06/12/2018 09:18 GMT+7

Yêu nhiều, thất vọng lớn

VÕ TRUNG DUNG (từ Paris)
VÕ TRUNG DUNG (từ Paris)

TTO - Khi ông Emmanuel Macron được bầu làm tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp với tỉ lệ phiếu ủng hộ ấn tượng 66,1% vào tháng 5-2017, rất nhiều dân Pháp đã trở thành người hâm mộ cuồng nhiệt Macron như hâm mộ một tài tử ngôi sao Hollywood.

Yêu nhiều, thất vọng lớn - Ảnh 1.

Các tài xế Pháp cầm các quả bom khói nhiều màu sắc trong cuộc biểu tình ở quảng trường Concorde, trung tâm thủ đô Paris ngày 3-12 - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, chuỗi chính sách cải cách kinh tế mà chính quyền Macron ban hành trong hơn một năm rưỡi qua được cho là góp phần chia rẽ giàu nghèo và gây bất bình đẳng xã hội đã khiến nhiều người dân Pháp chuyển từ "yêu nhiều" sang "thất vọng lớn".

Hiện tỉ lệ ủng hộ ông Emmanuel Macron trong dân chúng Pháp xuống rất thấp chỉ còn 30%.

Dù tăng thuế nhiên liệu được cho là nguyên nhân chính khiến lực lượng "áo vàng" gây ra các biểu tình làm rúng động Paris tuần qua nhưng theo tôi nó không phải là một chính sách tồi.

Ông Macron chắc chắn sẽ lường trước được phản ứng của người dân Pháp, đặc biệt là các nhóm lợi ích buôn bán xăng dầu và giới kinh doanh xe, trước khi công bố chính sách này. Do đó, nó là một chính sách can đảm.

Đánh thuế xăng dầu là một chính sách rất đúng để bảo vệ môi trường trong bối cảnh Pháp và nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực giảm nhiên liệu hóa thạch, một trong những nguyên nhân chính làm tăng phát thải nhà kính và sự nóng lên của Trái đất.

Ngoài ra, chính sách này cũng liên quan đến vấn đề kinh tế khi nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, đã áp dụng đánh thuế carbon lên nhiều sản phẩm.

Do đó, chính sách ông Macron đưa ra là hoàn toàn đúng nhằm khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, bảo vệ môi trường. Pháp cũng có nhiều lợi thế thực hiện chính sách này khi có hệ thống giao thông công cộng rất tốt.

Vậy tại sao chính sách này bị phản đối? Lý do chính là người dân mất lòng tin vào khả năng lãnh đạo của Tổng thống Macron. Nhiều người cho rằng ông đang dẫn dắt nước Pháp noi theo Mỹ khi chỉ tập trung vào vấn đề lợi nhuận mà không quan tâm đến lợi ích của tầng lớp lao động.

Một vấn đề khác khiến các chính sách của ông Marcon dù tốt nhưng không mang lại kết quả tích cực là do cách ông ấy ăn nói thẳng thắn đến mức trịch thượng, khiến nhiều người dân phật lòng.

Ví dụ, khi bảo vệ các chính sách của mình, ông Marcon từng nói "tôi giỏi hơn thì tôi quyết định" hay như các lời nhạo báng những người biểu tình như "những kẻ lười biếng", "chẳng nghĩa lý gì" và "đất nước không thể cải cách" vì những người như họ.

Nhiều người Pháp đã không còn rộng lượng tha thứ cho những lời nói và hành động thể hiện thái độ ngạo mạn và xa cách của vị tổng thống trẻ.

Thêm vào đó, các vụ bê bối như vệ sĩ riêng của ông Macron tấn công người biểu tình hay như chính ông bị chỉ trích vì "xa rời với người dân" khi tổ chức tiệc sinh nhật thứ 40 xa hoa ở lâu đài Chambord nổi tiếng trong khi người dân phải còng lưng đóng thuế, khiến vị tổng thống trẻ ngày càng mất điểm trong mắt người dân Pháp, những người từng xem ông là một tổng thống kiểu mới, thẳng thắn và trung thực.

Theo kết quả thăm dò dư luận, 75% người Pháp đánh giá những chính sách của ông Macron là không công bằng, quá thiên vị người giàu và các tập đoàn kinh tế.

Có ý kiến cho rằng sự nhượng bộ của chính quyền Marcon trước người biểu tình thông qua việc tuyên bố tạm dừng kế hoạch tăng thuế xăng dầu trong 6 tháng kể từ 1-1-2019 là sự "xuống nước" của ông, người từng tuyên bố sẽ không chịu sức ép phải thay đổi chính sách vì những phong trào đường phố quy mô lớn.

Tuy nhiên, nó còn có động cơ chính trị liên quan đến Liên minh châu Âu (EU).

Ông Macron là người ủng hộ mạnh mẽ khối EU và đồng euro. Sau Brexit, xuất hiện làn sóng ngầm nhằm gây mất lòng tin của người dân đối với EU như một khối thịnh vượng và phát triển.

Theo đó, giới cực hữu và dân túy, đang ngày càng lớn mạnh hơn, xoáy sâu vào các vấn đề khiến người dân châu Âu bất bình với các chính sách "xa rời quần chúng" của EU. Nếu hai giới này chiếm đa số trong nghị viện châu Âu có thể dẫn đến nguy cơ họ bỏ phiếu giải thể EU.

Do vậy, việc chính quyền Macron "xuống nước" cũng là biện pháp ngăn những người này thắng thế trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu, bắt đầu từ tháng 3-2019.

VÕ TRUNG DUNG (từ Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên