13/07/2018 09:00 GMT+7

'Bác hiểu phận đàn bà chồng chết trận'....

ĐẶNG THÚY NGẦN 
(Quận Tân Phú, TP.HCM)
ĐẶNG THÚY NGẦN 
(Quận Tân Phú, TP.HCM)

TTO - 'Bác đã thấu hiểu phận đàn bà chồng chết trận, dẫu ở bên nào thì nỗi đau mất mát cũng giống nhau...' Không ngờ vì thương con mà cái định kiến sâu thẳm trong lòng mẹ được khỏa lấp nhanh đến vậy. Trong khoảnh khắc ấy, chúng tôi ôm chầm lấy mẹ.

 Bác hiểu phận đàn bà chồng chết trận.... - Ảnh 1.

Quê tôi nằm ven bờ sông Bôi, Thái Bình. Cứ mỗi lần về quê, ra mộ mẹ dâng lên một nén hương là lòng tôi lại trĩu nặng. 

Mẹ tôi nằm đó, người mà cuộc đời cũng như bao phụ nữ Việt Nam thời chiến tranh phải chịu nhiều hi sinh và mất mát, vậy mà sau ngày đất nước thống nhất, mẹ còn rơi nước mắt vì đứa con gái đầu lòng là tôi.

Ngày ấy cách nay gần 40 năm rồi. Tôi xa nhà đi học, để mẹ ở lại oằn vai với bao công việc ở quê nhà. Thương mẹ, chuyện yêu đương tôi dặn lòng khép lại. Nào ngờ tình yêu như tơ trời vương vấn lòng người trăm nẻo... 

"Mấy chục năm qua đi, lòng tôi vẫn không hết nghẹn ngào mỗi lần nhớ lại cái khoảnh khắc ngày ấy, khi mẹ chấp nhận sống khắc khoải, thuận cho tôi theo người yêu vào Nam để có được hạnh phúc như ngày hôm nay."

Đặng Thúy Ngần

Ngày ra trường, nghĩ đến cảnh nhà, rồi nghĩ đến chuyện phải chia tay với người yêu, lòng tôi đau vời vợi. Biết tìm đâu người hòa hợp tâm hồn và lẽ sống với mình như anh ấy? Nhưng bỏ mẹ theo anh sao đành?...

Lòng đứng giữa ngã ba đường, tôi trở về nhà gặp mẹ. Trời vừa chớm thu, gió heo may chưa về mà khăn đã trùm kín đầu. Thấy tôi về, mẹ cất lên mấy tiếng: "Con về đấy ư..." rồi ôm ngực ho sù sụ. 

Bữa nọ, chỉ còn hai mẹ con, tôi cố lấy hết can đảm nói lên ước nguyện riêng tư của mình: "Mẹ... cho con... lấy chồng miền Nam và... vào trong ấy làm việc nhé?". 

Miền Nam ngày ấy với người dân quê tôi còn xa xôi và lạ lẫm lắm. Với mẹ thì vùng đất đó còn là nơi gây men nỗi nhớ, thương chồng đến xao xác lòng. Mẹ nhìn tôi một thoáng sững sờ...

Ngày tôi trở lại trường nhận bằng tốt nghiệp, tiễn tôi ra đến cổng làng, cầm tay tôi, giọng mẹ tha thiết: "Phận đàn bà sướng khổ từ chuyện chồng con. Mẹ không cấm việc con lấy chồng xa nhưng hãy suy xét cho chín chắn con ạ!". 

Nửa ngày đường tôi ngồi trên xe mà nước mắt cứ chực trào ra. Đã bao lần rồi, cứ tiễn người thân ra đến cổng làng là giọng mẹ lại trầm buồn, rồi về nhà ngồi tựa cửa mà lấy lai quần chậm nước mắt. 

Bố đi biền biệt hết kháng Pháp rồi chống Mỹ, mẹ quanh năm lẻ bóng nuôi đàn con thơ mà sinh lao lực. Cuộc chiến cơm gạo ở hậu phương với mẹ xem ra chẳng kém gì cam go ngoài mặt trận của bố. Mình mẹ nuôi cả đàn con dại lúc nào cũng như chim non háu đói. 

Mẹ không được gục ngã, ốm đau cũng phải lê lết ngoài đồng. Lặng lẽ nuôi con, lặng lẽ mang khát vọng hết chiến tranh rồi chồng sẽ trở về chung vai xây tổ ấm với mình. Nhưng mơ ước của mẹ đã không thành. Bố đã không trở về với mẹ nữa!

...Nghe tôi đưa người yêu là người miền Nam về ra mắt gia đình, tối đến bà con lối xóm đốt đèn đến chơi nườm nượp... Khuya, khi bà con về, điền vào cái khoảng lặng ấy là tiếng giọt gianh tí tách ngoài hiên. 

Cái chõng tre mẹ nằm nghe cọt kẹt. Giường bên kia, không biết anh ấy nghĩ gì mà ngồi rít thuốc lá đỏ rực. Tâm tư tôi bắt đầu xao động. Có phải mẹ đang buồn vì câu "Có phúc gả con chồng gần..."? Còn anh ấy, chắc đã nản trước thái độ khước từ khéo léo chuyện rể con của mẹ trước bà con lối xóm?

Trời về khuya rét đậm. Mẹ ho liên tục, rồi lên cơn hen, mặt tím tái, những lao lực một đời ngấm thành bệnh mãn tính quay lại hành mẹ. Em gái tôi, mới 15 tuổi, nhưng đã được tập tành quen việc tiêm cho mẹ trong những lúc như thế này. Nhưng biết tôi toan lấy chồng xa, nó giận lắm. 

Trước khi bỏ sang nhà hàng xóm ngủ, nó ngúng nguẩy lườm anh ấy rồi ghé miệng vào tai tôi mà nói: "Đồ phản bội"! Lúc cấp bách, con bé lại không có nhà. Nhưng anh ấy đã bước tới ngay, cầm ống thuốc tiêm cho mẹ thành thục. Vượt qua giây phút nguy cấp, hồi lại, mẹ khen anh: "Cháu tiêm thuốc giỏi quá!".

Mấy ngày ở nhà, thấy cảnh nhà dột cột xiêu, anh ra vườn chặt tre chẻ lạt, che chắn phên vách, dọi lợp chỗ dột, sửa lại chuồng gà, chuồng lợn... Tối đến anh cùng đứa em trai tôi tuổi lên mười ra bờ sông úp cá. Là dân đồng trũng, anh có tay sát cá thật. Mẹ tôi vốn thảo ăn nên còn đem biếu khắp xóm...

Nhưng ngày trở lại trường đã gần kề mà anh chưa nói gì với mẹ cả. Tôi nóng ruột bồn chồn. Tối ấy, sau khi đem cá biếu hàng xóm về, giọng mẹ cởi mở hỏi anh: "Nghe nói nhà trường giữ lại cả hai đứa làm giáo viên, sao cháu không ở lại mà về quê làm cho cái Ngân khó xử?". 

"Dạ, hoàn cảnh cháu ngặt lắm ạ. Mùa gặt vừa rồi má cháu gánh lúa ngã cầu khỉ bị liệt nửa người, hai em thì còn quá dại...". "Vậy bố cháu đâu?". "Dạ, cha cháu mất ở chiến trường Quảng Trị...". Mẹ tôi lặng người. Bố tôi đã thành thương binh ở chiến trường đó rồi xa mẹ mãi mãi. 

Có khi nào họ là đồng đội của nhau không? Mẹ gấp gáp hỏi: "Cháu có biết tên đơn vị bố không?". "Dạ, cháu không biết nhưng cha cháu là lính... Cộng hòa". "Hả!". 

Mẹ buột miệng thành tiếng rồi mặt mày tái mét như bị trúng gió. Tôi biết cái định kiến xưa nay ngự trị trong lòng mẹ vẫn còn đó. Chính những người lính Cộng hòa đã chĩa súng vào bố... Không nói thêm nửa lời, mẹ lặng lẽ lên giường nằm.

Sáng hôm sau mẹ giục tôi sang thăm quê ngoại làng bên. Bà cố tình dặn dò tôi đến mấy lần cốt để anh ấy nghe được: "Nhớ ở lại chơi với bà ngoại mấy ngày đấy". Với bộ mặt đưa đám, tiễn tôi một đoạn đường, anh nói: "Anh cố gắng ở lại với mẹ mấy ngày xem sao... Đợi em về rồi tính...".

Tôi đã không còn gì để hi vọng. Chuyện tình duyên hai đứa đã bị anh ấy, bằng những lời nói thật, vô tình dẫn ra pháp trường rồi. Còn gì để mà tính? Đụng đến vết thương lòng của mẹ thì chỉ có trời cứu. 

Nhưng khi tôi từ quê ngoại trở về, mẹ bảo hai đứa ngồi lại để nói chuyện. Hai đứa tôi lo thắt ruột, nghĩ bụng chắc chắn đường ai nấy đi rồi. 

Ngồi lặng lẽ một hồi, mẹ nói với anh ấy: "Mấy đêm không ngủ được, bác đã thấu hiểu phận đàn bà chồng chết trận, dẫu ở bên nào thì nỗi đau mất mát cũng giống nhau. Bác ngẫm mình còn may, còn đi lại được, em gái con tuy còn nhỏ nhưng cũng cậy nhờ được rồi. Tội nghiệp má con trong ấy, nằm liệt giường mà phải nhìn đàn con dại không ai chăm sóc, chắc đau lòng lắm!". 

Lại lấy cái lai quần chậm nước mắt, mẹ tiếp: "Cho con gái đi lấy chồng xa xứ, mẹ đứt cả núm ruột nhưng yên dạ phần nào vì con rể là đứa biết sống. Đám cưới các con vì sức khỏe mẹ không vào được, thôi thì có chút tiền gọi là cho con gái đi lấy chồng. Cầm lấy cho mẹ yên lòng...".

Hai đứa tôi không ngờ vì thương con mà cái định kiến sâu thẳm trong lòng mẹ được khỏa lấp nhanh đến vậy. Trong khoảnh khắc ấy, cả hai chúng tôi nhào tới ôm chầm lấy mẹ, trào nước mắt. 

Băn khoăn không biết mẹ lấy đâu ra số tiền cho mình, tôi chưa kịp hỏi thì em gái tôi nói: "U vừa bán lợn đấy". Tôi tức tốc chạy ra chuồng lợn, mới thấy con lợn đang sức ăn sức lớn, là món tài sản duy nhất để cứu đói cho gia đình đã không còn.

Mấy chục năm qua đi, lòng tôi vẫn không hết nghẹn ngào mỗi lần nhớ lại cái khoảnh khắc ngày ấy, khi mẹ chấp nhận sống khắc khoải, thuận cho tôi theo người yêu vào Nam để có được hạnh phúc như ngày hôm nay.

 Bác hiểu phận đàn bà chồng chết trận.... - Ảnh 3.
ĐẶNG THÚY NGẦN 
(Quận Tân Phú, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên