25/07/2014 06:09 GMT+7

Bàn kế ... "đòi nợ" tạm ứng

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Ngày 24-7, ngày làm việc thứ ba của kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XI đã bàn nhiều về câu chuyện thu hồi vốn tạm ứng công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Minh Tài - giám đốc Sở Tài chính, tính đến giữa tháng 6-2014 tổng số dư nợ tạm ứng trên địa bàn tỉnh là hơn 571 tỉ đồng. Trong đó số dư nợ quá hạn là hơn 165 tỉ đồng. Với số dư nợ còn quá lớn, nhiều công trình đầu tư cơ bản mặc dù đã được gia hạn nhiều lần, tạo mọi điều kiện nhưng vẫn chưa hoàn thành, gây nhiều bức xúc cho nhân dân như dự án đường Giá Gối - Mô Nít, Ba Tơ - Ba Lế, Làng Trành...

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thảo, huyện Tư Nghĩa, hỏi: “Giải pháp nào để thu hồi nợ tạm ứng để tránh thất thu cho ngân sách?”. Ông Nguyễn Cao Phúc, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, cho rằng đối với các dự án chây ỳ đã ứng vốn nhưng không triển khai thi công sẽ rút vốn, xử lý vi phạm hợp đồng, thậm chí khởi kiện. Hiện nay đã có nhiều chủ đầu tư khởi kiện nhà thầu như ở huyện Sơn Hà, Ba Tơ... Theo ông Đặng Ngọc Dũng - bí thư Huyện ủy Sơn Hà, hiện huyện Sơn Hà đang kiện Công ty Thiên Vũ (chủ thầu dự án đường Giá Gối - Mô Nít) về việc chiếm dụng hơn 2 tỉ đồng trong thời gian dài. “Chúng tôi sẽ kiên quyết kiện đến cùng để thu hồi nợ bởi đây là tiền ngân sách, là mồ hôi nước mắt của người dân” - ông Dũng nói.

Đề xuất giải pháp về lâu dài tránh tình trạng các công ty trưng ra hồ sơ dự thầu đẹp và giá rẻ để trúng thầu nhưng sau đó không đủ năng lực thi công, nhiều công ty nợ cũ chưa trả nhưng tiếp tục trúng thầu dự án mới rồi tiếp tục nhận tiền tạm ứng, ông Nguyễn Cao Phúc cho rằng: “Với các chủ đầu tư không có năng lực thì phải công khai tên trên báo chí, không cho đấu thầu bất kỳ công trình nào khác nếu như chưa hoàn thành việc trả nợ tạm ứng cho ngân sách nhà nước”.

Bà Trương Thị Xuân Hồng, phó chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị: “Cơ quan thẩm tra quyết toán rà soát vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước từ năm 2005 đến nay thuộc quyền quản lý. Nếu chưa thanh toán, quyết toán thì phải công khai danh sách các chủ đầu tư, đơn vị còn dự án vi phạm. Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các công tác thanh toán, quyết toán và chế tài xử lý theo quy định”.

Quảng Trị: vẫn tiếp tục trồng cao su

Chiều 24-7, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị về “số phận” cây cao su trên địa bàn, nhất là sau thiệt hại của cơn bão số 10 vào cuối năm 2013 làm hơn 7.000ha cao su bị gãy đổ, ông Nguyễn Văn Bài, giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Trị, cho biết mặc dù có nhiều tác động không thuận lợi trong thời gian qua nhưng người dân vẫn coi cây cao su không chỉ là cây “xóa đói giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu. Về phản ảnh dân chặt cao su, ông Bài nói đó không phải là phá bỏ cây cao su để trồng cây khác, mà là dọn dẹp cây gãy đổ từ bão số 10. Theo ông Bài, vẫn trồng cao su nhưng phải trồng theo quy hoạch, có vành đai, chọn cây giống mới, kỹ thuật trồng phải thay đổi, trồng với mật độ dày hơn sẽ hạn chế phần nào gió xô ngã đổ.

L.Đ.DỤC

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên