giao thông có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ thì mức phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đồng, được quy định tại khoản 3 của nghị định nêu trên.

Trường hợp người tham gia giao thông có hành vi chống người thi hành công vụ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 257, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) - LS Long cho biết thêm.

Không để coi thường pháp luật

Thạc sĩ (ThS) xã hội học Lê Minh Tiến nói: “Trong bối cảnh xã hội nước ta hiện nay, luật pháp đang dần mất đi tính hiệu lực vốn có. Chuyện CSGT bị hành hung, lăng mạ cho dù người dân phạm luật thì đó là hậu quả của việc dung túng cho nhiều sai phạm trong thời gian dài”.

Những sự việc đáng buồn trên do nhiều nguyên nhân mà đứng đầu là tính tôn trọng luật lệ của công dân Việt Nam ngày càng giảm. Theo ThS Tiến, để xã hội đi vào tôn ti trật tự, có tính kỉ luật, kỷ cương thì chính cơ quan nhà nước, các tổ chức có quyền lực phải là những tấm gương tôn trọng luật lệ, khi sai phạm là xử phạt như vậy pháp luật mới có hiệu lực.

Làm gì để gìn giữ, bảo vệ hình ảnh chiến sĩ CSGT?

Lực lượng CSGT rất vinh dự, tự hào có hàng trăm cán bộ chiến sĩ hy sinh được công nhận liệt sĩ, nhiều cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý anh hùng lực lực lượng vũ trang nhân dân.

Để gìn giữ, bảo vệ hình ảnh chiến sĩ CSGT, lực lượng CSGT cần phát huy hơn nữa về chuyên môn nghiệp vụ của mình trong việc xử lý hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, cũng như các kỹ năng ứng xử chuẩn mực khi tiến hành xử lý người có hành vi phạm pháp luật.

Đồng thời, cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức, trường học để tuyên truyền pháp luật cho mọi người hiểu biết về pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. 

LS Hoàng Thái Long 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Luật sư Hoàng Thái Long

>> ThS xã hội học Lê Minh Tiến

XUÂN MAI -VH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục