23/11/2017 09:07 GMT+7

Nâng cao năng lực từ chối hối lộ

TRẦN MINH TRỌNG (VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC  LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP - LEADMAN)
TRẦN MINH TRỌNG (VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP - LEADMAN)

TTO - Trong nhiều phản hồi về bài viết “Đừng rải đinh, doanh nghiệp sẽ không hối lộ”, một chuyên gia cho rằng điểm cốt lõi để doanh nghiệp không đưa hối lộ là công chức phải biết từ chối nhận hối lộ.

Nâng cao năng lực từ chối hối lộ - Ảnh 1.

Nâng cao năng lực công chức, viên chức là điều cần được làm thường xuyên, nhất là chú trọng việc nói không với tiêu cực. Trong ảnh: một buổi học của lớp trung cấp hành chính tại Học viện Cán bộ TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

Công chức sẽ kiên quyết từ chối hối lộ nếu có sự tự trọng, tự tin, nhất là sự tự hào về công việc của mình. Và nâng cao năng lực từ chối hối lộ cho cán bộ, công chức phải được xem là giải pháp quan trọng của Chính phủ.

Công chức thiếu tự tin

Trong tháng 10 và tháng 11-2017, tôi có dịp huấn luyện "kỹ năng giao tiếp với doanh nghiệp" cho cán bộ sở, ban, ngành tại 5 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Thuận và Ninh Thuận theo dự án đào tạo của Bộ Kế hoạch - đầu tư triển khai nghị quyết 35 của Chính phủ về "hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020". Đối tượng dự huấn luyện là cán bộ đến từ các đơn vị có liên quan với doanh nghiệp như thuế, sở công thương, phòng kinh tế hạ tầng...

Khảo sát gần 200 học viên tham dự chương trình về những khó khăn trong công việc, tôi có được số liệu như sau: 40% gặp khó trong việc tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp; 31% cảm thấy không an lòng với mức thu nhập; 20% cảm thấy áp lực vì khối lượng công việc rất nhiều nên không còn thời gian để chăm sóc gia đình cũng như bản thân, và 9% là những nguyên nhân do cơ chế, hệ thống chính sách chồng chéo, không nhất quán.

Tiếp xúc trực tiếp trong lớp học, tôi thấy nhiều học viên không tự tin khi trình bày ý kiến, rất ít học viên thể hiện niềm vui hoặc niềm tự hào khi nói về công việc của mình. Tìm hiểu, tôi thấy có nguyên nhân là họ không có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, cộng với việc không có nhiều hiểu biết về đối tượng giao tiếp là doanh nghiệp. 

Hầu hết học viên đã có kinh nghiệm làm việc 5-15 năm chia sẻ đây là lần đầu tiên được tham gia những khóa huấn luyện về kỹ năng giao tiếp. Nhiều học viên không kể được tên 3 doanh nghiệp tại địa phương.

Nhưng có lẽ nguyên nhân ẩn sâu nhất cho sự thiếu tự tin chính là mức thu nhập. Tôi nhớ mãi lời tâm sự của một cán bộ trẻ vừa đi học thạc sĩ ở Anh về, đang làm việc ở một sở công thương, rằng anh đã phải "lánh mặt" hoặc "giả vờ không nghe" khi bạn bè cùng khóa nói về chuyện thu nhập.

Nâng cao năng lực từ chối hối lộ - Ảnh 2.

"Nâng cao năng lực từ chối hối lộ cho cán bộ, công chức phải được xem là giải pháp quan trọng của

Chính phủ" - Ông Trần Minh Trọng

Cần nuôi dưỡng sự liêm chính

Sự tự tin, niềm tự hào nghề nghiệp của một người đi làm thường được xây dựng từ hai yếu tố quan trọng: công việc đó mang lại ý nghĩa, tạo ra giá trị cho người khác, đồng thời mang lại một mức thù lao thỏa đáng với công sức và năng lực đã bỏ ra để đầu tư và tái đầu tư.

Trong quản trị con người, dù là trong phạm vi doanh nghiệp hay một tổ chức chính trị, xã hội, nhà quản lý không thể phớt lờ, bỏ qua nguyên lý cốt lõi "có thực mới vực được đạo". Một khi có thể an lòng với mức thu nhập hằng tháng bằng những chính sách rõ ràng, minh bạch, công chức sẽ dễ nói lời từ chối khi doanh nghiệp hối lộ.

Để có thể tự tin hướng dẫn cho doanh nghiệp những điều nên làm, những điều nên tránh để không vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, công chức cần được huấn luyện kỹ năng giao tiếp, truyền thông thường xuyên. Bên cạnh đó, công chức cũng cần có những trải nghiệm để hiểu hoạt động của một doanh nghiệp như thế nào. Khi có năng lực làm bạn, làm người đồng hành cùng với doanh nghiệp, công chức sẽ khó nhận hối lộ hơn.

Chính phủ cần tinh gọn bộ máy bằng việc cắt giảm nhân sự hay áp dụng công nghệ trong quá trình thực hiện dịch vụ. Mục tiêu quan trọng là phải làm sao cho những người đang làm việc trong bộ máy nhà nước có được mức đãi ngộ thỏa đáng bằng những chính sách công khai, minh bạch để nuôi dưỡng sự liêm chính và lòng tự hào đối với công việc phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Chấn chỉnh hoạt động công chức

Trong hơn 160 ý kiến phản hồi của bạn đọc, có nhiều đề nghị về giải pháp để doanh nghiệp không phải hối lộ công chức.

* Không doanh nghiệp chân chính nào muốn đưa hối lộ. Chính phủ cần phải có những biện pháp chấn chỉnh hoạt động của công chức để họ không thể làm khó, buộc doanh nghiệp phải bôi trơn. (Đông Quỳnh)

* Muốn doanh nghiệp không hối lộ công chức thì phải chống tham nhũng quyết liệt. Bất kể cán bộ nào gây khó cho doanh nghiệp phải bị xử lý nghiêm, cách chức, đuổi việc. Không thể chỉ kiểm điểm, thuyên chuyển công tác với loại vi phạm này vì sẽ dẫn đến "nhờn thuốc". (Vương)

* Cần áp dụng nhiều giải pháp: 1/. Đơn giản hóa hệ thống luật pháp vì còn quá rườm rà, chồng chéo, chưa cụ thể... Đây là nguyên nhân chính xảy ra nhũng nhiễu. 2/ Tinh giản biên chế cán bộ nhà nước, tăng mức lương cơ bản gấp 3 lần hiện nay, tạo điều kiện tối đa cho cán bộ phát triển, lấy năng lực làm trọng tâm để thăng chức. 3/. Áp dụng hệ thống công nghệ, điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính để hạn chế sự tiếp xúc. (Trần Thi)

TRẦN MINH TRỌNG (VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP - LEADMAN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên