11/04/2021 09:25 GMT+7

"Con nhớ lại về!"

MINH PHÚC
MINH PHÚC

TTO - Tôi hiểu, cách gì đi nữa, và dù có về vội về vàng, nhưng tôi vẫn là một nhánh rễ trong hàng trăm chiếc rễ của cái cổ thụ nào đó ở lòng đất.

Con nhớ lại về! - Ảnh 1.

Công việc gói bánh, nấu bánh... là những giờ sum họp thật đầm ấm của nhiều thế hệ trong một gia đình - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG

Rồi lần sau giỗ, con nhớ lại về!" - đó là câu dặn dò của rất nhiều ông bác, bà thím, ông chú khi tôi về giỗ nội, khiến cho một đứa xa quê lâu ngày âm thầm rơi nước mắt.

Hôm đó, cuộc quay về chóng vánh của tôi lại trở thành cuộc ghi dấu những tình cảm đậm sắc gia tộc: người chị họ hàng chục năm mới gặp lại ôm chầm lấy tôi nức nở; đứa em trai con chú bịn rịn siết tay tôi, bắt tôi phải ôm theo hàng đống thứ trái cây em đã gói ghém sẵn.

Tôi hiểu, cách gì đi nữa, và dù có về vội về vàng, nhưng tôi vẫn là một nhánh rễ trong hàng trăm chiếc rễ của cái cổ thụ nào đó ở lòng đất. Những chiếc rễ mọc đan nhau hay phân chia, hay cách xa, hay mọc lên những thân nhánh mới, chúng vẫn thuộc về một cây mẹ, một tổ tông và một gia đình.

Một ngày và một tháng

Cái thủa theo chân mẹ đi đám giỗ nhà nội, ngoại có lẽ là đáng nhớ nhất. Những giỗ cúng ông bà lại là dịp để anh chị em, con cháu tề tựu đầy đủ. Cả những người họ hàng, nếu tính theo bảng gia phả, họ sẽ tủa ra, như cái cây, đâm rất nhiều nhánh khác nhau mà có khi tôi còn không biết gọi là gì. 

Ngoài ra, còn có những người ở lối xóm gần cũng được coi như là thân thuộc. Má tôi chỉ gom gọn lại bằng mấy chữ "bà con dòng họ", "bà con lối xóm" cho dễ phân biệt. Những đứa trẻ nhỏ như tôi là thế hệ thứ ba, thứ tư và có khi nhiều hơn. Những thế hệ này rồi sẽ vượt ra khỏi nhà mình, quê mình. Họ rời đi và rất dễ dàng mất kết nối.

Thủa ấy, đám giỗ luôn có hai ngày, ngày tiên và ngày chánh. Ngày tiên là ngày bắt buộc con cháu ruột phải về. Phụ nữ gói bánh tét, bánh ít, sẽ có bà con lối xóm cũng đến giúp. Cánh đàn ông có thể mổ heo hay chuẩn bị sẵn vịt, gà, cá...

Đám giỗ chỉ có một ngày cúng chánh, nhưng gia chủ phải chuẩn bị trước từ cả tháng. Từ chuyện cự củi phải đầy vun để chụm lửa nấu nướng thức ăn, hấp bánh tét bánh ít. Trước vài ngày giỗ phải đi chọc lá chuối tươi, phơi đủ héo, lau sạch và cuộn lại để sẵn. 

Gia chủ làm quần quật suốt, vì toàn những thứ phải chuẩn bị rất tỉ mỉ như ngâm nếp, xay bột, xay đậu xanh, lựa đậu đen, lột dừa, nạo dừa...

Những đám giỗ nhà chính, tức nhà ông bà nội và ông bà ngoại, việc gói bánh trở thành việc lớn vì gói rất nhiều, có khi mấy trăm đòn bánh tét, cả ngàn cái bánh ít. Gói bánh nhiều như vậy là để có đủ mà lại quả cho bà con đến ăn giỗ.

Ngày xưa, người đi ăn giỗ sẽ đem những quả bánh riêng đến cúng. Bọn trẻ chúng tôi, những đứa từ mười tuổi trở lên mới được nhận nhiệm vụ mở quả và ghi nhớ quả của ai để tránh việc giao nhầm. 

Đây là việc khá khó vì đa số các quả bánh có vỏ bên ngoài giống nhau hoặc bên trong cũng một loại bánh. Có những người sẽ ghi sẵn tên mình dưới đáy quả, nhưng không phải ai cũng làm vậy. 

Chúng tôi sẽ sắp những món bánh từ quả bánh ra để cúng, mời họ hàng ăn và luôn được dặn phải chừa lại vài cái chứ không được lấy hết, đồng thời sắp thêm một đòn bánh tét cùng hai chiếc bánh ít vào. 

Đó là việc lại quả - có ý nghĩa giữa sự nhận và cho - kết nối và tương thông giữa người nhà có giỗ và người đi cúng giỗ. Giỗ xong, người ăn giỗ về hết rồi, vẫn còn một việc mấy đứa nhỏ phải làm, đó là đi cho đồ ăn bà con lối xóm. 

Người lớn sẽ sắp sẵn những tô, dĩa là các món ăn còn dư lại trong ngày giỗ, tôi có nhiệm vụ bưng tới nhà ai đó theo chỉ dẫn và nói cái câu "Nội/ngoại con gửi bà/cô/dì ăn lấy thảo". Hồi đó, tôi chưa hiểu lắm vì sao bà sai biểu mình làm những việc này, bởi có những nhà lạ hoắc là huơ. 

Sau này mới hiểu, đây là cách để bà chia sẻ, vì không chỉ tình thân ở bà con dòng họ mà tình nghĩa với hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau cũng quan trọng không kém.

Những mảnh rễ lớn lên từ mối dây gia tộc

Khi tôi nghĩ mình sắp mất kết nối với quê nhà, với bà con dòng họ bởi sự dửng dưng lâu nay: sau khi ông bà nội ngoại mất đi, tôi đã rất ít về lại nhà chú bác cô dì để dự giỗ. Thì kỳ lạ thay, chuyến về chóng vánh với giỗ ông nội mình lại giúp tôi không còn cảm thấy mình mong manh và luôn phải một mình. 

Nhiều năm mới gặp lại nhưng vẫn có một thứ tình cảm kỳ lạ xuyên qua thời gian, để biết chính xác đó là anh chị em. Tôi hiểu rằng cảm giác về gia đình còn có nghĩa là toàn bộ cái nhìn về gia tộc mà trong đó có tôi, có những anh chị em khác. 

Chúng tôi chính xác là những mảnh rễ của hàng ngàn chiếc rễ nối kết, phân chia, đan cài, mọc chồng lên nhau, cạnh tranh, chia rẽ... Nhưng những nhiệm mầu về mối dây gia tộc đã tự nhiên tưới tắm các mảnh rễ cho chúng lớn và để chúng biết mình từ đâu, là ai.

Những cuộc quay về vội vàng cũng giúp tôi nhận ra cuộc đời mình trước nay cằn cỗi đi rất nhiều. Tôi chưa từng nghĩ bấy lâu mình phải vật lộn để chấp nhận mình, trong khi đó tổ tiên vẫn là văn hóa chảy từ bên trong nếu mình chịu khơi dòng chảy.

Nhà - tổ ấm có thể là quê, là xứ sở, là người thân, là mọi thứ vặt vãnh khác. Dù ta có chấp nhận chúng hay không, khi thời khắc trôi qua đã làm mỏng đi những mối quan hệ, lợt lạt ít nhiều dư vị cũ. 

Nhưng nhà - chúng bao gồm nhiều thứ "phần hồn" đầy riêng tư, sống động và tạo nên căn cốt. Nơi ta biết mình không có chọn lựa khác nhưng rồi sẽ quay về, làm lại, cân bằng và hít thở yêu thương.

Lấp lánh như tình cảm gia đình Lấp lánh như tình cảm gia đình

TTO - Từ câu chuyện của ba đứa trẻ ở Cà Mau, tình cảm gia đình cảm động, lấp lánh yêu thương vẫn hiển hiện đâu đó ngoài đời, thật sống động nếu chúng ta để ý và trân trọng giữ gìn.

MINH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: gia đình