31/10/2020 09:43 GMT+7

Gia đình nhiều thế hệ: Ứng xử thế nào?

KIM ANH
KIM ANH

TTO - “Ứng xử trong gia đình nhiều thế hệ - làm thế nào để vẹn cả đôi đường?” là buổi giao lưu trực tuyến do Trung ương Đoàn tổ chức, về việc làm thế nào khi mang cái tôi của người phụ nữ về nhà chồng mà vẫn hòa hợp được.

Gia đình nhiều thế hệ: Ứng xử thế nào? - Ảnh 1.

Một gia đình nhiều thế hệ - Ảnh: KHÁNH TRẦN

"Tôi cứ bê nguyên cách sống từ nhà mình khi về làm dâu, mặc dù khi tôi về nhà chồng là sống chung với bốn chị dâu và tôi là con dâu thứ năm. Và bây giờ khi là mẹ chồng của hai nàng dâu, tôi vẫn chiều con dâu, chấp nhận để con "chưa biết làm gì" khi về nhà chồng" - NSND Lan Hương, Nhà hát Kịch Việt Nam, chia sẻ tại chương trình giao lưu này.

Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ hiện đại ngày nay nhiều người đã biết cách mang "cái tôi" về nhà chồng.

Hiểu để thương

Nghệ sĩ Lan Hương cho hay khi cô về làm dâu trong nhà đã có bốn nàng dâu và các anh chồng đều làm công nhân trong ngành đường sắt, không quen với hình ảnh cô con dâu là diễn viên, ngủ dậy vẫn áo ngủ đi trong nhà. "Tôi về nhà chồng với tư thế là tôi về nhà mình, nên tôi xem mọi người trong nhà cứ như nhà mình. Ngày đó tôi thường nghe về chuyện mẹ chồng nàng dâu nên tôi lại nghĩ rất bướng bỉnh là để xem chuyện đó như thế nào với mình. Khi mẹ chồng hỏi: "Sao con mặc đồ ngủ đi trong nhà?", tôi nói: "Ở nhà con toàn mặc thế".

Và đến khi nấu ăn, tôi nấu theo cách tôi thì mẹ chồng nói phải nấu theo cách của nhà chồng, tôi làm theo ý mẹ, rồi tôi vẫn nấu phần riêng theo cách tôi. Và đến mãi sau này tôi vẫn thế. Việc chế biến cũng không mất nhiều thời gian. Như thế cả nhà tôi không ai phải "chịu đựng" ai. Nhưng thật ra sự hài hòa là rất cần thiết trong một gia đình nhiều thế hệ", nghệ sĩ Lan Hương tâm sự.

Khi Lan Hương trong phim Mẹ chồng nàng dâu cũng là mẹ chồng của hai cô con dâu ngoài đời thực thì bà lại rất chiều con dâu, xem con dâu như con gái mình. Nghệ sĩ Lan Hương chia sẻ thêm: "Tôi vẫn cứ sống theo cách của tôi khi về làm dâu... nhưng cứ sống thật lòng thì rồi cả họ đều quý tôi. Đến khi tôi có con dâu, tôi cũng vậy. Con dâu về nhà, tôi coi như con gái và cũng chiều con dâu như con gái, khi đấy con trai tôi thành vai phụ. Tôi thấy con dâu quý mình hơn, những lúc tôi đi công tác hay mệt mỏi, chỉ có con dâu lo và gọi điện thăm hỏi. Rõ ràng bạn ấy nhận thức được bạn là con gái mình rồi. Đương nhiên cũng có những lúc bạn sai, nhưng bạn cũng là người, sống thật lòng thì mọi việc sẽ có cách giải quyết".

Lý giải việc ngày nay phần lớn mỗi gia đình có 1-2 con nên việc con dâu về nhà chồng mà "không biết làm gì" cũng không phải là hiếm. "Mới đầu về nhà tôi, con dâu cũng không biết làm gì, nhưng tôi và bà nội của các con tôi đã hướng dẫn nên bây giờ con dâu còn biết làm nhiều món ngon hơn cả tôi và bà nội của cháu. Không như thế hệ trước con gái thường được mẹ chỉ dạy nữ công gia chánh trước khi đi lấy chồng, còn ngày nay thì chuyện ấy cũng dần thay đổi" - bà Lan Hương nói .

Gia đình nhiều thế hệ: Ứng xử thế nào? - Ảnh 2.

Chị Cao Mỹ Ngân (bên trái - con dâu út) sống cùng mẹ chồng Ánh Nguyệt tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, Cà Mau. Trong ảnh: hai mẹ con làm bánh - Ảnh: KHÁNH TRẦN

Hài hòa là cần thiết

ThS tâm lý học Đinh Đoàn ví von gia đình hạt nhân (chỉ có vợ chồng và con cái) là chiếc xe hơi, còn gia đình nhiều thế hệ (có cụ, ông bà, cha mẹ và các con cháu) là chiếc xe buýt. "Đương nhiên xe hơi đi nhanh hơn xe buýt. Nhưng xe buýt thì đông vui hơn - ông Đoàn dí dỏm nói - Và thực tế trong gia đình xe buýt cũng sẽ có nhiều va chạm và mâu thuẫn nhiều hơn do có nhiều thế hệ".

Những mâu thuẫn xảy ra trong gia đình nhiều thế hệ liên quan đến sự khác biệt. Đó là sự khác biệt về lứa tuổi, sở thích ăn uống... và cả khác biệt về văn hóa gia đình trong trường hợp con dâu mới về nhà chồng. Ví như chuyện con dâu mới về nhà chồng thấy lạ là nhà chồng không dư dả nhưng sáng nào cũng phải có bình hoa tươi trong nhà kiểu như "nhà ấy làm 2 đồng thì ăn 1 đồng, còn 1 đồng mua hoa tươi" nhưng không được làm khác... Đó chính là văn hóa gia đình, nên người phụ nữ cũng cần phải hài hòa mà nương theo.

Tại chương trình giao lưu, chị Cẩm Vân, phóng viên một tờ báo, bày tỏ quan điểm người trẻ phần lớn thích sống trong gia đình hạt nhân hơn, tuy nhiên chị lại là con dâu trưởng phải sống chung với gia đình chồng. "Đến thời điểm này là 10 năm tôi về sống chung với gia đình chồng, tôi có hai con trai. Sống chung đương nhiên có những va chạm... nhưng lúc con tôi còn nhỏ, tôi được nhờ ông bà. Bà nội chăm cháu lớn, kể cả có tiền thuê người giúp việc cũng không bằng ông bà. Chính điều đó đòi hỏi mình cũng phải biết dung hòa để sống hòa hợp với gia đình chồng" - chị Cẩm Vân bộc bạch.

Dung hòa và tùy vào hoàn cảnh là vấn đề mà chị Cẩm Vân nêu ra: mối quan hệ trong đại gia đình không chỉ là mẹ chồng - nàng dâu, mà có nhiều mối quan hệ khác. Tuy nhiên cũng có những áp lực nề nếp trong gia đình chồng, nhiều khi cái khó đó lại từ "nếp" của bố chồng hay việc dạy con cũng là mâu thuẫn giữa người già và người trẻ.

Ông Đinh Đoàn cho rằng thiểu số phục tùng đa số, cứ thế mình ứng xử - việc đầu tiên là mình học tập, lắng nghe xem nhà chồng ra sao? Sao nhà này khác nhà mình?... Xung đột chỉ có thể là ban đầu, nhưng về sau lại hòa hợp nếu mọi người đều tìm ra việc hòa hợp xung đột văn hóa đó. "Trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thì bạn nên đứng chung chiến hào hay hơn là khác nhau về chiến tuyến" - ông Đinh Đoàn nói vui. Thực tế ngày nay không ít nàng dâu vẫn đi mua sắm, đi spa với mẹ chồng và việc mang "cái tôi" về nhà chồng cũng cần sự hài hòa để vẹn cả đôi đường.

Tìm cách hòa hợp về văn hóa, lối sống

Chị Lê Tuyết Mai (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) nói: "Theo tôi, khi về nhà chồng, nếu phải làm dâu thì mình cứ sống thật với bản thân mình. Tuy nhiên cũng nên hòa hợp về văn hóa, lối sống để không lạc lõng như người lạ trong nhà".

Bà Nguyễn Thị Dịu (69 tuổi, 50 năm làm dâu) cho biết: "Tôi xem nhà chồng như nhà mình. Ba mẹ chồng cũng là ba mẹ mình, anh em chồng cũng là anh em của mình. Ban đầu về nhà chồng tôi cũng khép nép, lo lắng nhiều điều, nhưng mình cứ sống thật với mọi người và cứ thế vui vẻ đi qua bao năm tháng. Khi ba chồng đau ốm, tôi cũng chẳng nề hà chăm sóc đến ngày ông qua đời. Bây giờ đến mẹ chồng bị tai biến nằm một chỗ, tôi cũng vẫn ngày đêm chăm sóc như mẹ của mình".

Làm thế nào để Làm thế nào để 'gen Z' xây dựng gia đình hạnh phúc?

TTO - Nêu vấn đề về thế hệ 'gen Z' có tư duy tích cực, cởi mở, chủ động, sẵn sàng di chuyển môi trường làm việc cách xa gia đình, bí thư Thành đoàn TP.HCM nêu góp ý cần có giải pháp quan tâm đến xây dựng gia đình hạnh phúc.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên