22/05/2013 11:59 GMT+7

Miền gió xoáy

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
TẤN VŨ - VIỆT HÙNG

TT - Đó là miền đất kỳ lạ, trù phú nhưng lắm thiên tai nằm nơi heo hút nhất của tỉnh Quảng Ngãi giáp với Tây nguyên. Người dân Ba Vì (huyện Ba Tơ) đặt tên cho vùng đất hung dữ của mình là miền gió xoáy, hay còn gọi là “gió vụt”.

JQbkqr29.jpgPhóng to
Người dân vùng gió xoáy gieo hạt cho một mùa vụ mới - Ảnh: Tấn Vũ

Nằm ở thượng nguồn con sông Re, chắn ngang bởi dãy núi Nước Ui, Ba Vì là ranh giới cuối cùng của tỉnh Quảng Ngãi giáp với Tây nguyên. Tàn tích của miệng núi lửa hàng triệu năm trước để lại trong thung lũng là những dãy núi bao trùm làng xóm trên những dải đất bazan đỏ quạch. Nắng Ba Vì cháy da nhưng cỏ cây xanh mượt lạ thường.

“Ông cụt” về làng

"Người dân nơi đây chỉ biết những cơn gió trong “miền gió xoáy” cứ xuất phát từ khu rừng đó, chúng đi dọc con sông Re rồi tàn phá những ngôi làng và trở thành một thứ khiếp đảm mà sự hiểu biết con người chưa lý giải được bao giờ"

Thầy Lê Xuân An là hiệu trưởng Trường THCS Ba Vì, người Bình Định, tuổi gần 60. Cùng thế hệ trí thức khác từ thành phố, thầy An được đưa về thôn quê để phát triển văn hóa vào thập niên 1970. “Khi đó nơi đây là núi cao vực sâu, xứ sở của người H’Rê, không có người Kinh sinh sống. Bạn bè tôi đến đây nhiều nhưng người về thì ít, đa số nằm lại núi rừng này vì sốt rét” - thầy An thổ lộ.

Sốt rét, ruồi vàng, thú dữ nơi rừng sâu này lần lượt được con người chế ngự, nhưng thứ người H’Rê lẫn người Kinh tới đây đều hốt hoảng chính là “ông cụt”.

Thầy An phỏng đoán rằng do độ chênh lệch quá lớn giữa Tây nguyên và đồng bằng mà Ba Vì chính là ranh giới nên thời tiết nơi đây rất lạ. “Có những hôm trời đang nắng chang chang, lá khô ngay đầu làng bị “hốt” lên từng đống.

Gió xoáy dựng lá cây thành từng cột, to dần và bắt đầu di chuyển. Nơi gió đi qua bị tàn phá khủng khiếp, nhà tốc, cây đổ, hoa màu ngả nghiêng. Đó chính là cột gió xoáy mà dân trong làng gọi là ông cụt” - thầy An kể lại.

Người dân Ba Vì chưa ai quên hiện tượng kỳ lạ khi “ông cụt” về làng mùa hè năm 1996. Quán Tiên Phước, lợp tôn ngay ngã ba thị tứ, có khoảng 7-8 thực khách đang ngồi ăn trưa. Một trận gió rít kèm theo tiếng hú, từ dưới sông Re chạy dọc lên ngã ba rồi nhấc bổng cái quán treo lơ lửng trên không trung. Căn nhà dừng trên không khoảng ba phút rồi đổ ầm xuống một nơi khác cách đó khoảng 100m.

Anh Phạm Văn Cầu, nhà sát cây cầu treo bắc qua sông Re nối liền thị tứ và thôn Măng Đen, nhớ lại: “Lúc đó giữa đêm, mưa nhỏ kèm ánh chớp, tiếng hú nhức óc từ sông Re vọng lên phía bìa rừng.

Tiếng hú ngày một gần, hai vợ chồng tôi hoảng quá chạy ra ngoài. Trời tối đen như mực, khi quay về thì căn nhà chỉ còn là cái nền đất trơ trọi và mọi thứ trong nhà bị dọn sạch sẽ”. Sáng hôm sau hai vợ chồng đi nhặt những thứ sót lại vương vãi rơi cách đó gần 1km. Hằng năm, người dân Ba Vì chứng kiến không biết bao nhiêu lần “ông cụt” về làng như thế.

Mỗi lần như vậy, nhà cửa, hoa màu, cây cối bị tàn phá ghê gớm. Những rừng keo vừa trồng bị phạt ngang như người ta cưa gốc. Những rẫy cà phê vừa đơm hoa bị rụng sạch sau một trận gió. Cứ thế nỗi bàng hoàng kéo dài mỗi khi lốc xoáy tràn qua thung lũng này.

Học sinh ở đây không cần diễn tập động đất, sóng thần cũng biết chui gầm bàn khi “ông cụt” tràn qua. Nó giống như cái vòi rồng mini quét qua làng xóm.

Cứ thấy hiện tượng đó là học sinh tự chui xuống bàn ẩn nấp. Sau một cú gió xoáy là mưa đá, không năm nào ở Ba Tơ không có mưa đá. Mưa đá ở đây không tàn phá ghê gớm như miền Tây Bắc nhưng cũng đủ hại mùa màng khiến người dân trắng tay.

Năm 2000, trước vụ gió nam, cánh đồng lúa ở thung lũng Ba Vì vàng óng chờ thu hoạch. Đang nắng gắt, đất trời như đổ sập, mây đen kéo về vần vũ. Rồi lốc xoáy kèm mưa đá rơi tung tóe. Sau trận mưa, hàng trăm người dân H’Rê đội nón lá ra khóc cánh đồng khi những cành lúa vàng óng của mình chỉ còn trơ trọi như chiếc chổi rơm cùn, hạt rụng sạch.

Luôn có mưa trong 20 ngày

Trước khi làm hiệu trưởng, thầy Lê Xuân An từng làm việc tại chính quyền xã Ba Vì. Khi chính quyền Sài Gòn đề xuất đặt tên cho vùng đất này, chính ông An là người đề xuất tên “Gió Vụt”. Sau một hồi bàn thảo, chính quyền huyện, xã thống nhất lấy tên là “Giá Vực”, nhưng sau này không hiểu vì lý do gì họ vẫn không ghi tên đó trong các văn bản hành chính. Thi thoảng trên các trụ chỉ đường dọc tuyến quốc lộ 24, nối từ Thạch Trụ (Quảng Ngãi) qua Kon Tum, đi ngang vùng đất này chỉ thấy cái tên “Giá Vực”.

Thầy An giải thích: “Gió vụt (gió xoáy) là từ ngữ chỉ hiện tượng thiên nhiên kỳ thú chỉ có ở vùng đất này. Nơi mà chưa bao giờ không có mưa trong vòng 20 ngày. Nơi có những trận gió vụt khủng khiếp nhất mà tôi từng chứng kiến”.

Còn với tên gọi “Giá Vực” cũng đúng. Bởi khi người Pháp qua đây, họ không phải ngẫu nhiên chiếm khu này làm căn cứ. Sau này, chính quyền Sài Gòn cũng vậy. Chính cái miệng núi lửa này và dòng sông đã hình thành nên vùng đất trù phú với phù sa màu mỡ và đất đỏ tươi tốt như Tây nguyên. “Dù bên núi cao bên vực sâu, dù ở đâu thiếu thốn nhưng ở đây thì không. Hoa màu xanh mởn. Những bãi mía, bờ khoai ven con sông Re xanh quanh năm vì có mưa liên tục. Chính vì vậy người ta gọi là “giá vực”, hiểu nôm na là một khu vực có giá trị” - thầy An lý giải.

Dẫn chúng tôi ra cây cầu treo bắc ngang qua dòng sông Re gầm gừ, tung bọt trắng xóa, lô nhô đá cuội, già làng Phạm Văn Nuôi nói: “Ở đây cái gì cũng giá trị hết. Đặc biệt là con cá niên dưới dòng sông Re này. Thứ cá đặc sản và hảo hạng bậc nhất quanh dãy Ngọc Linh”.

Theo già Nuôi, cá niên thân trắng như cá chép nhưng dài hơn, lưng màu xanh. Sở dĩ cá niên sông Re thịt thơm, ngon ngọt vì chúng ăn rất nhiều rêu xanh bám trên trái mã tiền. Quanh sông Re cây mã tiền mọc kín. Trái mã tiền to bằng ngón tay. Mùa trái rụng trôi dọc theo dòng sông, lâu ngày rêu xanh bám víu, cá niên rất thích ăn rêu này. “Mã tiền được người học võ ngâm rượu để xoa vết bầm thôi. Xoa nó gân cốt rất cứng. Không hiểu sao cá niên lại thích” - già Nuôi thắc mắc.

Chỉ tay về phía đầu nguồn sông Re, nơi có dòng thác lấp lánh thò ra giữa khoảng xanh mênh mông của núi sau mưa, già Nuôi nói: “Gió thường xuất phát từ nơi đó xuôi theo dòng sông rồi ra phá làng. Ở đó về Gia Lai cũng gần mà lên Kon Tum cũng rất tiện lợi, gần hơn rất nhiều so với đi đường đèo Violac”.

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên