05/09/2021 10:42 GMT+7

Rèn cho học sinh kỹ năng tự học

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TTO - Đó là ý kiến của cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TP.HCM) - khi bàn về việc linh hoạt trong giảng dạy, thích ứng với thời cuộc để vượt khó.

Rèn cho học sinh kỹ năng tự học - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Dương Văn Thì trong một hoạt động ngoại khóa - Ảnh: Th.Tr.

Cô Thanh Trúc cho biết: Năm nay là một năm học đặc biệt nhất trong hơn 20 năm tôi công tác trong ngành giáo dục. 

Đó là 100% học sinh sẽ học tập trên Internet ngay từ đầu năm học. Thế nên, ngoài sách giáo khoa, tập vở... học sinh cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet để học trực tuyến. 

Mà với bối cảnh TP giãn cách như hiện tại, không thể nào có được tỉ lệ 100% học sinh có đủ trang thiết bị học tập trực tuyến.

* Việc chuẩn bị cho năm học mới ở trường cô có khó khăn gì so với những năm trước, thưa cô?

- Trường tôi mới thành lập được hai năm, tháng 9 này bước vào năm học thứ 3. Chúng tôi có thêm một khối lớp so với trước nên cần tuyển bổ sung 19 giáo viên. 

Tuy nhiên, vì dịch bệnh nên công tác tuyển giáo viên cho năm học mới dự kiến đến cuối tháng 11 mới hoàn tất. Như vậy, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì đến tháng 12-2021 chúng tôi mới có thể tiếp nhận giáo viên mới.

Chưa kể, chương trình nhà trường mà chúng tôi chủ trương phát triển mạnh là dạy tin học MOS (Microsoft Office Specialist - chứng chỉ tin học quốc tế do Microsoft cấp trực tiếp), dạy sáng chế cơ bản, lắp ráp robot theo chương trình STEM, dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, dạy ngoại ngữ 2 tiếng Nhật, tiếng Hàn... thì khi triển khai học trực tuyến đều phải tạm dừng. 

Những chương trình này đều phải đợi đến khi học sinh trực tiếp đến trường mới có thể triển khai.

* Vậy trường ưu tiên cho việc gì trước nhất khi bước vào năm học mới?

- Để đạt được hiệu quả dạy - học tốt nhất thì đối tượng phải quan tâm đầu tiên là giáo viên và học sinh. Trường chúng tôi có lợi thế đa số giáo viên trẻ, từ 27-30 tuổi. 

Độ tuổi này các thầy cô đã đạt được độ vững của nghề chứ không còn "non" như hồi mới tốt nghiệp ĐH. Các thầy cô đang ở độ chín nghề nghiệp, rất sung sức, máu lửa và nhiệt huyết, đặc biệt là nhạy bén trong việc tiếp cận công nghệ thông tin.

Giáo viên cũng đã được tập huấn, bồi dưỡng về các phần mềm dạy học trực tuyến, về kinh nghiệm dạy học trực tuyến hiệu quả, kỹ năng ứng dụng một số game show trong kiểm tra, đánh giá tạo sự hứng thú cho học sinh khi học từ xa; kỹ năng giám sát học sinh trong giờ dạy trực tuyến... 

Với một đội ngũ như thế thì việc yêu cầu các thầy cô thích ứng với thời cuộc, triển khai dạy học qua Internet sẽ có những thuận lợi ban đầu.

* Còn học sinh thì sao?

- Muốn các em học tốt thì việc đầu tiên người lớn phải cung cấp đầy đủ phương tiện học tập cho học sinh. Từ 31-8, giáo viên chủ nhiệm trường tôi đã làm việc với học sinh các lớp để tìm hiểu về phương tiện, điều kiện học tập của từng em. 

Đến ngày 3-9, những học sinh thiếu máy móc học từ xa của trường đều được nhà trường vận động xã hội hóa để mua laptop và đem đến tận nhà cho học sinh mượn. Khi học sinh đi học lại, số laptop này sẽ được sử dụng trong thư viện nhà trường.

* Những khó khăn của việc dạy - học trực tuyến sẽ được tháo gỡ như thế nào?

- "Đầu vào" của trường không cao. Nhưng tôi tự hào về học sinh của trường mình bởi các em rất lễ phép và biết cư xử. 

Các em học sinh đang ở độ tuổi ham vui, ham chơi nên có thể có lúc xao nhãng việc học. Vấn đề quan trọng nhất lúc này chính là sự tác động vào nhận thức của học sinh để các em hiểu được những việc mình cần làm.

Thế nên, mục tiêu chính của nhà trường là rèn cho học sinh kỹ năng tự học. Từ ngày 1 đến 4-9, các giáo viên bộ môn của trường đã gặp gỡ với học sinh các lớp không chỉ để làm quen mà còn hướng dẫn học sinh cách học tập bộ môn, hướng dẫn rèn kỹ năng học tập từ xa. 

Việc học từ xa rất khác với học trực tiếp. Thầy cô giáo không thể thường xuyên kèm cặp, nhắc nhở học sinh. Nếu các em thiếu ý thức học tập thì rất khó có thể thành công, nhất là trong giai đoạn này.

Về việc dạy từ xa, chúng tôi thống nhất sẽ có thời khóa biểu chi tiết cho từng lớp với 4 tiết buổi sáng, 2 tiết buổi chiều. Nhưng như thế không có nghĩa học sinh phải ngồi trên máy suốt 6 tiết học/ngày. 

Các giáo viên viên sẽ linh hoạt hướng dẫn học sinh học tập thông qua nhiều phương pháp: giao bài tập, giao tài liệu cho học sinh tự đọc, gửi clip cho học sinh tìm hiểu, học trực tuyến với giáo viên để có sự tương tác, giải đáp thắc mắc...

Sẵn sàng cho năm học mới

* Trước thềm năm học mới, cô mong ước điều gì?

- Hiện mọi thứ đã sẵn sàng cho năm học mới. Trường đã chuẩn bị không chỉ một mà là ba phần mềm dạy - học trực tuyến được thống nhất sử dụng toàn trường. Học sinh sẽ được cấp tài khoản để học tập. Mỗi phần mềm có điểm ưu và khuyết khác nhau nên nếu có trục trặc thì giáo viên sẽ chuyển ngay qua ứng dụng khác.

Chúng tôi hiểu trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, học sinh phải ở trong nhà suốt ngày nên cũng rất bức bối. Do đó, các thầy cô giáo cũng đã tâm niệm rằng: dạy học thời gian này không chỉ là cung cấp kiến thức, rèn kỹ năng cho học sinh mà còn là chia sẻ, động viên học sinh, giúp các em tự giác học tập và vượt qua giai đoạn đặc biệt này.

Chúng tôi phải là điểm tựa cho các em Chúng tôi phải là điểm tựa cho các em

TTO - Tôi và những đồng nghiệp đang tất bật chuẩn bị cho năm học mới với những gì tốt nhất có thể đến với học sinh của mình.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên