19/08/2014 11:10 GMT+7

​Thắp lên hi vọng

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Nhiều gia đình người Hoa ở TP Bạc Liêu sắp thoát nghèo khó đeo đẳng bấy lâu nay nhờ những hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của chính quyền, cộng đồng.

Vợ chồng ông bà Quách Thành Danh - Nguyễn Thị Lệ (xã Vĩnh Trạch Đông) bên thửa hẹ sắp thu hoạch do công chức P.3 và cơ quan MTTQ TP Bạc Liêu tài trợ tiền mua giống, phân bón...- Ảnh: Tấn Đức
Vợ chồng ông bà Quách Thành Danh - Nguyễn Thị Lệ (xã Vĩnh Trạch Đông) bên thửa hẹ sắp thu hoạch do công chức P.3 và cơ quan MTTQ TP Bạc Liêu tài trợ tiền mua giống, phân bón...- Ảnh: Tấn Đức

Mấy bữa nay cô bé Hứa Kim Anh (12 tuổi), con gái út của vợ chồng ông Hứa Mộc Hoa - Lâm Thị Hối ở ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, lúc nào cũng bận rộn lau chùi chiếc xe đạp mới toanh nhãn hiệu Motachi của mình. 

Không quên một số phận nào

Phải gắn bó với người Hoa, xem việc của họ như của mình thì mới đồng cảm và tìm ra phương cách giúp họ thoát nghèo một cách bền vững

Chị Đoàn Hồng Lĩnh (chủ tịch Hội Phụ nữ TP Bạc Liêu)

“Con tui ao ước có chiếc xe đạp để khỏi phải đi bộ gần 3 cây số tới trường. Giờ được tặng nó cưng xe còn hơn cưng người, hễ dính hột mưa, miếng bụi là lấy khăn lau liền hà” - bà Hối hồ hởi khoe.

Ngoài chiếc xe đạp trị giá 1,9 triệu đồng, gia đình bà Hối còn được hỗ trợ tiền lợp lại mái nhà, xây thêm bức vách để không còn lo bị mưa dột gió lùa. Chưa hết, cán bộ xã còn hướng dẫn vợ chồng bà làm chuồng trại, mua tặng gần 100 con vịt giống kèm theo một bao thức ăn để chăn nuôi.

“Bầy vịt coi như bỏ ống, vài tháng nữa sẽ thu về mấy triệu đồng làm vốn. Sau đó tui sẽ tích lũy, chuyển từ nuôi nhỏ sang nuôi lớn, có đồng ra đồng vào, vợ chồng con cái không phải đi làm cỏ mướn, lặt hành thuê, bữa đặng bữa thất như vừa qua...” - bà Hối nói đầy tự tin.

Hoàn cảnh của mẹ con bà Lâm Tú Láng (53 tuổi, ở ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành) cũng thật thắt ngặt. Hơn bốn năm trước, chồng bà bị bạo bệnh qua đời để lại ba con đang tuổi ăn học. Một tay bà gồng gánh, làm đủ nghề từ lặt đầu tôm, phụ việc tiệm bánh xèo, quán ăn tới chạy xe ôm để lo cho các con.

Con gái đầu của bà hiện đang học năm hai tại Trường đại học Bạc Liêu, cùng người em kế năm nay vào lớp 9 ngoài giờ đi học thì ra chợ phụ bán quần áo. 

Hằng ngày, trong lúc các con đi học, đi làm thêm, bà ở nhà vừa nấu cơm vừa canh có khách gọi là lấy xe chở đi. Một cuốc xe ôm từ nhà ra tới chợ Bạc Liêu rồi quay về gần 20 cây số bà lấy giá chỉ 30.000 đồng, trừ tiền xăng, lời hơn chục ngàn đồng. Ngày nào may mắn chạy được hai cuốc thì bà yên tâm. 

Trước hoàn cảnh của bà, chính quyền, đoàn thể đã đứng ra vận động các nguồn để cấp tặng 30kg gạo mỗi tháng suốt một năm, thêm 30 triệu đồng sửa căn nhà dột cho mấy mẹ con bà có chỗ an cư. “Được như vầy mẹ con tui không còn nặng lo chuyện ăn ở, giờ chỉ lo làm kiếm tiền cho tụi nhỏ đi học” - bà Láng bày tỏ.

Bà Trương Thị Nhanh (40 tuổi) ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu cũng đầy nghịch cảnh. Chồng mất mấy năm nay, một tay bà vừa chăm mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi thường xuyên đau ốm cùng ba con, đứa lớn nhất mới vào lớp 7. Nhà có hơn 200m2 đất rẫy, nhưng nghèo tới nỗi không có tiền mua cây giống, phân bón để trồng.

Hằng ngày bà đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy. Bữa nào may mắn có việc thì được trả công 80.000 đồng, đủ xoay xở cho những miệng ăn. Rồi niềm vui bất chợt tới với bà khi được hỗ trợ hơn 2 triệu đồng mua đậu phộng giống về gieo, thêm 3,2 triệu đồng sắm cặp heo giống cùng bao thức ăn công nghiệp đủ dùng trong một tháng đầu. 

Hôm chúng tôi đến, thửa đậu đã xanh um. Bà Nhanh xòe tay nhẩm tính rồi khoe: “Đầu tháng 9 sẽ thu hoạch mấy vồng đậu phộng này. Trừ tiền mua phân, thuốc chắc cũng kiếm được 2-3 triệu đồng. Vậy là có tiền lo cho ba đứa con trong năm học mới”. Còn cặp heo con mới bắt về hơn tuần được thả nuôi trong chuồng ngay sau nhà. Thêm chi phí mua gạch, ximăng làm chuồng hơn 2 triệu đồng cũng do MTTQ TP vận động tài trợ.

Chỉ trong vòng một tháng qua, tất cả hộ gia đình người Hoa thuộc diện nghèo và cận nghèo như bà Hối, bà Láng, bà Nhanh... ở TP Bạc Liêu đã thắp lên hi vọng thoát nghèo nhờ sự quan tâm giúp đỡ tận tâm của chính quyền, đoàn thể và cả cộng đồng.

“Chúng tôi giao mỗi cơ quan, ban ngành, chi bộ các cấp tùy theo số lượng nhân sự sẽ nhận đỡ đầu 3-5 hộ nghèo. Cán bộ, công chức phải thường xuyên chia nhau đến hộ dân, xem họ có nhu cầu sửa chữa nhà ở hay cần phương tiện sản xuất, cần giống cây trồng, vật nuôi gì thì về vận động kinh phí hỗ trợ cho họ, cùng họ đi mua. Ngoài hỗ trợ về vật chất, việc cần thiết hơn là cán bộ phải truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức và tổ chức cuộc sống cho người dân, giúp họ thoát nghèo” - Bí thư Thành ủy Bạc Liêu Dương Thành Trung cho hay.

Em Hứa Kim Anh (xã Hiệp Thành) vui mừng với chiếc xe đạp mới được tặng - Ảnh: Tấn Đức
Em Hứa Kim Anh (xã Hiệp Thành) vui mừng với chiếc xe đạp mới được tặng - Ảnh: Tấn Đức

Đồng hành cùng người Hoa nghèo

Dương Thị An Til, 33 tuổi, được ví như con sáo sậu của miệt vườn nhãn cổ Hiệp Thành. Ngay lần gặp đầu tiên chị đã gây ấn tượng bằng câu chuyện về cái tên của mình: “Nhiều người nói tên tôi khá ngộ. Thật ra lúc làm khai sinh, cha mẹ đặt tên tôi là Dương Thị An Tiêm. Tới hồi đi học, cô giáo ghi nhầm Tiêm thành Til. Thấy tên này cũng hay hay nên mẹ tôi cho để vậy luôn tới giờ!”.

Sau khi học xong đại học luật, An Til tình nguyện về công tác tại xã Hiệp Thành, lần lượt trải qua các nhiệm vụ: bí thư xã đoàn, cán bộ thống kê rồi phó chủ tịch UBND xã. Hơn chục năm gắn bó với địa phương, lại chịu khó đi, chịu khó gặp gỡ bà con, giờ chị thuộc từng hoàn cảnh của người Hoa trong xã. 

Giữa trưa, tôi chạy xe theo chị muốn hụt hơi, theo vòng vèo trên con đường bêtông, băng qua những thửa rẫy, ao cá, xuyên qua ấp Giồng Nhãn, rồi Giồng Nhãn A, tới thăm những gia đình người Hoa còn khó khăn.

“Này, chị ơi, kêu tụi nhỏ dọn dẹp nhà cho gọn lại, đang mùa mưa. Muỗi nhiều, coi chừng sốt xuất huyết đó” - An Til nhắc nhở. Ghé qua nhà vợ chồng ông Vu Văn Cáo, chị dặn với vô: “2g chiều mai có người dẫn đi mua tặng bộ đồ nghề làm mộc nha chú”.

Sang tới nhà bà Nói, bà Diệu, ông Sến, chị lại hỏi thăm “bầy vịt tài trợ” có mau ăn mau lớn... Hết nhà này tới nhà khác, đâu cũng coi chị như bà con, họ hàng đến thăm vậy!

Ở TP Bạc Liêu có nhiều cán bộ công chức đồng hành với người nghèo như chị An Til. “Tới nhà nào mình cũng phải chú ý quan sát coi điều kiện sinh hoạt của họ thế nào, nhà có bao nhiêu lao động, lao động chính làm nghề gì, trước giờ từng có kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán loại hàng hóa nào...” - bà Tô Yến Anh, phó chủ tịch UBND P.3, địa phương nhận đỡ đầu 20 hộ người Hoa nghèo của xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), kể về những chuyến công tác sang địa bàn xã lân cận.

Cũng như vậy, chị Đoàn Hồng Lĩnh, chủ tịch Hội Phụ nữ TP Bạc Liêu, được nhiều hộ người Hoa nghèo ở Vĩnh Trạch Đông xem như người nhà. Vợ chồng anh Sơn Dương (ngụ ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông) - hành nghề bán cua trên xe máy - coi chị như chỗ dựa, hễ có việc gì cũng gọi, kể cả chuyện bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” do chở hàng cồng kềnh.

“Phải gắn bó với người Hoa, xem việc của họ như của mình thì mới đồng cảm và tìm ra phương cách giúp họ thoát nghèo bền vững” - chị Lĩnh nói. Chúng tôi cũng được gặp những cán bộ đoàn thể như ông Huỳnh Thông, ông Thạch Quang Lạc - chủ tịch và phó chủ tịch MTTQ TP Bạc Liêu, những người đã cất công sưu tầm tài liệu kỹ thuật chăn nuôi heo, nuôi vịt mang đến tận nhà cho gia đình người nghèo gốc Hoa.

Mô hình giúp người Hoa

“Người Hoa có truyền thống tương thân tương ái, rất chí thú làm ăn. Trước đây tôi cứ đinh ninh không có nhiều hộ người Hoa nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Cách đây hơn tháng, khi TP Bạc Liêu triển khai chương trình tiếp sức cho người Hoa nghèo, cận nghèo vươn lên, có dịp đi sâu vào tìm hiểu, mới hay rất nhiều người Hoa có hoàn cảnh thắt ngặt.

Gần như ngay tức thì, những hộ này đã được chính quyền địa phương và bà con cộng đồng người Việt quan tâm hỗ trợ nhiều mặt, từ cất sửa nhà ở tới mua sắm phương tiện sản xuất kinh doanh, con giống, cây giống và cả tiền để khám chữa bệnh và gạo ăn hằng tháng...

Việc làm này đã thắp lên cơ hội đổi thay cuộc sống cho người Hoa ở TP Bạc Liêu. Tôi mong sắp tới mô hình này sẽ được nhân rộng ra cả tỉnh” - ông Ngô Vũ Đại, trưởng ban đại diện Hội Người Hoa tỉnh Bạc Liêu, nói.

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên