30/01/2020 10:47 GMT+7

Nghĩ lớn vì trách nhiệm lớn

PHẠM QUANG VINH (nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao) - Nhật Đăng ghi
PHẠM QUANG VINH (nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao) - Nhật Đăng ghi

TTO - Sau một năm thắng lợi về mặt ngoại giao, Việt Nam bước vào năm 2020 với tâm thế sẵn sàng cho những thời cơ và thách thức khi đảm nhiệm một lúc hai vị trí quốc tế quan trọng.

Trong tư cách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam cũng đang giữ vai trò chủ tịch tháng 1. Đồng thời, năm 2020 này cũng là lúc Việt Nam làm chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Câu hỏi nhiều người đặt ra sẽ là làm thế nào để Việt Nam tối ưu hóa lợi ích từ các cương vị này, tận dụng sự tham gia chương trình nghị sự ở Liên Hiệp Quốc và ASEAN để vừa đóng góp thiết thực cho quốc tế, vừa mang về lợi ích quốc gia? 

Cụ thể hơn nữa, lấy ví dụ trong căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Việt Nam sẽ tham gia quản lý xung đột tại Liên Hiệp Quốc như thế nào để mang lại lợi ích hài hòa? 

Còn trong câu chuyện Biển Đông và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Việt Nam ở vị trí chủ tịch ASEAN liệu có giành lấy sự chủ động để đảm bảo lợi ích cho ASEAN và bản thân mình hay không?

Đây đều là những bài toán khó và cách xử lý tốt nhất chỉ có thể là nghĩ lớn hơn, nghĩ rộng hơn. Đây là phương châm để tháo gỡ khúc mắc lớn nhất: lợi ích của Việt Nam có đồng thời là lợi ích của các nước khác hay không, khi Việt Nam sau khi được bầu ở Liên Hiệp Quốc và nắm vai trò luân phiên tại ASEAN cũng đồng nghĩa đang chịu sức ép từ sự kỳ vọng.

Thách thức khi xử lý các vấn đề như Iran và Mỹ vừa qua chính là cân bằng lợi ích, tìm thấy giải pháp chung và dung hòa tất cả. Câu chuyện hạt nhân Iran không chỉ là mối quan tâm của các nước liên quan ngay trong Hội đồng Bảo an, mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác. 

Việt Nam, với vai trò ở Hội đồng Bảo an hiện nay, chắc chắn khi tham gia xử lý vấn đề, đề xuất giải pháp, phải phản ánh được mối quan tâm của chính mình lẫn những gì các nước thường trực và không thường trực Hội đồng Bảo an khác xem xét.

Nắm giữ hai vị trí quan trọng như trên, Việt Nam sẽ quan tâm tới những vấn đề an ninh thế giới, xem xét nó trong mối liên quan tới an ninh khu vực mình được bầu và ASEAN - Đông Nam Á nói riêng. Việt Nam sẽ phải tập hợp ý kiến các bên, xem xét và tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của các nước xung quanh. 

Chủ trương của Việt Nam là tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời chia sẻ mối quan tâm với các nước khác. Khi có bất ổn, Việt Nam sẽ tìm cách kêu gọi sự kiềm chế, vì trong những lợi ích và mong muốn đa dạng như tại Hội đồng Bảo an, nguyện vọng chung lớn nhất vẫn là hòa bình và ổn định.

Tương tự trong câu chuyện ASEAN, Việt Nam không nên chỉ nghĩ rằng mình sẽ được gì từ một năm làm chủ tịch. Trách nhiệm của Việt Nam là xây dựng ASEAN, phát huy tính trung tâm của ASEAN và đảm bảo không lệ thuộc. 

Khi đạt được các mục tiêu này, tự khắc sẽ có lợi ích. Việt Nam phải làm việc cùng các thành viên ASEAN để thúc đẩy sáng tạo. 

Ưu tiên của Việt Nam là chèo lái con thuyền ASEAN đi đúng hướng, mà cụ thể là phát triển bền vững và độc lập. Không nhất thiết ASEAN phải chọn ai giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyện cũng không chỉ dừng lại ở vấn đề Biển Đông. Chúng ta phải nghĩ lớn!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ASEAN phải là khu vực đáng sống trên thế giới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ASEAN phải là khu vực đáng sống trên thế giới

TTO - “Cộng đồng ASEAN tự cường với khả năng thích ứng, chống chịu và xử lý hiệu quả các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, rác thải nhựa… dần trở thành một khu vực đáng sống trên hành tinh…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ngày 6-1.

PHẠM QUANG VINH (nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao) - Nhật Đăng ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ASEAN Liên Hiệp Quốc