17/02/2017 09:24 GMT+7

Nhẹ nhàng thì không tin cậy?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Nhẹ nhàng hay tin cậy? Cuối cùng, Bộ GD-ĐT vẫn phải chọn phương án hướng tới kỳ thi đảm bảo tin cậy hơn là một kỳ thi nhẹ nhàng nhưng gợn lên nhiều lăn tăn về kết quả.

Theo đó, buộc phải đưa giảng viên ĐH về địa phương coi thi là sự thay đổi chủ trương khá bất ngờ của bộ, chỉ sau vài tháng công bố sẽ giao kỳ thi hoàn toàn về địa phương.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết thay đổi này xuất phát từ tình hình thực tế và căn cứ theo lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia: từ chỗ phân hai loại cụm thi với sự tham gia sâu của các trường ĐH với cả hai loại cụm thi này, đến chỗ thống nhất chỉ còn một loại cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì cùng với sự tham gia của các trường ĐH trong công tác coi thi, để tiến hẳn đến giao hoàn toàn chủ động cho địa phương.

Ngoài ra, đối với kỳ thi “hai trong một” (kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH), việc điều động giảng viên còn giúp các trường ĐH yên tâm với chính kỳ thi mà họ sẽ dùng kết quả để xét tuyển ĐH.

Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, cho rằng những giải pháp thi cử của bộ chỉ khiến dư luận có cảm giác “hình như bộ luôn sợ gian lận xảy ra”, mà “thực tế gian lận bao giờ cũng có”.

“Cách làm của bộ là muốn gói ghém lại, mà ngại kéo cộng đồng, xã hội vào cùng giám sát. Nếu ngành giáo dục cứ tự làm theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” thì khó có thể chấm dứt được tiêu cực, gian lận.

Đã đặt ra lộ trình đơn giản hóa kỳ thi, giao tự chủ hoàn toàn cho sở thì cứ để sở làm hết trách nhiệm. Chỉ cần bộ rộng cửa với các kênh giám sát xã hội, tuyên ngôn rõ “ở đâu phát hiện gian dối thi cử, trước hết người đứng đầu sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm” thì tất yếu thi ở đâu, do ai coi cũng sẽ đi vào nề nếp”, TS Khuyến nói.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng bản thân ngành giáo dục đã có sẵn nhiều kênh, nhiều nấc sàng lọc, nhưng chưa tận dụng hết mà chú tâm quá nhiều vào một kỳ thi. Mỗi môn học, mỗi thầy cô, mỗi nhà trường đều có cơ chế và trách nhiệm sàng lọc qua từng bài kiểm tra trên lớp, trong trường… Thực học, thực nghề mới là cái cốt lõi cuối cùng, chứ không phải điểm số của một vài bài thi trong một vài tổ hợp môn thi.

Xét đến cùng, nhẹ nhàng và tin cậy không phải lúc nào cũng ở hai chiến tuyến khiến Bộ GD-ĐT phải đau đầu lựa chọn “chỉ một, không hai”. Việc thi cử sẽ vẫn nhẹ nhàng và đủ tin cậy chỉ khi Bộ GD-ĐT không còn là “bộ thi” như chính cách nói của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên