12/07/2014 04:35 GMT+7

Bắn chỉ thiên

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Một nền giáo dục “nặng về chữ nghĩa và ứng thí”, không thi thì không có động lực học tập, chưa đánh giá đúng năng lực học sinh, thi cử cồng kềnh và cải tiến một cách “luẩn quẩn”.

Chất lượng giáo dục ĐH kém do đầu tư quá thấpĐổi mới tài chính để nâng chất giáo dục đại học VNThành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục

Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo khoa học “Đánh giá kết quả giáo dục trong nhà trường phổ thông: thực trạng và giải pháp” do Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN tổ chức tại Tây Ninh ngày 11-7 với sự tham dự của hơn 250 đại biểu là các nhà nghiên cứu, quản lý, hiệu trưởng các trường trong cả nước.

Thông tin từ hội thảo cho thấy nhiều nơi 70-80% là học sinh giỏi. Không biết đọc, biết viết vẫn lên lớp đều đều. Học tiểu học giỏi nhưng lên THCS, THPT lại không theo kịp. Học để thi, không thi thì không học. Đề ra việc chống bệnh thành tích, chống tiêu cực thi cử nhưng rồi những địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp thấp lại bị xếp loại thi đua không đạt. Học rất giỏi nhưng ra đời không tự tin, không thành công...

Nhiều đại biểu đồng tình với đánh giá “nền giáo dục nặng về chữ nghĩa và ứng thí” của PGS - TS Trần Kiều, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN, trong phát biểu đề dẫn của ông. Theo ông Kiều, ở VN chủ yếu đánh giá học sinh về mặt kết quả học tập mà thiếu đánh giá về tư duy, kỹ năng, sức khỏe thể chất và tinh thần, về xúc cảm, thẩm mỹ...

Nhiều tham luận cũng xoay quanh chủ đề đánh giá học sinh chỉ qua năng lực học tập đã đầy đủ chưa, trong khi rèn luyện đạo đức mới xây dựng và hoàn thiện nhân cách học sinh. TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, phát biểu: “Đánh giá một học sinh có khi phải viết cả hai trang A4 mới đủ, nhưng hiện nay chúng ta đánh giá theo kiểu “dán nhãn” trong một chữ tốt, khá, trung bình, yếu, hoàn toàn thiếu sự ghi nhận, khích lệ và định hướng”.

Ông Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM, nêu ý kiến: “Trước năm 2000 thi tốt nghiệp có bốn môn, đến năm 2001 chuyển thành sáu môn và đến năm 2014 thi bốn môn trở lại. Trước năm 2002 các trường đại học tự ra đề thi, sau đó chúng ta gom lại thành “ba chung” và bây giờ lại đang trong lộ trình tự chủ tuyển sinh... Chúng ta từng đánh giá bằng học bạ, nhưng rồi không kiểm soát được mặt tiêu cực, nâng điểm, lại bỏ và chuyển sang thi. Từ năm nay, kết quả tốt nghiệp được Bộ GD-ĐT dựa vào 50% kết quả học tập, nhưng ai đảm bảo không có tiêu cực trong kết quả này, liệu tương lai chúng ta lại phải bỏ cách đánh giá này hay không?”.

Theo ông Lê Trung Chinh, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cách kiểm tra, đánh giá hiện nay chỉ dừng ở mức độ đánh giá được kỹ năng trình bày, lập luận, diễn đạt, giải bài tập, thậm chí là khả năng học thuộc lòng của học sinh. Những đổi mới trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại cần khắc phục việc học sinh, phụ huynh và xã hội phân biệt môn chính, môn phụ, dẫn đến học lệch, xem nhẹ các môn không thi, thậm chí đánh giá thấp vai trò của các môn được cho là phụ cũng như giáo viên các môn đó.

Đáng chú ý một hội thảo lớn về vấn đề giáo dục trong bối cảnh “đổi mới căn bản toàn diện” lại không có bất cứ đại diện nào của Bộ GD-ĐT. Có đại biểu còn ví von: “Không có sự lắng nghe và phản hồi của bộ, chúng ta nói ở đây cứ như bắn chỉ thiên, chỉ tốn đạn mà không có tác dụng gì”.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên