18/10/2018 07:29 GMT+7

Gỡ nút thắt để bệnh viện “mọc” nhanh

LÊ THANH - BẢO NGỌC
LÊ THANH - BẢO NGỌC

TTO - Từ câu chuyện chậm tiến độ của dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, các chuyên gia đã chỉ ra những điểm cần thay đổi cho việc thực hiện các dự án tương tự ở tương lai.

Gỡ nút thắt để bệnh viện “mọc” nhanh - Ảnh 1.

Các dự án xây bệnh viện sẽ đúng tiến độ khi vướng mắc về thẩm định được giải quyết và các ban quản lý dự án hoạt động chuyên nghiệp hơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Quang Thắng - vụ trưởng Vụ Lao động, văn hóa xã hội (Bộ Kế hoạch và đầu tư), nguyên trưởng đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 - cho biết đây là 2 dự án lớn nhất từ trước tới nay Bộ Y tế thực hiện nên thiếu kinh nghiệm thực hiện.

Công tác chuẩn bị đầu tư dự án rất quan trọng

Theo ông Thắng, công tác chuẩn bị đầu tư dự án rất quan trọng. Đặc biệt, công tác chỉ đạo của Bộ Y tế đối với các dự án sau này phải quyết liệt với từng việc cụ thể. Nếu làm tốt hai việc này cùng với việc chuẩn bị mặt bằng, vốn đầy đủ sẽ bảo đảm tiến độ dự án.

Đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết cần phải chuẩn bị tốt các khâu như hoàn thành khâu thiết kế, khi Nhà nước có chủ trương là triển khai. Dự án Bệnh viện Nhi đồng hoàn thành đúng tiến độ là do chuẩn bị trước các khâu như quỹ đất, thiết kế... Trong khi đó, các dự án xây bệnh viện khác mới bắt đầu đi xin đất, lập thiết kế, phê duyệt tổng mức đầu tư, lập thẩm định phê duyệt dự toán... Với các bước chuẩn bị này, có dự án mất 2 năm.

* TS Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam):

Không làm được, phải thuê

Quản lý dự án cần có đủ kiến thức, cán bộ quản lý dự án cần có kỹ năng, không thể cứ ai bỏ tiền thì người đó quản lý dự án dù không có kinh nghiệm. Tuy người có tiền phải làm chủ dự án, nhưng không đủ kỹ năng, buộc phải thuê tư vấn quản lý dự án, sử dụng dịch vụ tư vấn quản lý dự án. Kỹ năng quản lý dự án đầu tư không tốt, đặc biệt là các dự án lớn, sẽ xảy ra hết chuyện này đến chuyện nọ.

Dù Bộ Y tế trực tiếp quản lý đầu tư hai dự án bệnh viện hay thuê tư vấn bên ngoài quản lý các dự án, để xảy ra chậm tiến độ, trách nhiệm vẫn thuộc về Bộ Y tế. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử phạt Bộ Y tế, đồng thời yêu cầu chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn quản lý dự án yếu kém.

Gỡ nút thắt để bệnh viện “mọc” nhanh - Ảnh 2.

Bệnh viện Nhi đồng TP vừa được đưa vào sử dụng trên đường Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong khu vực - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Bà Đào Thị Bích (cán bộ Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính):

Không thiếu tiền nhưng phải phân quyền

Để tiền không chờ dự án, cần phải phân cấp cho cơ quan chức năng ở địa phương. Thực tế nhiều bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Tài chính, đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng chưa sửa.

Trước đây, sở xây dựng là đơn vị chuyên môn thẩm định, phê duyệt dự toán đầu tư các công trình ở địa phương. Nhưng theo quy định mới, toàn bộ hồ sơ dự toán đầu tư dự án đầu tư công của cả nước phải gửi hết về Bộ Xây dựng. Người có hạn mà lượng hồ sơ gửi về quá lớn. Chính việc không phân cấp khâu thẩm định này nên thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài, gây mất thời gian, chậm tiến độ thực hiện dự án.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngân sách hiện đảm bảo tiền để xây dựng dự án bệnh viện. Một số dự án bệnh viện chậm tiến độ như 2 bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam đang được đẩy nhanh hoàn thành sau khi Chính phủ họp và chỉ đạo quyết liệt. Vướng hiện nay là giải ngân chậm cho các dự án này do phải chờ Bộ Xây dựng phê duyệt quyết toán.

Gỡ nút thắt để bệnh viện “mọc” nhanh - Ảnh 3.

Bệnh viện Việt Đức thời điểm tháng 5-2018, theo kế hoạch khoa khám bệnh sẽ hoạt động từ ngày 21-10 - Ảnh: NAM TRẦN

* Ông Trần Quốc Phương (vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư):

Hi vọng vào Luật đầu tư công sửa đổi

Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra trong tháng 10 này, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật đầu tư công sửa đổi. Quan điểm lớn nhất của dự luật này là tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện, phân cấp triệt để, rút gọn thủ tục hành chính để đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án.

Bộ Kế hoạch và đầu tư rất kỳ vọng sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua để tạo được sự cởi mở, thông thoáng hơn cho công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới.

* Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông):

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Trách nhiệm để chậm tiến độ 2 dự án bệnh viện thuộc Bộ Y tế, vì 2 bệnh viện này đều là đơn vị sự nghiệp của bộ. Hai dự án bệnh viện nghìn tỉ chậm tiến độ có trách nhiệm của bộ trưởng Bộ Y tế.

Ta đã có tiền lệ trảm nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, vì vậy cần quy trách nhiệm người đứng đầu. Chỉ có vậy mới quy trách nhiệm từ trên xuống dưới, bởi cũng với quy trình đầu tư công như vậy tại sao có những dự án vẫn triển khai đúng tiến độ?

Vai trò điều phối của ban quản lý dự án rất lớn

Theo giám đốc một bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP.HCM: "Quá trình đầu tư xây dựng bệnh viện thường tách ra rất nhiều gói thầu: gói thầu xây dựng, hạ tầng, trang thiết bị... Vướng mắc hay gặp là việc triển khai các gói thầu không thống nhất, đồng bộ với nhau. Điều này dẫn đến tình trạng gói xây dựng xong phải chờ gói y tế, kỹ thuật y khoa, có bệnh viện xây xong phải chờ gói thầu thang máy...

Để đồng bộ các gói thầu và tránh lãng phí, vai trò điều phối của ban quản lý dự án rất lớn. Những khoản tiết kiệm do quản lý dự án tốt, bệnh nhân sẽ được lợi vì được hưởng chi phí điều trị thấp, còn bệnh viện công sẽ tránh đội vốn, tiết kiệm tiền của Nhà nước. Theo kinh nghiệm của tôi, giai đoạn chuẩn bị càng kỹ thì việc khởi công xây dựng càng nhanh. Đấu thầu phải đúng quy định, an toàn chặt chẽ, rõ ràng sẽ tiết kiệm được thời gian".

D.N.HÀ - H.LỘC

Cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức hoạt động từ 21-10 Cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức hoạt động từ 21-10

TTO - Khoa Khám bệnh của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 sẽ đi vào hoạt động từ 21-10 sau hơn 4 năm xây dựng. Giai đoạn đầu, hai bệnh viện sẽ tiếp nhận 500-800 người bệnh đến khám, điều trị ngoại trú/ngày.

LÊ THANH - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên