24/05/2016 15:13 GMT+7

​Phát triển thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trước những diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi, phát triển, đầu tư hợp lý các công trình thủy lợi trở thành yêu cầu cấp thiết tại nhiều địa phương.

Đầu tư xây dựng đồng bộ

Toàn tỉnh Đắk Nông có 183 hồ thủy lợi, tổng dung tích 140 triệu m3. Việc xây dựng nhiều hồ chứa đã góp phần lớn vào chống lũ, cấp nước sinh hoạt và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các hồ chứa cũng gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội bởi những tồn tại trong thiết kế, thi công và quản lý, cùng với đó là biến đổi bất thường về khí hậu làm cho những tác động xấu này thêm trầm trọng. Trong số đó, nhiều hồ có đập đất đã được xây dựng từ lâu không được gia cố bảo vệ mái thượng lưu và hạ lưu, mặt đập lồi lõm, sụt lún.

Mặt khác, do thiếu kinh phí xây dựng nên các hạng mục công trình không được đầu tư xây dựng đồng bộ và không có độ kiên cố cần thiết; một số hồ chứa tràn xả lũ không đủ năng lực tháo lũ, tràn tự do trên nền đất, nhiều hồ chứa không có đường quản lý, gây khó khăn cho công tác quản lý và ứng cứu khi hồ có sự cố.

Trên thực tế, để những hồ thủy lợi có các hệ thống đo mưa tự động, quan trắc nhằm đối phó với tình hình mưa, lũ bất thường do biến đổi khí hậu gây ra thì các công trình cần phải có nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên các công trình chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, trong đó chưa có xây dựng và trang bị các thiết bị quan trắc.

Thời gian tới, đề án về bảo đảm an toàn hồ chứa được tỉnh Đắk Nông triển khai sẽ tập trung rà soát các công trình hồ đập đã hư hỏng, nâng cấp bảo đảm an toàn, kiểm định đập, đánh giá lại khả năng xả lũ có xét đến biến đổi khí hậu. Theo dự tính, toàn tỉnh sẽ có khoảng 200 hồ thủy lợi cần được đầu tư mới và sửa chữa, nâng cấp. Hiện tỉnh cũng đã lập kế hoạch đầu tư thủy lợi trung hạn, dài hạn để tranh thủ tốt các nguồn vốn nâng cao các yếu tố về kỹ thuật công trình.

Phát huy khả năng chống hạn, ngăn mặn 

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân Bình Thuận.

Bên cạnh đó, do dòng chảy trên các con sông trong mùa khô bị cạn kiệt nên tình trạng nước biển xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, làm cho đất đai nhiễm mặn, diện tích canh tác ngày càng thu hẹp.

Trước thực trạng đó, đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ chống hạn và ngăn mặn là giải pháp cấp bách.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách tỉnh Bình Thuận còn khó khăn chưa thể cân đối được nguồn vốn để đầu tư các công trình thủy lợi, UBND tỉnh vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ ngân sách Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 và năm 2016 để địa phương có điều kiện đầu tư 2 công trình chống xâm nhập mặn và 1 công trình thủy lợi phục vụ chống hạn gồm: đê ngăn mặn trên Sông Lũy, huyện Bắc Bình; hồ chứa nước Măng Tố, huyện Tánh Linh; đê ngăn mặn trên sông Phan, huyện Hàm Thuận Nam.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên