13/12/2020 10:24 GMT+7

Lấp lánh như tình cảm gia đình

KHÔI AN GIANG
KHÔI AN GIANG

TTO - Từ câu chuyện của ba đứa trẻ ở Cà Mau, tình cảm gia đình cảm động, lấp lánh yêu thương vẫn hiển hiện đâu đó ngoài đời, thật sống động nếu chúng ta để ý và trân trọng giữ gìn.

Lấp lánh như tình cảm gia đình - Ảnh 1.

Dành nhiều thời gian cho gia đình sẽ vun đắp thêm tình yêu thương gia đình trong lòng mỗi người - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có một sự thật đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn là những đứa trẻ thường xuyên thiếu vắng những bữa cơm đầm ấm bên cha mẹ và thiếu cả chỗ dựa tinh thần bên cạnh. Vì mưu sinh, cha mẹ buộc phải đi lao động xa nhà, có khi vài tháng, thậm chí một năm chỉ về nhà vài dịp mà thôi. Cực chẳng đã họ phải bỏ lại con ở quê, song song với việc chúng ta chưa có giải pháp nào đó để các gia đình vừa tìm được kế sinh nhai, vừa gầy dựng những tế bào xã hội đúng nghĩa.

Vì thế, tình cảm tự nhiên và chân thực về gia đình là hoàn toàn có thật. Có trường hợp thật cảm động: người mẹ trẻ sau tết dẫn theo con gái nhỏ đến tiệm ảnh chụp chung bức ảnh. Chị phải để con lại quê cho ông bà giữ, lâu lâu mới về gặp con. Bức ảnh giúp chị có thể phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ con trong những ngày xa cách.

Về phía những đứa trẻ, các em sống cùng ông bà, có ông bà lớn tuổi nên các em cũng là người chăm nom và nói gì thì nói, con trẻ ở cùng cha mẹ vẫn là tốt nhất. Nhiều em đã thiếu thốn đến quen dần những bữa cơm không có cha mẹ. Hệ quả của việc thiếu sự giáo dục, quản lý chặt chẽ của cha mẹ, có những trẻ bất ổn về tâm lý, dính vào tệ nạn xã hội, bạo lực học đường...

Chuyến đi của ba đứa trẻ từ Cà Mau quả là chuyến đi vất vả và liều lĩnh. Không ai khuyến khích việc làm này nhưng ở góc xuất phát từ trái tim, từ tình thương thì khác. Người ta hay dùng câu "tình yêu không có lỗi" và tôi thấy trong trường hợp này nó hoàn toàn phải được hiểu đúng nghĩa. Thật khó lòng để la mắng cho hành động nông nổi vì tình yêu, tình thương rất trong sáng, nhân bản, bản năng của mấy đứa trẻ. 

Thay vào đó, chúng cần lời nhắc nhở, hành động quan tâm hơn của người thân. Cần xem đây là vấn đề của xã hội, cần được quan tâm nhiều hơn đến con em người lao động ở nông thôn, đã "ly nông" rồi còn phải "ly hương".

 Tháng 3-2019, câu chuyện cậu bé Vì Quyết Chiến (13 tuổi, Trường THCS Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) và hành trình trên chiếc xe đạp vượt hơn 103km xuống thăm em trai và cha mẹ ở Bệnh viện Nhi trung ương cũng khiến nhiều người cảm động. Điều gì đã làm nên sức mạnh ấy? Chỉ có thể là sức mạnh của tình thương yêu, tình cảm gia đình được truyền đến con trẻ...

Lời nhắc nhở...

Thời gian rồi sẽ qua và những đứa trẻ sẽ trở thành người trưởng thành nhưng ký ức hẳn sẽ còn mãi, nhất là một ký ức khó quên như thế này. Để sau này, dù cuộc sống có ra sao, nhưng khi nhớ lại, các em và cả gia đình sẽ càng thêm trân trọng, giữ gìn tình cảm thiêng liêng ấy. Nhưng trước mắt, câu chuyện đang lan tỏa cảm xúc tích cực, là lời nhắc nhở đến mỗi chúng ta, vun đắp thêm tình yêu thương gia đình trong lòng mỗi người, hơn bao giờ hết...

Nhớ cha mẹ, 3 học sinh lớp 6 đạp xe 5 ngày đêm hơn 400km từ Cà Mau lên TP.HCM Nhớ cha mẹ, 3 học sinh lớp 6 đạp xe 5 ngày đêm hơn 400km từ Cà Mau lên TP.HCM

TTO - Nhớ cha mẹ, một học sinh lớp 6 rủ hai bạn cùng xóm đạp xe suốt quãng đường hơn 400km từ xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, Cà Mau lên TP.HCM tìm. Sau 5 ngày 5 đêm đạp xe, các em cũng đến nơi trong khi gia đình thông báo mất tích.

KHÔI AN GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên