13/12/2020 09:08 GMT+7

Hành trình 400km của 3 đứa trẻ và hạnh phúc gia đình

NGUYỄN HÙNG
NGUYỄN HÙNG

TTO - Trong tuần qua, câu chuyện về ba cậu học sinh lớp 6 đạp xe từ Cà Mau lên TP.HCM tìm cha mẹ vì lý do đơn giản là nhớ cha mẹ đã khiến nhiều bạn đọc xúc động.

Hành trình 400km của 3 đứa trẻ và hạnh phúc gia đình - Ảnh 1.

Hành trình 400km của 3 đứa trẻ và hạnh phúc gia đình - Ảnh: N.HÙNG

Bỏ qua băn khoăn về hành trình mạo hiểm của ba đứa trẻ, bạn đọc có thể tìm ra một bài học chân thực về bốn chữ "hạnh phúc gia đình" và nhiều trăn trở khác đang hiện diện trong cuộc sống hằng ngày.

Nhớ cha mẹ, đạp xe hơn 400km đi thăm

Chuyện bắt đầu sáng 1-12, như thường lệ là các em Phan Văn Ngoan (12 tuổi), Đỗ Nhật Huy (11 tuổi) và Phan Văn Hậu (14 tuổi) đạp xe từ nhà (ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) đến Trường THCS Tân Hưng Tây (cả ba đang học lớp 6). 

Tuy nhiên, do lâu ngày nhớ cha mẹ nên Ngoan rủ hai người bạn đạp xe từ quê lên thăm cha mẹ đang làm công nhân ở tỉnh Long An. Gia đình các em không biết gì về hành trình này nên Công an huyện Phú Tân phát thông báo tìm kiếm tung tích các em. Nhiều người cũng đưa thông tin lên mạng xã hội nhằm kêu gọi mọi người hỗ trợ, chia sẻ.

Ba đứa trẻ dựa vào chỉ dẫn đường trên Google Maps, trên hai chiếc xe đạp và "lộ phí" 55.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó đã được bớt ra 42.000 đồng để mua một tay lưới với suy nghĩ đơn giản: trên đường đi sẽ giăng lưới bắt cá để ăn. Tuy nhiên, trên đường đi tay lưới không phát huy tác dụng vì không có chỗ giăng như ở quê. 

Dọc đường, các em phải vào quán ăn, nhà dân ven đường xin giúp đỡ. Khi mệt, các em phải ngủ trên vỉa hè, ghế đá, ống cống, gầm cầu... Cứ thế, ba em đạp xe 5 ngày 5 đêm với hành trình dài hơn 400km nhưng lại lạc tới quận Bình Tân (TP.HCM).

Khi biết mình đi lạc, Ngoan mới nhắn tin cho cha mẹ. Cha mẹ của Ngoan nhờ người quen ở TP.HCM đến địa điểm định vị để đón con và hai người bạn. Lúc này cả ba em da đã xám xịt, mặt mày bơ phờ và kiệt sức, lương thực còn 2 ổ bánh mì, 1 trái dưa leo và 1 chai nước suối.

Hành trình 400km của 3 đứa trẻ và hạnh phúc gia đình - Ảnh 2.

Hình ảnh xúc động khi Ngoan gặp lại mẹ sau 5 ngày đạp xem hơn 400 km lên thăm - Ảnh: NVCC

Chuyện buồn cha mẹ xa quê

Ông Đặng Văn Khang - trưởng ấp Kiến Vàng A - cho biết hoàn cảnh của ba em đều thuộc diện khó khăn. Cha mẹ Ngoan gửi con cho bà ngoại nuôi từ lúc em mới 2 tuổi, đi làm ăn xa và ít về thăm con. Huy còn khó khăn hơn khi mồ côi cả cha lẫn mẹ, được bà nội và chú nuôi dưỡng. Chị của Huy ở bên ngoại nhưng cũng chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ và lên Bình Dương làm thuê. Với Hậu, cha bị tật nguyền nhưng vẫn phải lo làm, gia đình có đến năm miệng ăn.

Gặp chúng tôi sau khi đã được đưa về nhà, Ngoan nói vì quá nhớ cha mẹ nên mới liều mình như thế. Ngoan và mẹ khi gặp được nhau đều ngấn lệ dâng tràn. Chị Nguyễn Hằng Ny (37 tuổi, mẹ Ngoan) cho biết mỗi năm vợ chồng chỉ về thăm con được 1-2 lần, còn mùa hè đón Ngoan lên ở với hai vợ chồng. "Vợ chồng tôi hay gọi về hỏi thăm con, con hay khóc và đòi lên với cha mẹ. Không ngờ cháu nó bỏ học đạp xe lên đây" - chị Ny nghẹn ngào.

Chuyện như vợ chồng chị Ny phải bấm bụng xa con không phải hiếm. Nhiều đôi vợ chồng hoặc phải đi tìm kế sinh nhai trước mắt, hoặc dự định dành dụm một ít tiền để quay về cho các con có một cuộc sống đầy đủ và tốt đẹp hơn. Họ chỉ có một lựa chọn như thế.

Chị Nguyễn Ngọc Bích (xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) chia sẻ về hoàn cảnh của mình: "Vợ chồng tôi đi làm công nhân ở Bình Dương, hai đứa con 6 và 12 tuổi ở với ông bà nội. Vợ chồng tôi cũng muốn đưa các cháu theo nhưng không đơn giản. Ở quê ông bà lo nuôi hai cháu, còn việc học hành hầu như các con tự lo. 

Vợ chồng tôi cũng rất buồn khi cô giáo thường điện thoại than phiền là hai cháu học kém". Nói rồi chị Bích tâm sự sau Tết Nguyên đán sắp tới, chị quyết định nghỉ làm về quê chăm sóc và vực dậy chuyện học hành của hai con, còn chồng ở lại làm kiếm tiền gửi về cho gia đình.

* Hà Dung (admin fanpage Biết thế lấy chồng sớm hơn):

anh box 3

Cùng nhau ăn bữa tối là hạnh phúc

Vợ chồng tôi may mắn có công việc làm gần nhà. Tan giờ làm là về nấu ăn, làm việc nhà, chăm con rồi ăn cơm tối. Mỗi tối khi tivi bắt đầu phát chương trình thời sự cũng là lúc gia đình tôi xong xuôi cơm nước, dọn dẹp. Vợ chồng ngồi trò chuyện, con cái một đứa nghịch đồ chơi, đứa ngồi tập viết chữ. Khung cảnh ấy thường tình nhưng đó luôn là điều mà tôi chờ mong nhất.

Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 bủa vây, công việc mưu sinh của nhiều người ngày càng khó khăn, với chúng tôi như thế đã là hạnh phúc. Chính vì vậy tôi hiểu vì sao ba em nhỏ ở Cà Mau lại có thể đạp xe quãng đường 400km trong nhiều ngày liền để tìm cha mẹ. Con nhớ mẹ chỉ là một nỗi nhớ thường tình, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nỗi nhớ ấy lại trở thành điều xa xỉ.

Tôi cũng rất hay chia sẻ những câu chuyện nhỏ của gia đình mình trên fanpage do tôi lập ra. Ở đó mọi người cùng học hỏi nhau để vun đắp những mối quan hệ gần gũi nhất. Dù có những lúc va chạm, giận dỗi, thất vọng nhưng gia đình vẫn còn chung một mái nhà, được gặp nhau mỗi tối, được thăm hỏi những câu chuyện trong ngày thì đó là một điều hạnh phúc.

* Minh Trâm (29 tuổi, TP.HCM):

anh box 4

Ai cũng cần sự ấm cúng của tình thân

Những buổi chiều cuối tuần, tôi và chồng thường về nhà sớm. Khi ấy, con gái đang tự chơi trong cũi với mấy món đồ chơi nhà bếp cùng mẹ tôi. Hai vợ chồng tôi làm gần nhau, chồng tôi làm công việc kinh doanh nên thường ghé chỗ làm chở tôi về. Chúng tôi tranh thủ nấu bữa tối rồi cả nhà cùng ngồi ăn. Đó là một buổi chiều phổ biến trong một gia đình, cùng nấu nướng, chăm con, ăn tối...

Thế nhưng, tôi e rằng phần đông chúng ta ngày càng sao nhãng cái hạnh phúc tưởng rất đỗi bình thường ấy. Vẫn có vợ chồng, vẫn có con cái, vẫn căn bếp đó, vẫn ê hề thực phẩm ở siêu thị tiện lợi gần nhà... nhưng sự sum họp phải nhường cho sự bận rộn của chúng ta với công việc, với đối tác, bạn bè, cái hẹn này đến cái hẹn khác. Rồi chúng ta "thưởng thức" không khí gia đình cốt sao vừa nhanh vừa tiện để sáng mai dậy sớm hối hả đi làm, đi học.

Nhưng ai cũng cần sự gần gũi ấm cúng tình thân. Thế nên chuyện ba em nhỏ đạp xe từ Cà Mau lên TP.HCM để gặp cha mẹ đang làm công nhân ở đây như một món quà vừa xót xa vừa mãnh liệt gửi đến người lớn chúng ta, khi nói gì thì nói, chúng ta còn có điều kiện để gặp nhau mỗi ngày, cớ sao lại chọn sự hời hợt?

VŨ THỦY ghi

Ai cũng hiểu, nhưng vì cuộc sống

Ông Huỳnh Thanh Nhanh - chủ tịch UBND xã Việt Thắng - cho biết đa số người dân trên địa bàn sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm. Nhiều hộ đông con, đất không nở ra nên thiếu đất sản xuất hoặc diện tích vuông tôm nhỏ, xổ vuông không đủ nuôi sống gia đình. Trong khi đó, tại địa phương không có nhà máy, xí nghiệp nên không thể giải quyết việc làm cho người dân, nhiều gia đình đã rời quê đi Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... làm thuê, để lại con cái.

Cũng theo ông Nhanh, từ chuyện chẳng đặng đừng này, không ít cháu nhỏ không được quan tâm chăm sóc tốt, học hành dang dở. Dù cha mẹ có kiếm được tiền cũng không thể bù đắp được tình yêu thương và tương lai con cái. "Chuyện này ai cũng có thể hiểu rõ, nhưng..." - ông Nhanh không diễn giải thêm.

Nhớ cha mẹ, 3 học sinh lớp 6 đạp xe 5 ngày đêm hơn 400km từ Cà Mau lên TP.HCM Nhớ cha mẹ, 3 học sinh lớp 6 đạp xe 5 ngày đêm hơn 400km từ Cà Mau lên TP.HCM

TTO - Nhớ cha mẹ, một học sinh lớp 6 rủ hai bạn cùng xóm đạp xe suốt quãng đường hơn 400km từ xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, Cà Mau lên TP.HCM tìm. Sau 5 ngày 5 đêm đạp xe, các em cũng đến nơi trong khi gia đình thông báo mất tích.

NGUYỄN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên