18/08/2014 05:00 GMT+7

​Để có niềm tin cho đổi mới

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Chỉ còn khoảng hai tuần nữa, Bộ GD-ĐT sẽ phải công bố phương án cuối cùng cho kỳ thi quốc gia 2015, nhưng hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ mới đây vẫn tràn ngập nỗi lo về một kỳ thi vừa xét tốt nghiệp phổ thông, vừa làm căn cứ tuyển sinh ĐH lại được giao phó về địa phương.

Sau nỗi lo của các trường là nỗi lo lớn hơn của xã hội: nếu chính những người làm giáo dục vẫn còn chần chừ thì đến bao giờ mới có kỳ thi đổi mới?

Đến thời điểm này, hẳn đã có quá đủ lý do để không ai còn nấn ná đến hai kỳ thi quốc gia cách nhau một tháng, với những hao tổn không tính toán nổi về áp lực tinh thần cùng sự tốn kém dễ nhận ra khi xã hội phải chi cả ngàn tỉ đồng cho mỗi kỳ thi.

Vậy mà khi được gợi ý giao cho địa phương chủ trì thì các trường đều chột dạ, đắn đo. Có phải vì kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức ở địa phương lâu nay vẫn rò rỉ những bằng chứng cho sự thiếu nghiêm túc và trung thực, bởi rốt cuộc vẫn cho tỉ lệ đỗ chót vót 98-99%?

Hẳn những người mang lý thuyết từ những nước tiên tiến về VN muốn đẩy thật nhanh lộ trình VN lựa chọn giống như nhiều nước: kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ trở thành căn cứ để xét vào ĐH, trường ĐH không phải quan tâm đến thi tuyển vì chất lượng được đảm bảo bằng nguyên tắc siết đầu ra thật chặt chẽ.

Nhưng chính vị giáo sư đang giảng dạy tại môi trường giáo dục tiên tiến nhất thế giới - ông Ngô Bảo Châu - khi đề cập đến những băn khoăn này đã diễn giải bằng góc nhìn đầy thấu hiểu hiện trạng giáo dục VN: “Trong hai kỳ thi thì kỳ thi ĐH được hầu hết mọi người công nhận đảm bảo hơn về sự trung thực. Sẽ không thực tế chút nào khi muốn bỏ một kỳ thi đang được làm tốt để chỉ thực hiện một kỳ thi vốn dĩ được làm không tốt. Lý do người ta đưa ra là nhiều nước chỉ thi tốt nghiệp mà không thi ĐH và chúng ta muốn áp dụng mô hình như vậy. Về mặt lý thuyết thì có vẻ ổn, nhưng tôi e rằng thực tế chúng ta sẽ không thực hiện được việc này hiệu quả. Bất kỳ kỳ thi nào cũng cần được ưu tiên hàng đầu về sự trung thực, không nên ưu tiên chuyện nó đúng vào mô hình gì đó hay không”.

Còn vị hiệu trưởng một trường ĐH sư phạm phía Bắc dẫn chứng trong khi bộ muốn trưng cầu về ba phương án cho kỳ thi quốc gia thì trên các diễn đàn mạng có đến trên 75% ý kiến lựa chọn phương án... thứ tư nằm ngoài đề xuất của bộ: giao lại kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương, còn kỳ thi quốc gia dành cho tuyển sinh ĐH.

Nhiều chuyên gia nhận định điểm yếu của ngành giáo dục là lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Lập kế hoạch đã lúng túng, đến khi thực hiện còn bối rối, chệch choạc hơn nên thường phá vỡ những gì đã lập ra từ trước.

Xã hội vẫn lo ngại một kỳ thi được giao phó về địa phương thì tại sao không đặt ra lộ trình 3-5 năm tới sẽ thực hiện? Niềm tin về tính nghiêm minh của kỳ thi ĐH còn chút đó nên chăng giữ gìn, rồi dần xây dựng niềm tin mới bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cả ngành giáo dục và các địa phương để từng bước chuyển giao.

Niềm tin phải trên cơ sở thực tiễn, trách nhiệm cao với xã hội, chứ không thể dựa vào ý chí chủ quan của một vài người mà thiếu những cơ sở khách quan cần có. Có cách nhìn xa ấy, xã hội mới đủ cơ sở để tin giáo dục sẽ đổi mới đúng hướng, đúng tầm.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên