14/07/2013 07:46 GMT+7

"Hậu" lấy phiếu tín nhiệm là gì?

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các tỉnh, thành đến cuối tuần này cho thấy chưa có trường hợp nào tín nhiệm thấp đến mức dẫn đến hệ quả xin từ chức hoặc bị bỏ phiếu tín nhiệm. Xin giới thiệu một số nhận định từ các cuộc lấy phiếu tín nhiệm này.

ipIzxE26.jpg
Ông Nguyễn Sĩ Cương - Ảnh: V.Dũng
* Ông Nguyễn Sĩ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH):

Không lẽ không ai bị bỏ phiếu tín nhiệm?

Theo quy định hiện nay, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ QH, thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Và đến khâu bỏ phiếu tín nhiệm thì mới có hai mức “tín nhiệm, không tín nhiệm”.

Vấn đề là nếu vẫn để ở ba mức “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp” thì hiếm khi dẫn đến hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm. Đến nay ở QH cũng như HĐND nhiều địa phương đều không có ai quá 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Có ý kiến cho rằng nếu vẫn giữ thế này thì có khả năng việc bỏ phiếu tín nhiệm, nghĩa là hệ quả đối với người tín nhiệm thấp sẽ không bao giờ diễn ra.

Một số đại biểu QH đã đề xuất dù lấy phiếu hay bỏ phiếu tín nhiệm cũng chỉ nên để hai mức “tín nhiệm, không tín nhiệm”. Việc lấy phiếu tín nhiệm là để xem xét mức độ tín nhiệm các chức danh được QH, HĐND bầu và phê chuẩn, còn sau đó nếu trường hợp nào đa số đại biểu “không tín nhiệm” thì tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm (thay cho cách gọi bỏ phiếu tín nhiệm). Cách làm như vậy sẽ mạnh mẽ hơn và có tác dụng hơn.

Vấn đề nữa cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau là có nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh ở QH và HĐND hay không? Việc này còn gây băn khoăn về mức độ ý nghĩa.

hXgEF1hW.jpg
Ông Lê Văn Cương - Ảnh: N.Khánh
* Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an):

Cần tiếp tục điều chỉnh

Từ chỗ không lấy phiếu tín nhiệm, nay tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội (QH), HĐND như vậy đã là có bước tiến. Nếu hỏi đã đáp ứng được yêu cầu và mong đợi của người dân hay chưa, tự mỗi người tùy theo đánh giá của mình để có câu trả lời. Còn theo tôi là chưa đạt yêu cầu, còn phải tiếp tục điều chỉnh quy định để có cách làm mạnh mẽ hơn nữa.

Việc những ông bà cán bộ nào đó nhiều phiếu tín nhiệm thấp được công bố công khai cho cả địa phương biết là một việc làm lành mạnh, minh bạch. Nhưng có phải lấy phiếu tín nhiệm xong rồi đâu lại vào đấy? Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng thế nào trong công tác cán bộ? Chờ qua hai năm, hai lần tín nhiệm quá thấp mới xử lý thì có khi cán bộ cũng gần hết nhiệm kỳ công tác của mình. Đây là những vấn đề cần được làm rõ trong thời gian tới.

* Ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp):

Kỳ lạ “không có phiếu tín nhiệm thấp”

7B5ho2we.jpg
Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: V.Dũng
Để có thể đánh giá chính xác về kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các cấp, cần có sự nghiên cứu kỹ không những về tỉ lệ bỏ phiếu mà còn phải am hiểu cụ thể tình hình từng lĩnh vực ở địa phương. Tuy nhiên, có thể nói bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu cũng nổi lên một số vấn đề.

Thứ nhất, ở một số HĐND số người được phiếu tín nhiệm cao vượt lên hẳn tuy không nhiều, chỉ tập trung ở một số chức danh, nhưng có ý kiến cho rằng “cao thì cao quá”. Nghĩa là dư luận băn khoăn về chức danh nào đó khi đạt tỉ lệ tín nhiệm cao đến trên 90% thì tỉ lệ này đã phản ánh một cách chính xác và thực chất hay chưa? Vì thực tế tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung cũng như từng địa phương hiện còn nhiều vấn đề, không thể nói là đã hết những nổi cộm gây bức xúc cho người dân.

Trong hệ thống chính trị VN, những vấn đề trong giao thông, giáo dục, y tế... có thể trực tiếp, có thể gián tiếp nhưng ít nhiều đều có liên quan và gắn với trách nhiệm của các chức danh do HĐND bầu.

Thứ hai, qua lấy phiếu cho thấy nhiều chức danh không có phiếu tín nhiệm thấp. Như vậy là khác nếu so với lấy phiếu tín nhiệm ở QH (tất cả các chức danh đều có phiếu tín nhiệm thấp với tỉ lệ khác nhau). Nhìn vào tỉ lệ không có phiếu tín nhiệm thấp, dư luận dễ cho rằng đánh giá như vậy còn cảm tính. Rõ ràng chức danh lãnh đạo ở một địa phương nào đó nếu chỉ có tín nhiệm và tín nhiệm cao thì tình hình lĩnh vực liên quan phải cực kỳ tốt, cực kỳ tiêu biểu trong toàn quốc, nói một cách nôm na là “không có gì để chê” nhưng thực tế không phải như thế.

Cũng có ý kiến lo ngại lấy phiếu tín nhiệm xong rồi kết quả “đút ngăn kéo” mà không phát huy tác dụng trong thực tế. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Những người được lấy phiếu tín nhiệm dù kết quả cao thấp khác nhau cũng sẽ suy nghĩ, xem xét lại công việc của bản thân để nỗ lực tốt hơn. Nếu qua lấy phiếu tín nhiệm có sự đánh giá công tâm, khách quan, sẽ có tác dụng tốt, động viên những cán bộ có năng lực, làm việc vì lợi ích của nhân dân, ngược lại cũng làm rõ những cán bộ yếu kém.

Tới đây, tương tự như trung ương, ở cấp tỉnh cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng theo quy định. Một số chức danh, ví dụ các trưởng ngành ở trong cấp ủy, thường vụ tỉnh ủy, thành ủy cuối năm sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Vì vậy sẽ có những sự đánh giá khác nhau. Có thể là HĐND đánh giá theo chức danh do HĐND bầu, còn đánh giá trong Đảng lại có tiêu chí khác. Tất cả những kết quả này là dữ liệu tốt trong công tác đánh giá cán bộ, góp phần giúp cấp có thẩm quyền thêm cơ sở thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng được đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Một số ý kiến băn khoăn việc các chức danh ở QH, HĐND nhận được tỉ lệ phiếu tín nhiệm cao nhiều hơn so với các chức danh ở Chính phủ, UBND. Thật ra vấn đề xuất phát từ vị trí hoạt động khác nhau. Lâu nay các vấn đề bức xúc, nổi cộm chủ yếu gắn với một số lĩnh vực bên hành pháp và tư pháp. Anh điều hành hằng ngày và có những hoạt động cụ thể, trực tiếp với địa phương, với nhân dân nên được xem xét kỹ hơn khi lấy phiếu. Còn với QH và HĐND là cơ chế tập thể. Nghĩa là QH, HĐND có đặc thù khác với chế độ thủ trưởng bên hành pháp, tư pháp. Vì vậy, có ý kiến cho rằng nên nghiên cứu tách riêng các khối chức danh trong lấy phiếu tín nhiệm, ví dụ chức danh ở HĐND riêng, ở UBND riêng. Theo tôi, khi lấy phiếu tín nhiệm chung các khối như hiện nay, nếu so sánh trong từng khối thì sẽ phù hợp hơn, không nên so sánh tuyệt đối tỉ lệ phiếu của bên QH, HĐND với Chính phủ, UBND vì tỉ lệ cao thấp sẽ không phản ánh thật chính xác.

* Ông PHẠM ĐÌNH TOÀN (nguyên phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, TP.HCM):

Cần phân tích rõ nguyên nhân

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là quan trọng, nhưng quan trọng hơn và cũng cần phải công khai, minh bạch như việc lấy phiếu là phải phân tích rõ nguyên nhân vì sao từng cá nhân nhận được tín nhiệm thấp. Cử tri không khỏi băn khoăn nếu một cá nhân có kết quả tín nhiệm thấp nhưng không thấy được phân tích, làm rõ, việc tín nhiệm thấp đó xuất phát từ lý do cụ thể nào. Rồi hướng khắc phục, lấy lại tín nhiệm, lấy lại niềm tin sắp tới ra sao. Điều đó giúp cho bản thân người nhận được tín nhiệm thấp tiến bộ và cử tri cảm thấy vui lòng hơn.

* Anh TRẦN ĐẠI DŨNG (cán bộ Ngân hàng Đông Á, 19 Bế Văn Đàn, Q.Tân Bình, TP.HCM):

Không nên tâm tư do tín nhiệm thấp

Những người nhận được tín nhiệm thấp không nên cảm thấy tâm tư về chuyện này mà nên xốc lại công việc, tinh thần của bản thân và cấp dưới, lấy lòng tin của đại biểu, của cử tri. Kết quả về công việc sẽ phải đợi thời gian, nhưng thái độ và tinh thần sau khi lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cách để nhận thêm những phiếu tín nhiệm ở kỳ lấy phiếu tín nhiệm kế tiếp.

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên