09/09/2015 10:54 GMT+7

Khi dân kiện chính quyền

HOÀNG ĐIỆP - GIA MINH
HOÀNG ĐIỆP - GIA MINH

TT - Luật quy định các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Tòa có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Đại diện của đương sự (ngồi) trao đổi với luật sư trong vụ kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: H.Điệp
Đại diện của đương sự (ngồi) trao đổi với luật sư trong vụ kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: H.Điệp

Tuy nhiên, không phải khi nào luật cũng được hai bên đương sự tôn trọng, nhất là những phiên tòa hành chính, mà bên bị khởi kiện là cơ quan nhà nước hoặc người đại diện cho cơ quan nhà nước.

“Bản án phúc thẩm đã tuyên được hai năm rồi nhưng mọi việc vẫn án binh bất động. Tôi cạy cục đi đề nghị thi hành án cũng đã hai năm và không nhớ bao nhiêu lần qua lại UBND huyện, nhưng vẫn chả có kết quả gì

Ông Nguyễn Văn Đạt (người được tuyên thắng kiện trong một vụ kiện về đất đai)

Bị đơn vắng mặt

Ngày 28-8-2015, TAND huyện Hớn Quản (Bình Phước) xét xử vụ kiện hành chính giữa cô giáo Hoàng Thị Thinh, khởi kiện quyết định hành chính do chủ tịch UBND huyện Hớn Quản ban hành và khởi kiện hành vi hành chính của nhiều công chức, viên chức hoạt động trong ngành giáo dục tại huyện Hớn Quản.

Tuy nhiên, khi mở phiên tòa, bị đơn là lãnh đạo huyện Hớn Quản đã không có mặt.

Cô giáo Hoàng Thị Thinh kiện quyết định hành chính ngày 14-6-2012 của chủ tịch UBND huyện Hớn Quản và hành vi của một số cán bộ, công chức về chi trả sai quy định lương và chế độ phụ cấp lương đối với cô (nguyên là giáo viên tiểu học tại địa phương).

Theo đó, trong một thời gian dài cô Thinh bị cắt hoặc không được hưởng chế độ lương và phụ cấp lương theo quyết định ngày 6-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra quá trình công tác, cô giáo Hoàng Thị Thinh bị tai nạn lao động khi đang giảng dạy, nhưng sau đó không được bố trí công việc phù hợp cũng như các chế độ đối với người lao động bị mất sức..., khi cô Thinh khiếu nại thì bị kiểm điểm trước tập thể nhằm gây áp lực buộc cô phải xin thôi việc nghỉ hưu sớm.

Trong đơn khởi kiện, cô Thinh đề nghị tòa tuyên buộc chủ tịch UBND huyện Hớn Quản và cơ quan chuyên môn trả lại chế độ, quyền, lợi ích hợp pháp cho cô và những đồng nghiệp đã bị cho thôi việc, nghỉ hưu trái pháp luật tại Trường Tân Khai A và Trường Tân Lợi nơi cô từng làm việc.

Đồng thời, cô Thinh cũng đề nghị xử lý sai phạm pháp luật đối với một số cán bộ giáo dục đã có hành vi trù dập người khiếu nại tố cáo.

Vụ án được tòa thụ lý từ năm 2012, nhưng sau hai lần xét xử, hồ sơ bị trả lại để xét xử lại từ đầu.

Ngày 28-8-2015, phiên tòa được mở xét xử công khai, nhưng phiên tòa buộc phải tạm hoãn do người bị kiện là chủ tịch UBND huyện Hớn Quản vắng mặt không lý do, những người bị kiện hành vi hành chính khác (trưởng Phòng giáo dục huyện Hớn Quản, hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Khai...) đều đồng loạt gửi đơn xin xét xử vắng mặt.

Không những thế, trong quá trình TAND huyện Hớn Quản thụ lý xét xử lại, bất ngờ ông Nguyễn Duy Mạnh - chánh Thanh tra huyện Hớn Quản, người được chủ tịch UBND huyện Hớn Quản ủy quyền - đã có văn bản ngày 29-9-2014 gửi TAND huyện Hớn Quản về việc “quan điểm xử lý vụ án hành chính”.

Văn bản này yêu cầu tòa án “không thụ lý vụ án của cô Hoàng Thị Thinh bởi vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện”, còn nếu tòa án vẫn thụ lý thì “...tôi với tư cách là người được ủy quyền vẫn giữ nguyên nội dung quyết định ngày 14-6-2012”.

Không đồng tình với quyết định của UBND Q.Bình Thạnh (TP.HCM) về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hàng xóm của mình, bà Lưu Thị Thanh Thúy (43 tuổi) đã khởi kiện ra TAND Q.Bình Thạnh.

Tuy nhiên, đơn được thụ lý từ tháng 10-2013, tạm ứng án phí cũng nộp cùng thời gian, nhưng tới nay vẫn chưa được xử lý.

Bà Thúy cho biết vợ chồng bà là chủ sở hữu căn nhà tại đường Mê Linh (P.19, Q.Bình Thạnh), nguồn gốc căn nhà là nhận chuyển nhượng của bà Lê Kim Hồng và ông Trần Quốc Chính.

Trước đó, vào năm 2000, bà Hồng, ông Chính có tranh chấp lối đi vào ngôi nhà với diện tích ngang 1,9m, dài 10,5m với bà Dương Minh Mười và ông Huỳnh Phú Sang.

Việc tranh chấp được TAND Q.Bình Thạnh xét xử vào năm 2000, theo bản án đã có hiệu lực pháp luật thì bà Hồng, ông Chính phải trả lại cho bà Mười và ông Sang diện tích tranh chấp trên.

Tuy nhiên, bản án cũng ghi nhận sự tự nguyện của bà Mười và ông Sang về việc sang nhượng lại diện tích đất có bề ngang 1m, dài 5m. Phần đất còn lại làm lối đi chung. Bà Hồng, ông Chính phải trả cho ông Sang và bà Mười 6 triệu đồng cho diện tích 1 x 5m.

Theo giải thích của bà Thúy thì bản án đã xử phần diện tích tranh chấp là gần 20m2 thì ông Chính, bà Hồng đã phải mua lại một phần, phần còn lại được sử dụng làm lối đi chung cho hai nhà.

Tuy nhiên năm 2004, UBND Q.Bình Thạnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sang, bà Mười một phần diện tích được sử dụng làm lối đi chung này (ngang 0,9m, dài 10,5m). Như vậy là trái với nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật trước đó.

Ngày 13-10-2013, bà Thúy đã làm đơn khởi kiện UBND Q.Bình Thạnh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phần đất được TAND Q.Bình Thạnh xét xử trước đó, đề nghị TAND Q.Bình Thạnh tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND Q.Bình Thạnh cấp cho ông Sang, bà Mười.

Tuy nhiên theo lời bà Thúy, sau khi tòa thụ lý hồ sơ vụ kiện, bà đã chủ động liên hệ với thẩm phán để hỏi về vụ kiện nhiều lần thì được trả lời do không mời được đại diện của UBND Q.Bình Thạnh nên không thể xử lý vụ án.

Án có hiệu lực, nhưng không thi hành

Đó là câu chuyện của UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) trước bản án hành chính phúc thẩm của TAND TP.HCM khiếu kiện quyết định hành chính của chủ tịch huyện này.

Ông Nguyễn Tiến Đạt (người được tuyên thắng kiện) và quyết định thu hồi đất của UBND huyện này đã bị tòa tuyên hủy nhưng UBND huyện vẫn không thực hiện.

Vụ việc khởi kiện của ông Đạt được tóm tắt như sau: ông Đạt có thửa đất nông nghiệp để canh tác hoa màu tại ấp 4B, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Sau đó ông Đạt nhận được quyết định số 5289 của UBND huyện Củ Chi về việc thu hồi thửa đất để đầu tư dự án Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy, ông nhận được quyết định bồi thường thiệt hại do chủ tịch UBND huyện Củ Chi ký và ông Đạt đã bàn giao đất.

Tuy nhiên, sau đó ông Đạt phát hiện các quyết định thu hồi đất và bồi thường thiệt hại hoàn toàn trái luật, không đúng với các quyết định do UBND TP.HCM và Thủ tướng Chính phủ ban hành, bởi quyết định có trước khi quyết định phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy. Ông Đạt khởi kiện.

TAND huyện Củ Chi ngày 28-12-2012 đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông và khẳng định các quyết định thu hồi đất về hình thức là không đúng quy định pháp luật, nhưng về bản chất, nội dung là vẫn đảm bảo việc thu hồi đất này là đúng pháp luật.

Tuy nhiên, bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM ngày 8-4-2013 đã sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đạt và tuyên hủy quyết định số 5289 ngày 27-2-2009 của UBND huyện Củ Chi.

“Những tưởng bản án được tuyên xong thì quyết định thu hồi đất đó sẽ vô hiệu và UBND huyện sẽ trả đất lại cho gia đình tôi, tuy nhiên bản án phúc thẩm đã tuyên được hai năm nhưng mọi việc vẫn án binh bất động.

Tôi cạy cục đi đề nghị thi hành án cũng đã hai năm và không nhớ bao nhiêu lần qua lại UBND huyện, nhưng vẫn chả có kết quả gì” - ông Đạt nói.

Ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao):

Cơ quan nhà nước thường làm thay luôn việc của tòa!

Trong rất nhiều vụ án hành chính mà tôi đã xét xử thì cái sai của các cơ quan chức năng trở thành bị đơn thường có nhiều nguyên nhân, trong đó đầu tiên phải kể đến là sai do thẩm quyền, thường họ ban hành quyết định không phù hợp, thậm chí vượt thẩm quyền, ban hành quyết định thay luôn cấp trên, thay luôn tòa.

Về thái độ chấp hành pháp luật của người bị kiện (cơ quan nhà nước hoặc cá nhân đại diện cho cơ quan nhà nước) trong thời gian gần đây theo tôi thì đã tiến bộ, nhưng ngược lại nhiều trường hợp người thua kiện không thi hành án.

Ví dụ vụ án ở Vũng Tàu, chính quyền bồi thường cho dân sai, ra quyết định bồi thường chỉ 6 tỉ trong khi đáng lẽ giá ấy đất ấy người ta phải được bồi thường đến 13 tỉ đồng.

Khi tòa hủy quyết định bồi thường chưa thỏa đáng thì chính quyền lại “lờ” đi, không ra quyết định hành chính để bồi thường. Như vậy, người dân không thưa kiện thì còn có tiền, thưa kiện xong chả được bồi thường đồng nào vì bản án không được thi hành.

LS Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):

Người bị kiện đích danh không đến dự tòa

Trong nhiều vụ kiện hành chính mà tôi tham gia với vai trò luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, thường người dân kiện chủ tịch hoặc ủy ban (mà người đại diện ủy ban là chủ tịch hoặc phó chủ tịch để ban hành văn bản).

Nhưng không bao giờ người bị kiện đích danh đến tòa mà chỉ có người đại diện theo ủy quyền, thường là cấp phó phòng ban chuyên môn phụ trách.

Khi những người đại diện bị đơn đến tòa, tòa mời năm lần thì họ đến được hai lần, thậm chí khi ra tòa và cảm thấy đuối lý với nguyên đơn thì người đại diện nói về hỏi ý kiến người ủy quyền, dù luật quy định họ có trách nhiệm và có quyền trả lời hoặc tham gia phiên tòa đầy đủ.

LS Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Án hành chính hiệu quả thấp

Án hành chính ở VN thường là hiệu quả rất thấp.

Vừa qua, trong việc góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Bộ luật tố tụng hành chính, có ý kiến cho rằng án cấp huyện thì để TAND tỉnh xử, án tỉnh nên giao tòa cấp cao xử để tránh việc phủ bênh phủ, huyện bênh huyện hoặc bản thân thẩm phán tòa cấp huyện không đủ “to gan” để tuyên chủ tịch huyện thua kiện.

Và bản thân hội đồng xét xử cũng rất ngại, cố gắng thương lượng dàn xếp với người bị kiện.

Tình trạng phổ biến chung của các vụ án hành chính hiện nay khi ra tòa là những bị đơn thường tìm cách né tránh, xin rút lại một phần hoặc rút lại văn bản đã ban hành.

Bản thân lỗi gây ra thì không phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng vấn đề pháp luật ở những vụ án hành chính không được bảo đảm.

HOÀNG ĐIỆP ghi

 

HOÀNG ĐIỆP - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên