31/05/2019 08:29 GMT+7

Đánh bắt 'chuẩn mực'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Biển mênh mông, nhưng ít ai nghĩ rằng có ngày việc đánh bắt thủy hải sản phải vào nề nếp. Quy định mới nhất là hạn ngạch đánh bắt xa bờ cho tàu cá chiều dài trên 15m.

Chưa nói nhiều hay ít, có lẽ nhiều chủ tàu cá chẳng vui gì khi phải vào khuôn phép. 

Tài nguyên không hề vô tận. Con người chỉ có một lựa chọn: khai thác bền vững hoặc khai thác cạn kiệt.

Chúng ta đã chọn phải khai thác bền vững. Để thực hiện chủ trương này, sẽ có những chủ tàu bị ảnh hưởng.

Đó là những tàu cá có chiều dài dưới 15m lâu nay vẫn tung hoành trên đại dương. Họ phải có tàu to, máy lớn hơn, thợ máy và thuyền viên phải chuyên nghiệp mới có thể vươn khơi xa. 

Nhưng để đạt được các yêu cầu này là không đơn giản, khi ngư dân chủ yếu vẫn hành nghề theo kinh nghiệm. Các chủ tàu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Có người hỏi có nên chịu đau như vậy không?

Vâng, chưa cần đến khi bị đưa vào kiểm soát, khó khăn đã bủa vây không ít chủ tàu. Mọi thứ đã phơi ra trên biển. 

Những năm qua, dọc các cảng biển, đâu thiếu những con tàu đóng mới không thể vươn khơi, chịu phủ bạt chống chọi mưa nắng. 

Nguyên nhân chính, như nhiều "tư lệnh" ngành thủy sản địa phương: do quá nhiều tàu, vượt cả quy hoạch "tầm nhìn" trong 5 năm tới. Tàu nhiều nhưng tôm cá đâu sinh sản theo kịp, nên phải nằm bờ.

Kiểu đánh bắt mạnh ai nấy làm nếu vẫn được duy trì, những khó khăn này không chỉ dừng lại ở một số chủ tàu mà một ngày rất gần, khi biển cạn kiệt tôm cá, cả ngành đánh bắt thủy sản sẽ rơi vào nguy khó. Nhưng cái khó đâu chỉ chờ chực ngoài khơi xa. 

Trước mắt, lời cảnh báo phải chuyển sang khai thác thủy sản bền vững từ "thẻ vàng" của Liên minh châu Âu đã đặt ngành đánh bắt thủy sản vào tình thế không còn sự lựa chọn: phải đánh bắt "chuẩn mực". Hạn ngạch đánh bắt ở từng địa phương sẽ buộc chủ tàu không còn đánh bắt trái phép, chấm dứt đánh bắt cạn kiệt.

Hơn nữa, thủy sản Việt đã xuất khẩu đi nhiều nước, không có lý do gì chúng ta lại khư khư đánh bắt cạn kiệt, thậm chí hủy diệt để rồi mình tự làm khó, tự làm nghèo mình. 

Đánh bắt "chuẩn mực" để nâng giá trị sản phẩm và mở ra thị trường tiêu thụ. Có những con cá ngừ do ngư dân Bình Định, Phú Yên đánh bắt được bảo quản đúng cách bán sang Nhật có giá ngàn đôla. 

Nhưng hằng ngày vẫn có rất nhiều thủy hải sản bị tàu giã cào đánh bắt tận diệt, rồi đem bán dưới dạng "cá heo" làm thức ăn gia súc với giá vài ngàn đồng/ký.

Khi chuyển sang đánh bắt "chuẩn mực", ngư dân không thể mãi phó mặc thành bại cho kinh nghiệm, sự lão luyện và dũng cảm của người đi trước. Lao động đi biển cũng sớm thoát cảnh cha truyền con nối mà phải được đào tạo bài bản, trở thành ngành thu hút nhân lực với những con tàu to, hiện đại. 

Nhưng chỉ chủ tàu, ngư dân không thể tự thân thay đổi, mà cần rất nhiều sự hỗ trợ. Không thể thiếu sự hỗ trợ bởi đánh bắt "chuẩn mực" là bước chuyển đầy thử thách, cam go với chặng đường dài mà ngành đánh bắt xa bờ mới chỉ ở vạch xuất phát...

Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp

TTO - Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên