Các em bước vào năm học này với nhiều nỗi lo, nhất là việc phải "tựu trường online" khi dịch bệnh tại TP.HCM vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng cao, thành phố giãn cách nghiêm ngặt.
Mùa hè vừa rồi cũng là mùa hè thật dài với tất cả các em học sinh. Các em chỉ quanh quẩn ở nhà mà thiếu những sinh hoạt vui chơi, rèn luyện thể chất, trau dồi các kỹ năng khác... như mọi năm. Hay nói cách khác, đó là một mùa hè tù túng.
Đó là chưa kể có nhiều em gia đình gặp nạn, người nhà bị nhiễm bệnh vẫn còn trong khu cách ly hoặc gia đình có người mất vì COVID-19.
Tổn thương tâm lý ở lứa tuổi này cùng với nỗi đau mất mát người thân - đó có thể là cha mẹ, lao động chính của gia đình - sẽ là những áp lực vừa tinh thần vừa vật chất đối với các em.
Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng đây là một trong những câu chuyện đầu năm mà những người thầy người cô như chúng tôi phải quan tâm, chia sẻ, nắm rõ để kịp thời động viên, hỗ trợ.
Thật ra, không chỉ có học sinh rơi vào khủng hoảng, khó khăn mà ngay cả giáo viên cũng có người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như bị nhiễm bệnh hoặc có người thân bị tử vong do COVID-19.
Nhưng, trong vai một người thầy, chúng tôi ít nhiều phải vững vàng hơn để tiếp tục đứng lớp, khởi động năm học mới theo đúng quy định.
Xét cho cùng, người thầy ngoài trách vụ trao truyền kiến thức cho học trò mình còn là người dìu đỡ, tạo bệ phóng cho các em. Do vậy, tâm thế bước vào năm học mới 2021 - 2022 của những người thầy như chúng tôi phải được gia cố mạnh mẽ hơn.
Sẽ có những áp lực do dạy - học online giữa bối cảnh giãn cách, rồi còn là những nỗi đau, niềm lo trên gương mặt học trò mình, không chỉ với những em có người thân bị bệnh hoặc vừa mất do COVID-19.
Nói gì với các học trò mình để các em yên tâm bước vào năm học mới là kỹ năng nằm ngoài bài học được đào tạo căn bản ở giảng đường đại học sư phạm, cũng là tình huống ngoài dự kiến của bất cứ giáo viên nào.
Nhưng tôi tin, chỉ cần mỗi người thầy đến lớp trong năm học mới này với tình thương đong đầy, sự cảm thông, chia sẻ chân thành... đều có thể trở thành điểm tựa tinh thần cho các em vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Khi nghĩ tới những thầy cô cắm bản ở vùng cao, vùng sâu, miền biên ải xa xôi nhiều năm trời, tôi lại có thêm sức mạnh. Lúc nghĩ tới học trò mình, các em như con cháu mình ở nhà. Chúng tôi không cho phép mình yếu đuối mà phải gạt mọi nỗi lo thường tình để chở che, an ủi, giúp đỡ, động viên các em...
Rồi mọi khó khăn sẽ qua. Chẳng phải khó khăn của năm học này cũng là một bài học kỹ năng quan trọng cho thầy và trò cùng cố gắng hay sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận