Người biểu tình xuất hiện từ sáng 15-12 trên quảng trường Ngôi sao, trung tâm Paris - Ảnh: Reuters
Như vậy, những nhượng bộ của chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron như tăng lương cơ bản, ngưng tăng thuế xăng cũng không làm nguội đi sự đòi hỏi của người biểu tình. Thậm chí những lời kêu gọi ngừng xuống đường trong bối cảnh có tấn công khủng bố tại thành phố Strasbourg làm bốn người thiệt mạng cũng không ngăn được bước chân của người biểu tình đổ về thủ đô Paris.
Vẫn chưa thể tính được thiệt hại do cửa hàng bị đập phá và cướp bóc trong những ngày biểu tình thứ bảy
DOMINIQUE RESTINO (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp vùng Paris Ile-de-France)
Thiệt hại hàng tỉ euro
Ngay tại Paris, không khí không còn căng thẳng quá mức như hai cuộc diễn ra hai tuần trước, nhưng vẫn là những cuộc tụ tập từ lời kêu gọi lan truyền trên mạng xã hội. Lực lượng an ninh lại được triển khai với mức độ cao như tuần trước, theo lời cảnh sát trưởng Paris, tức đến cả 8.000 cảnh sát (trong tổng số gần 90.000 cảnh sát cả nước) và hơn chục xe thiết giáp của lực lượng hiến binh.
Vào mùa mua sắm Giáng sinh và đầu năm mới, những cuộc biểu tình tập trung vào các khu vực trung tâm, không chỉ ở Paris mà ở nhiều thành phố tỉnh lỵ đã khiến các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng thiệt hại quá mức.
Các con số chưa thể thống kê đầy đủ vì biểu tình vẫn tiếp tục nhưng theo Đài LCI, ít nhất 700 doanh nghiệp đã phải cho 19.000 nhân viên nghỉ việc thời gian ngắn. Riêng với ngành vận tải và ngành giao hàng, thiệt hại ước tính lần lượt là 800 triệu và 1 tỉ euro chỉ sau bốn đợt biểu tình đầu tiên.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ kinh doanh cửa hàng ở khu vực trung tâm Paris rơi vào tình cảnh khó khăn thật sự khi hai tháng cuối năm thường có doanh thu cao nhất. Nhiều người đã đề cập đến chữ "phá sản". Báo Le Parisien đã ghi nhận vài trường hợp như ông Nicolas Rubio, chủ cửa hiệu chuyên về trang trí nội thất bếp, có cửa hàng ở quận 8 của Paris đã 10 năm qua.
Theo khuyến cáo của chính quyền, ông đóng cửa hiệu vào những ngày có biểu tình và "thiệt hại 20.000 - 25.000 euro mỗi cuối tuần phải đóng cửa như thế". Chưa kể trong cuộc biểu tình ngày 1-12, cửa hiệu của ông bị ném vỡ kính và phải thay mất gần 18.000 euro. Trong cuộc biểu tình ngày 8-12, để phòng tránh, ông lại phải mất 1.000 euro tiền mua các tấm gỗ về đóng che chắn...
Tăng trưởng kinh tế sụt giảm
Một nạn nhân khác là ông Carlos Mourao - chủ hiệu bán hoa ở quảng trường Ternes (quận 8) từ 12 năm qua. Ông dẫn chứng cụ thể: "Thường thì ngày thứ bảy thứ 2 của tháng 12, tôi bán nhiều cây thông trang trí nhất, khoảng 150 cây. Nhưng hôm 8-12, tôi chỉ bán được đúng hai cây".
Thậm chí trên tầm mức lớn hơn, thiệt hại vẫn chưa thể đo đếm đầy đủ. Theo kết quả khảo sát với các doanh nghiệp trong khu vực đồng euro của IHS Markit, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực eurozone đã giảm từ 52,7 điểm trong tháng 11 xuống 51,3 điểm trong tháng 12. Chỉ số trên 50 điểm đồng nghĩa rằng kinh doanh vẫn đang tăng trưởng. Tuy nhiên, IHS Markit cho biết các dòng vốn kinh doanh mới đã gần như đình trệ, trong khi tăng trưởng việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm và sự lạc quan của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.
IHS Markit nêu rõ nhu cầu mua sắm ôtô giảm sút mạnh đã khiến tăng trưởng kinh tế bị chững lại và trở nên trầm trọng hơn. Khảo sát tại Pháp cho thấy chỉ số kinh doanh đã giảm mạnh từ 54,2 điểm trong tháng 11 xuống 49,3 điểm trong tháng 12. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp PMI của Đức đã giảm nhẹ xuống 52,2 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận