21/10/2018 09:45 GMT+7

Nhọc nhằn con chữ yêu thương

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Hơn 25 năm từ ngày cô giáo Lương Thị Kim Loan (49 tuổi) lựa chọn về Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam, đến nay đã nhiều trẻ mồ côi, khuyết tật nặng trưởng thành và tìm đến được con chữ - điều tưởng chừng như không thể.

Nhọc nhằn con chữ yêu thương - Ảnh 1.

Cô Loan và những học trò trong lớp học đặc biệt - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Dạy học vốn đã vất vả, nhưng với giáo viên đảm nhận lớp học sinh có nhiều dạng khuyết tật khác nhau lại càng vất vả bội phần.

Mỗi tiết học là một "cuộc chiến"

"Dậy nào mấy con! Dậy đi đánh răng, ăn sáng rồi học thôi". Tiếng gọi quen thuộc của cô Loan báo hiệu một ngày mới bắt đầu với đám trẻ. Miệng vừa gọi, chân cô bước đến bên từng giường mỗi em. Cứ dìu em này dậy, em kia lại vật xuống giường. Đứa khua chân đạp thình thịch, em lại réo gọi cô dìu bước xuống xe lăn. 

Cuộc vật lộn mang tên đánh thức học sinh vào mỗi sáng sớm tưởng chừng đã quá gian nan với cô Loan, nhưng không, một ngày từ sáng sớm đến tối mịt đều là những phút đẫm mồ hôi với cô giáo sắp bước sang tuổi 50 này.

Học trò của cô Loan ở lớp học đặc biệt thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam chỉ vỏn vẹn 12 em. Mỗi em một dạng khuyết tật khác nhau, từ tự kỷ, tăng động, bại liệt, bại não, bệnh Down đến khiếm thị, khiếm thính đều do một mình cô Loan dạy dỗ.

Buổi học của các em bắt đầu từ trò chơi nhỏ do cô tổ chức. Khi là đố vui, khi là nối lời một câu hát, có khi chỉ đơn giản là đoán xem hôm nay cô mang đến lớp bất ngờ gì và nhận phần thưởng. 

Cô Loan bảo rằng việc nghĩ ra trò chơi cho cả lớp khá khó khăn bởi khó áp dụng trò chơi vận động vì nhiều em bị khuyết tật tay, chân. Cũng không áp dụng những trò chơi quá đòi hỏi trí tuệ vì các em khó hiểu sẽ nhàm chán và không hiệu quả. Nhưng phải vui, phải mới lạ các em mới hào hứng.

Những trò chơi nhỏ đầu buổi học sẽ kích hoạt tinh thần và sự tập trung của các em để bước vào tiết học, tránh khô cứng và nặng nề việc học hành. Các em cũng tăng kỹ năng hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng giải quyết một vấn đề. 

Từ sự hào hứng đang có, cô Loan dẫn dắt các em vào tiết học thoải mái hơn. Nói là lớp học nhưng rất khó gọi tên lớp, bởi mỗi em cô Loan phải thiết kế một chương trình riêng, vừa phù hợp với khả năng học sinh vừa căn cứ theo độ tuổi. Việc học chữ với mỗi em cũng khác nhau hoàn toàn.

Gặt trái ngọt

Cô Loan nói mình may mắn và hạnh phúc khi được là giáo viên của các em. Dù với đồng lương ít ỏi của một nhân viên trung tâm bảo trợ, cô Loan vẫn vẹn tròn tâm huyết của một người gieo mầm chữ. Từng dạy học tại một trường tiểu học ở Đà Nẵng, quyết định về chăm sóc kiêm giáo dục trẻ khuyết tật ở trung tâm theo cô là quyết định đúng đắn nhất của đời mình. 

Cô Loan tâm sự: "Từ lần đầu gặp các em, tôi đã thấy thương, thương lắm. Và chỉ mong mình có thể làm được một điều gì đó giúp các em".

Trước đây, trẻ khuyết tật nặng ở trung tâm chỉ ăn, ngủ, chơi, được chăm sóc đến 18 tuổi, sau đó chuyển đến trung tâm bảo trợ người trưởng thành. Đến năm 2005, nhận thấy nhiều trẻ khuyết tật vẫn có khả năng học tập, cô Loan cùng ban giám đốc trung tâm quyết định mở lớp học đặc biệt cho các em.

Nói cô Loan là giáo viên thôi chưa đủ, cô vừa đảm nhận vật lý trị liệu vừa giáo dục trị liệu cho các em. Cô Loan đã trở thành người mẹ hiền của những đứa trẻ ở đây. Nhiều em trong số đó đã gắn bó với cô Loan từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành với nhiều tiến bộ rõ rệt. Suốt 13 năm từ khi lớp học này được mở ra, đã có gần 40 em khuyết tật nặng biết đọc, biết viết.

Câu chuyện của Vũ là một minh chứng. Hơn 20 năm trước, trong một trận lũ lớn, người dân Hội An cứu được Vũ trong dòng nước xiết. Người Vũ tím bầm vì gió lạnh. Trung tâm đón Vũ về, bế em trên tay chuyền từng người sưởi ấm. Vũ quá yếu, lại bị dị tật, trải qua nhiều trận ốm thập tử nhất sinh. Cô Loan cùng các nhân viên khác ở trung tâm đã cưu mang Vũ.

Căn bệnh bại não khiến Vũ đi đứng khó khăn, hễ bước đi là vấp ngã, khâu không ít mũi trên đầu. Cô Loan đã kiếm cho Vũ chiếc mũ bằng cao su dày và cứ thế em tập tễnh bước. Qua trị liệu, Vũ tiến bộ rõ rệt về thể chất. 

Năm em 10 tuổi, cô Loan đón Vũ vào lớp học của mình và dạy chữ cho em từ đó đến nay. Nay Vũ đã học thạo chương trình lớp 6, nói được cả tiếng Anh. Tuy bị dị tật nên giọng nói em không tròn vần rõ chữ, nhưng ai cũng phải thán phục bởi đó là cả một thành quả lớn của Vũ và cô Loan.

Cô Loan chia sẻ: "Những đứa trẻ khuyết tật cũng giống bao đứa trẻ bình thường, có ước mơ, biết phấn đấu, nhưng chỉ vì khiếm khuyết bản thân gây trở ngại. Tôi chỉ đóng vai trò là một người hỗ trợ các em đến với ước mơ của mình".

Ông Phạm Sơn - phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam - cho biết thường ngày ngoài dạy học cho những em khuyết tật nặng tại trung tâm, tối đến cô Loan lại đi từng phòng kèm bài cho các em khác. Nhờ cô Loan hỗ trợ, đã có nhiều em ở trung tâm trưởng thành, đi học nghề và có việc làm.

Đa số cô Loan phải dạy riêng từng em một. Cầm tay nắn cho các em từng nét chữ. Mỗi câu thơ có khi cô đọc cả hàng chục lần các em vẫn chưa thuộc. Nhiều em tự kỷ, tăng động khi bị bạn trêu lại la hét và có hành vi tự làm đau mình, cô Loan ôm lấy học trò và trấn an. Lắm lúc các em cũng làm đau cả cô giáo, những vết bầm tím với cô là chuyện cơm bữa.

Dạy học bằng cả yêu thương: Dấu chân của một người thầy Dạy học bằng cả yêu thương: Dấu chân của một người thầy

TTO - Đêm buông dài xuống núi, sương che khuất dần từng góc làng. Thầy Nguyễn Văn Khánh, phó hiệu trưởng Trường THCS Sơn Dung (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), chuẩn bị cắt rừng vào làng tìm trò.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên