08/02/2020 13:11 GMT+7

Di sản hái ra tiền

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - 5 ngày trước, công điện tạm dừng hoạt động các di tích, danh thắng từ Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch để phòng chống dịch corona khiến một số tỉnh thành chỉ đạo đóng cửa các di tích, danh thắng.

Di sản hái ra tiền - Ảnh 1.

Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 7-2 - Ảnh: LINH TÂM

1. Lệnh vừa ban ra, ngay lập tức những người làm du lịch đã phản ứng mạnh mẽ. Họ hiểu rất rõ rằng đóng cửa di tích, danh thắng thì chẳng khác nào đóng cửa ngành du lịch. 

"Hàng triệu khách du lịch nước ngoài đang ở VN, lễ hội thì đã đóng, nay các di tích, danh thắng cũng đóng nốt thì chẳng lẽ nhốt khách du lịch ở khách sạn đợi đến ngày về nước à" - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình bức xúc nói tại hội nghị bàn giải pháp vực dậy ngành du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức chiều 6-2.

Cũng tại hội nghị này, đại diện của Vietnam Airlines nói ngoài khách Trung Quốc thì rất nhiều khách Hàn Quốc, Nhật Bản đã hủy vé sang Việt Nam. 

Tuy nhiên cũng có đoàn khách Nhật không hủy vé vì lo ngại corona, nhưng trước thông tin các di tích, danh thắng ở Việt Nam đóng cửa, họ lập tức liên hệ xác nhận lại thông tin, nếu các di tích không mở cửa thì họ sẽ hủy vé.

Trước những khó khăn của ngành du lịch, ngày 4-2 - một ngày sau công điện của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo không nhất thiết phải đóng cửa các di tích, danh thắng. 

Ngày 6-2, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ra công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thông báo các di tích, danh thắng hoạt động bình thường.

Phản ứng nhanh chóng này của các cơ quan quản lý cùng phản ứng mạnh mẽ của những người làm du lịch một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của các di tích, danh thắng đối với ngành kinh tế du lịch.

2. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, những năm gần đây khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các di sản ở Việt Nam tăng mạnh, đem lại nguồn thu lớn từ vé tham quan và dịch vụ du lịch.

Số liệu năm 2017 cho thấy vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đón trên 3,6 triệu lượt khách, thu từ vé là 1.100 tỉ đồng; quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón trên 6,1 triệu lượt khách, doanh thu từ phí danh lam và chở đò là 622,7 tỉ đồng; quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) đón 3 triệu lượt khách, tiền thu từ vé đạt 320 tỉ đồng; khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) đón 1,96 triệu lượt khách, thu từ vé là 219 tỉ đồng; khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) đón trên 350.000 lượt khách, thu từ vé là 50 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, đền Ngọc Sơn đón gần 1.000.000 lượt khách, thu từ vé đạt khoảng 27 tỉ đồng; khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón khoảng 1,9 triệu lượt khách (bán vé khoảng 1,6 triệu lượt khách, thu về khoảng 46 tỉ đồng)...

Cũng theo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, năm 2017 có trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế) tới tham quan, nghiên cứu các di sản thế giới của Việt Nam, mang lại doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 2.535 tỉ đồng.

Số lượt khách tham quan các di sản ở VN vẫn đang tăng mỗi năm. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đánh giá các di sản này đã góp công lớn vào quá trình giảm nghèo ở nước ta thông qua việc giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản.

Coi như đóng cửa ngành du lịch nếu tạm dừng đón khách ở danh lam thắng cảnh? Coi như đóng cửa ngành du lịch nếu tạm dừng đón khách ở danh lam thắng cảnh?

TTO - Nhiều doanh nghiệp cho rằng yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, để phòng chống nCov của Bộ VHTT& DL gần đây, nếu thực hiện sẽ đồng nghĩa đóng cửa du lịch trong nước.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên