28/06/2012 06:09 GMT+7

Hãy nâng niu tình cảm gia đình

Bùi Quang Huy (lớp 12 Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Bùi Quang Huy (lớp 12 Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

TT - Những câu chuyện, tâm sự về gia đình mình của bốn bạn trẻ dưới đây càng làm rõ một điều: tình cảm gia đình là một trong những thứ quan trọng nhất với mỗi người trên cuộc đời này.

Hãy nâng niu, trân trọng nó bằng cả trái tim mình, bạn sẽ là người hạnh phúc.

1MPCswVQ.jpgPhóng to
Ảnh: Vi Thảo

“Đừng để mất rồi mới hối tiếc...”

“Cái gì mình đang có mà không biết quý trọng, mất đi mới thấy tiếc...”, Lâm Minh Quân (sinh năm 1989, nhà ở quận 4, TP.HCM) đã nhận ra điều tưởng chừng rất đơn giản này sau khi mẹ bỏ nhà đi.

Câu chuyện mẹ Quân bỏ nhà đi vì buồn, stress và Quân lên mạng xã hội tìm mẹ được rất nhiều người quan tâm, chia sẻ. Bận bịu với công việc, thời gian của Quân ở nhà mỗi ngày là buổi tối về nhà chờ... cơm mẹ nấu. Mẹ gặp khó khăn trong công việc, chia sẻ với con thì Quân... quên ngay và “cứ tưởng mẹ đã giải quyết được rồi”. Đến khi Quân cãi lại mẹ trong lần mẹ nhắc nhở dọn phòng thì sự chịu đựng của mẹ đã cạn...

Riêng với Quân thì hơn hai ngày tìm mẹ khắp các quận, khắp các bệnh viện là khoảng thời gian cậu suy nghĩ rất nhiều về bản thân mình. Phải chi Quân dành nhiều thời gian cho mẹ hơn, phải chi Quân chia sẻ, nghĩ cho mẹ nhiều hơn... “Thời gian dành cho bạn bè, quan hệ bên ngoài thì nhiều chứ cho mẹ chẳng bao nhiêu. Trong khi mẹ phải lo tất thảy từ buôn bán đến chi tiêu cho cả nhà, rồi công việc nhà, cơm nước mà chẳng ai chia sẻ với mẹ” - Quân tâm sự. “Không có mấy thời gian cho nhau, không chia sẻ, không hiểu được nhau nên nhà Quân mới xảy ra chuyện. May mà mẹ đã về và khỏe lại”, Quân nhớ lại những ngày đi tìm mẹ.

“Bây giờ thì em gái Quân san sẻ công việc nhà với mẹ. Quân thì dành cho mẹ nhiều thời gian hơn. Lâu lâu cả nhà ra ngoài ăn, đi chơi... để mọi người có thời gian cùng vui, cùng chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Tất cả để mái nhà không chỉ là chỗ trọ đi về...”, Quân chia sẻ.

jjqjj8za.jpgPhóng to
Ảnh: THANH ĐẠM

“Trò chuyện, tâm sự nhiều hơn với cha mẹ”...

Tôi nghĩ rằng sự tin tưởng lẫn nhau là sợi dây nối kết các thành viên gia đình lại với nhau. Hiện nay mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày một bị thử thách hơn, cách suy nghĩ của hai phía ngày càng cách xa nhau vì nhiều rào cản vô hình. Nếu người trẻ chứng minh được những việc mình làm là tốt, cha mẹ cũng cố gắng hiểu con, tin tưởng con hơn thì hai phía mới tìm được tiếng nói chung.

Tôi luôn tìm kiếm sự chia sẻ và đồng cảm từ cha mẹ bằng cách trò chuyện nhiều hơn, tâm sự nhiều hơn. Đó có thể là những điểm số ở lớp học, những hoạt động ngoại khóa hay những mối quan hệ bạn bè. Mỗi ngày, chỉ trừ bữa tối có khi tôi phải đi học thêm, còn trưa nào tôi cũng ngồi ăn cơm chung với ba mẹ. Tôi biết rằng để cha mẹ tin tưởng tuyệt đối vào con cái ngày nay là khó, nhưng chỉ cần có thời gian và lòng tin dành cho gia đình, mọi thứ sẽ tốt đẹp với người trẻ chúng ta.

“Dù là gì, mình vẫn còn có mẹ!”

Lần đầu tiên tôi thấy gia đình quan trọng là năm học lớp 10, sau một lần cùng đám “chiến hữu” gây rối đến mức bị đuổi học. Nhà khá giả, chỉ có hai anh em, tôi lớn lên trong sung sướng. Nhưng với tính lì lợm từ nhỏ, tôi dễ dàng kết thân với đám bạn du côn khi thấy quanh mình nhiều thứ bất mãn: trường lớp thì nhiều khuôn khổ, quy tắc; ở nhà thì ba mẹ suốt ngày lo công tác... Tôi uống rượu, hút thuốc, đánh nhau như cơm bữa. Tôi phớt lờ lời khuyên bảo của cha mẹ, xem những lời răn dạy ấy là phiền phức.

Do không có trường nào nhận, tôi bị chuyển xuống học ở một trường huyện xa lắc. Lúc ở nhà, mỗi lần thấy mẹ khóc vì mình tôi chỉ thấy buồn thôi; đến lúc xa nhà ngẫm nghĩ lại những lời mẹ nói mới thấy đau lòng, tự nhiên nước mắt cứ chảy. Tôi ngẫm ra cho mình một điều: mình có là gì đi nữa thì mình vẫn còn có mẹ. Không ai chết thay cho mình cả nhưng mẹ thì sẵn sàng. Lúc ấy tôi tự thấy mình nông nổi quá. Bỗng nhiên tôi khao khát được sống với ba mẹ, với em, chứ không muốn sống nhờ nhà người lạ như vầy nữa.

“Con có làm gì, sai đường lạc lối đến đâu đi nữa thì gia đình vẫn là nơi để con tìm về”, lời mẹ nói sưởi ấm và thôi thúc tôi cố gắng thay đổi. Rồi cũng đến ngày tôi thật sự về nhà với vòng tay yêu thương của cha mẹ: tôi bước chân vào đại học. Từ đó đến nay tôi sống với tâm niệm không làm gì để ba mẹ buồn vì hiểu được gia đình quan trọng với mình ra sao. Gia đình là thành lũy vững chắc và là bến bờ bình yên cuối cùng nâng đỡ tôi trong cuộc sống.

6GONZuLH.jpgPhóng to
Ảnh: Ngọc Trường

“Gia đình tôi là số 1!”

Nhà tôi có đến ba thế hệ cùng chung sống: ông bà, ba mẹ và anh em tôi. Nhưng nhờ thế mà tôi được gần bà hơn và có thêm một người luôn lắng nghe mình. Ba mẹ tôi làm nông nuôi bảy anh em tôi khôn lớn. Cuộc sống cũng chỉ vừa đủ. Nhưng tôi thấy mình may mắn vì được sinh ra trong một gia đình đầy ắp tình yêu thương. Ít khi ba mẹ nói câu “Ba yêu con” hay “Mẹ yêu con” nhưng chúng tôi luôn cảm nhận được rõ ràng tình yêu của ba mẹ. Như khi ba giúp tôi làm bài tập thủ công hồi tiểu học, hay mẹ gọi điện hỏi han con gái khi xa nhà đi học. Có lúc tôi khóc vì lời dặn dò đầy hi sinh của ba: “Dù ba mẹ cực khổ mấy chăng nữa, bao nhiêu cũng chịu được nếu con biết lo học hành tới nơi tới chốn”.

Ba thường dặn tôi không được khóc vì “Nước mắt chẳng giải quyết được vấn đề gì. Trước những khó khăn chỉ có cách là cố gắng hơn mới được”. Những năm đầu xa nhà đi học, dù có bạn bè cùng những điều mới mẻ ở cuộc sống đại học, tôi vẫn luôn cảm thấy trống vắng trong lòng khi thấy thiếu gia đình. Những hôm nhớ nhà đến phát khóc, gọi điện về nhà chỉ xin ba cho tôi được khóc...

Gia đình luôn là điều làm tôi cảm thấy ấm áp và tiếp sức cho tôi tự tin, vững vàng bước ra cuộc sống. Với tôi, gia đình là số 1.

Bùi Quang Huy (lớp 12 Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên