13/05/2021 09:57 GMT+7

Cứu được bệnh nhân là hạnh phúc với nghề

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Với những người điều dưỡng đang làm việc tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, hôm nay là một ngày kỷ niệm nghề rất đặc biệt.

Cứu được bệnh nhân là hạnh phúc với nghề - Ảnh 1.

Điều dưỡng Phạm Văn Dưỡng (Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2) chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại đây trong ngày 12-5 - Ảnh: NVCC

Không có những bó hoa, quà chúc mừng mà thay vào đó là bộ đồ y tế kín mít, chiếc khẩu trang ôm trọn khuôn mặt ngột ngạt. Với họ, được trực tiếp chiến đấu, cứu lấy những bệnh nhân nhiễm COVID-19 là món quà ý nghĩa nhất trong ngày kỷ niệm nghề điều dưỡng của mình - Ngày quốc tế nghề điều dưỡng.

Bước vào trận chiến

Chuông điểm 6h sáng, anh Phạm Văn Dưỡng, điều dưỡng làm việc tại khu điều trị đặc biệt cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 (Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2), đã có mặt tại nơi mang áo quần bảo hộ để chuẩn bị vào khu cách ly gặp bệnh nhân COVID-19. 

Từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt... được anh Dưỡng thuần thục mang lên người một cách cẩn thận. Bởi hơn ai hết, anh Dưỡng hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thực sự. Chỉ cần một thao tác sai, bộ đồ bảo hộ bị rách hoặc bị hở thì nguy cơ xâm nhập của virus corona vào cơ thể mình rất cao.

Công việc của anh Dưỡng từ đầu buổi sáng phải đem đồ ăn sáng và đo mạch, nhiệt độ, huyết áp cho các bệnh nhân. Đến giữa buổi sẽ quay trở lại để thực hiện các y lệnh thuốc và làm các xét nghiệm... Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng với một lần mặc bộ dồ bảo hộ bít kín làm việc là một lần căng thẳng.

"Hết dịch, ba lại về"

Công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế hơn chín năm nay, đã nhiều lần anh Dưỡng phải xa vợ cùng hai con nhỏ (đang sống ở Quảng Bình) hàng tháng trời vì công việc cấp bách. Anh cũng từng là một trong những nhân viên của bệnh viện túc trực tại khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 từ đợt dịch đầu tiên vào tháng 4-2020 liên tiếp cho đến nay.

Lần về nhà gần nhất cũng cách đây hơn hai tháng. Khi từ biệt, anh chỉ kịp hôn lên trán đứa con trai út mới 3 tuổi và hứa rằng hết tháng sẽ thu xếp về để đưa hai đứa đi công viên.

Thế rồi một đợt dịch COVID-19 lại ập tới, Thừa Thiên Huế ghi nhận bốn ca nhiễm bệnh trong cộng đồng. Người cha trẻ đành thất hứa với con trai và chọn ở lại khu cách ly cùng đồng đội chống dịch.

"Tối nào sau khi xong việc, tôi gọi điện về nhà là đứa con trai út lại nhắc bố về nhanh đưa con đi chơi công viên. Buồn và nhớ con lắm nhưng đành hẹn lại là khi nào bố với các cô, các chú bắt hết con cô vít thì bố sẽ về" - anh Dưỡng tâm sự.

Cũng ở lại khu cách ly điều trị COVID-19 cùng với anh Dưỡng, điều dưỡng Hồ Thị Mỹ Duyên cũng nói rằng trong Ngày quốc tế nghề điều dưỡng, điều mà chị cùng các đồng nghiệp mong muốn nhất đó là dịch COVID-19 sớm được kiểm soát để mọi người có thể về nhà bình an.

Chị Duyên là một trong những nữ điều dưỡng đã "chiến đấu" với COVID-19 từ những đợt dịch đầu tiên và được báo Tuổi Trẻ vinh danh trong chương trình "Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19".

"Món quà lớn nhất mà chúng tôi mong muốn được tặng trong ngày quốc tế nghề đó là không còn bệnh nhân nào nhiễm COVID-19, sức khỏe của các bệnh nhân đang bị nhiễm bệnh sẽ tốt lên, sớm xuất viện" - chị Duyên nói.

Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa, phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, cho biết hiện nay sức khỏe của bốn bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị ở bệnh viện đều khá tốt. Các bệnh nhân được chăm sóc tận tình và được giám sát thường xuyên qua hệ thống camera.

Món quà ý nghĩa

Hầu hết các bệnh nhân COVID-19 vào viện ban đầu cảm thấy rất lo lắng vì sợ dư luận "đổ tội" lây nhiễm dịch bệnh dù bản thân họ không cố ý. Những điều dưỡng như anh Phạm Văn Dưỡng là người có cơ hội tiếp xúc trực tiếp để an ủi, động viên họ lấy lại tinh thần.

"Cách đây mấy ngày tôi vô cùng bất ngờ khi được một bệnh nhân nữ hát tặng bài hát Màu áo anh hùng. Đó là món quà vô cùng ý nghĩa để tôi có thêm động lực cùng họ chiến đấu với COVID-19" - anh Dưỡng nói.

Bệnh nhân cúm biến chứng tương tự COVID-19 thể nặng được cứu sống Bệnh nhân cúm biến chứng tương tự COVID-19 thể nặng được cứu sống

TTO - Bệnh nhân T.Q.T., 49 tuổi, ở Hạ Long, Quảng Ninh, phải sử dụng ECMO (thiết bị tim phổi ngoài cơ thể) do bị cúm nhưng biến chứng như bệnh nhân COVID-19 nặng và đã được cứu sống.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên