05/12/2018 07:11 GMT+7

Chính phủ Pháp lao đao vì chị bán mỹ phẩm và anh tài xế xe tải

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Phong trào "Áo khoác vàng" không có người lãnh đạo và không có bộ máy phân cấp. Dù vậy, hàng trăm ngàn người đã xuống đường phản đối tăng giá xăng dầu chỉ từ sáng kiến của một chị bán mỹ phẩm và một anh tài xế xe tải.

Chính phủ Pháp lao đao vì chị bán mỹ phẩm và anh tài xế xe tải - Ảnh 1.

Chị Priscillia Ludosky tham gia xuống đường ở ngoại ô Paris ngày 23-11-2018 - Ảnh: LE PARISIEN

Theo kênh truyền hình France Info của Pháp, phong trào "Áo khoác vàng" phản đối tăng giá xăng dầu xuất phát từ chị Priscillia Ludosky, 33 tuổi, quản lý một cửa hàng bán mỹ phẩm trên mạng cư trú tại tỉnh Seine-et-Marne thuộc vùng Ile de France bao gồm thủ đô Paris.

Cũng như mọi người, tôi lái xe và thấy tiền xăng cứ tăng miết. Tôi nghiên cứu trên mạng mới biết 2/3 giá xăng là do thuế. Bởi thế tôi đã gửi kiến nghị để phản đối chuyện ấy"

Chị Priscillia Ludosky

"Song kiếm hợp bích" từ chị bán hàng và anh tài xế

Cuối tháng 5-2018, chị Priscillia Ludosky đưa lên trang Change.org kiến nghị giảm giá xăng dầu. Kiến nghị ít được ai chú ý cho đến khi cô phóng viên Vanessa Relouzat làm việc cho tuần báo La République de Seine-et-Marne tiếp xúc với chị Priscillia. 

Lúc bấy giờ kiến nghị chỉ nhận được 700 chữ ký và chị Priscillia cũng chỉ mong 1.500 người ký tên ủng hộ là mừng rồi.

Ngày 12-10, bài viết của Vanessa Relouzat xuất hiện trên báo đã thu hút mọi người.

Cùng lúc đó tại tỉnh Seine-et-Marne lân cận Paris, anh tài xế xe tải Eric Drouet 33 tuổi đã cùng với hội chơi xe Muster Crew có sáng kiến sẽ tổ chức một cuộc diễu hành bằng xe ở ngoại ô Paris vào ngày 17-11 để phản đối tăng giá xăng dầu.

Sau đó, vợ anh đọc được bài viết trên tuần báo La République de Seine-et-Marne nên nói lại với chồng. Lập tức anh Eric Drouet liên hệ với chị Priscillia và hai người quyết định phối hợp đăng kiến nghị trên Facebook để tạo hiệu ứng "hòn tuyết lăn" lôi kéo thêm nhiều người.

Ngày 21-10, đến lượt các báo ở thủ đô Paris đăng kiến nghị. Lập tức số lượng ký tên ủng hộ kiến nghị và tham gia xuống đường ngày 17-11 tăng đột biến.

Tính đến cuối tháng 11-2018, số chữ ký ủng hộ kiến nghị lên đến 1.061.000. Đây là kiến nghị thứ hai có nhiều người ủng hộ chỉ sau kiến nghị rút lại luật lao động nhận được hơn 1,3 triệu chữ ký vào năm 2016. Hàng trăm nhóm trên mạng xã hội kêu gọi phong tỏa đường để phản đối tăng giá xăng dầu.

Do không thể huy động xe cộ về Paris vì đường sá xa xôi, những người ủng hộ xuống đường quyết định tổ chức tại địa phương. 

Trang web Blocage17novembre.com đã được cậu sinh viên Thibaut Gouve 18 tuổi lập ra để chuyển tải sự kiện.

Đến ngày 17-11, trong lần đầu tiên phong trào áo khoác vàng xuống đường đã có hơn 280.000 người tham gia theo ước tính của Bộ Nội vụ Pháp.

Chính phủ Pháp lao đao vì chị bán mỹ phẩm và anh tài xế xe tải - Ảnh 3.

Những người ôn hòa tham gia phong trào áo khoác vàng - Ảnh: AFP

Nội bộ phong trào bắt đầu phân hóa

Phong trào áo khoác vàng tự xưng là phong trào công dân và phi chính trị, ban đầu phụ thuộc vào từng cá nhân tham gia, sau đó nhận thấy cần phải phối hợp để chuyển tải thông điệp đến báo chí và chính quyền.

Ngày 25-11, nhóm đại diện phát ngôn của phong trào gồm tám người được thành lập. Trong nhóm phát ngôn có chị Priscillia Ludosky và anh Eric Drouet. Những người còn lại làm thợ máy, sinh viên luật, thành viên hội đồng hòa giải lao động, chủ doanh nghiệp, nhân viên phục vụ. 

Trong thông cáo báo chí đầu tiên, nhóm phát ngôn cho biết nhiệm vụ của nhóm là duy trì tiếp xúc với đại diện của chính phủ để đề xuất hai kiến nghị. Một là xem xét giảm tất cả các loại thuế và hai là thành lập một hội nghị công dân để thảo luận các biện pháp sinh thái.

Dù vậy, ý định thành lập nhóm phát ngôn đã vấp phải thất bại. Do có nhiều ý kiến phản đối nhóm phát ngôn không mang tính đại diện, nhóm giải tán và nhường chỗ cho nhóm đại diện các khu vực và các tỉnh. Chị Priscillia Ludosky và anh Eric Drouet được gọi là "người đối thoại" với chính phủ.

Chính phủ Pháp lao đao vì chị bán mỹ phẩm và anh tài xế xe tải - Ảnh 4.

Anh Eric Drouet, người phối hợp với chị Priscillia kêu gọi ủng hộ kiến nghị phản đối tăng giá xăng dầu - Ảnh: AFP

Đến khi Thủ tướng Édouard Philippe thông báo muốn gặp phái đoàn của phong trào Áo khoác vàng vào ngày 30-11, Eric Drouet lại tuyên bố không tham gia. Cuối cùng chỉ có hai người đi gặp thủ tướng và cuộc đối thoại phá sản.

Trong nội bộ của phong trào áo khoác vàng đã bắt đầu phân hóa. Ngày 1-12, sau lần xuống đường ngày cuối tuần lần thứ ba đầy bạo lực, 10 nhân vật áo khoác vàng tự xưng là nhóm "Áo khoác vàng tự do" đăng tuyên cáo trên báo lên án mọi hình thức bạo lực và ủng hộ đề nghị tiếp xúc với Thủ tướng Philippe.

Tối cùng ngày, một nhóm khác do Priscillia Ludosky và Eric Drouet đứng đầu đã tuyên bố trên Facebook sẵn sàng gặp thủ tướng hoặc người phát ngôn chính phủ với hai điều kiện: phát hình trực tiếp cuộc tiếp xúc và trong phái đoàn có các đại diện địa phương.

Ngoài hai nhóm nêu trên, một bộ phận phong trào áo khoác vàng đã chuyển sang hình thức bạo lực. Những người này sẵn sàng chơi lại cảnh sát và dựng chướng ngại vật trên đường phố.

Không ai báo trước hay hỏi ý kiến chúng tôi về nhóm phát ngôn. Chúng tôi không biết ai quyết định và quyết định trên cơ sở nào"

Tristan Lozach, một trong những người chủ xướng phong trào biểu tình "Áo khoác vàng" ở tỉnh Côtes-d’Armor

Chính phủ Pháp lao đao vì chị bán mỹ phẩm và anh tài xế xe tải - Ảnh 6.

Một bộ phận phong trào áo khoác vàng dùng bạo lực trong lần thứ ba xuống đường ngày thứ bảy 1-12 - Ảnh: AFP

Paris lại mịt mù khói lửa như chiến địa Paris lại mịt mù khói lửa như chiến địa Áo vàng bạo loạn đối đầu cảnh sát ở Paris Áo vàng bạo loạn đối đầu cảnh sát ở Paris 10.000 cảnh sát Pháp xuất quân bảo vệ Paris 10.000 cảnh sát Pháp xuất quân bảo vệ Paris
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên