21/08/2004 06:14 GMT+7

"Ý em... cũng giống ý anh"?!

LÊ XUÂN TỊNH (Đà Nẵng)
LÊ XUÂN TỊNH (Đà Nẵng)

TT - Sau một cuộc họp có nhiều tranh luận ở cơ quan, tôi nhận được của anh em lời an ủi: “Mày nên nhớ hai điều: điều 1: Sếp luôn luôn đúng!, điều 2: Nếu sếp không đúng, xem lại điều 1!”.

Vấn đề cần phải suy nghĩ: Có phải là sếp lúc nào cũng đúng không? Vì cái gì mà cấp dưới luôn phải chấp nhận “sếp thì lúc nào cũng đúng”?

Cái không khí mất dân chủ, thái độ tự đánh mất mình như trên đã và đang bao trùm ở nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức hành chính quản lý xã hội... và có lúc xuất hiện ở các cơ quan quyền lực cấp cao của các địa phương.

Nói có phần chủ quan, điều đầu tiên cấp dưới thường phải nghĩ tới trước khi phát biểu về một vấn đề nào đó là tránh đụng chạm, tránh nêu ra ý tưởng trái ngược với suy nghĩ của cấp trên, hoặc tránh gây mất lòng giữa đồng nghiệp với nhau vì không có lợi cho mình! Vì được là được chung và mất là mất riêng, chi bằng “ý em cũng giống ý anh!” vừa được lòng sếp, được lòng bạn bè... và có thể góp phần kéo dài tuổi thọ cái ghế đang ngồi đi đôi với chuyện cơm áo gạo tiền... và cả bổng lộc.

Ngược lại những ai có năng lực thật sự, có lòng tự trọng, không chấp nhận đi lên “bằng đầu gối” thì sẽ bị cô lập hoặc tự cô lập... Đặc biệt ở lớp người trẻ mới ra trường mang nhiều hoài bão nhưng thiếu kinh nghiệm... dễ rơi vào tình trạng thất vọng, mất lòng tin phải tự ra đi. Và cuối cùng nguồn nhân lực bổ sung cho các đơn vị ngày càng hụt hẫng.

Công tác tuyển chọn cất nhắc cán bộ ở nhiều nơi, nhiều cơ quan đơn vị trong thời gian dài vì mục tiêu “bảo toàn quyền lực, bảo toàn cơm áo” đã không dựa trên các điều kiện và tiêu chuẩn cần thiết nhất là phẩm chất, năng lực... mà là dạng “CÔCC” (con ông cháu cha) hoặc là dạng “ý em phải giống ý anh”. Từ đó xuất hiện và tồn tại càng ngày càng đông một lực lượng “đầy tớ của dân” với đạo đức năng lực tối thiểu, nhiệt tình tham vọng tối đa, vô hình trung từng lúc từng nơi đã và đang thực thi một nền hành chính cai trị..., một tầng lớp cán bộ đã nhầm lẫn quản lý đơn vị, quản lý xã hội thành cai trị đơn vị, cai trị xã hội, thay vì phục vụ nhân dân họ lại “hành dân là chính”... mà mục đích là vun vén cho cá nhân bất chấp lợi ích cộng đồng!

Cách suy nghĩ và hành động chung của số người này là: cố gắng tìm cách gây khó khăn trong quyền hạn có thể, khai thác vận dụng những sơ hở luật pháp, các qui định của Nhà nước, của cơ quan hoặc cố tình hiểu sai, tạo thế bắt chẹt, gài thế để được bồi dưỡng hoặc vòi vĩnh... buộc đối tượng được phục vụ phải có “chung chi, mầu mè”.

Vì vậy “công việc cải cách hành chính mà chúng ta đang làm phải là một cuộc cách mạng” - một cuộc cách mạng làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội - và “chuyển nền hành chính cai trị sang hành chính phục vụ là cả một cuộc cách mạng”. (Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, Tuổi Trẻ ngày 23-4-2004).

Mọi cuộc cách mạng đều phải có lực lượng cách mạng, và điều đầu tiên cần phải có là con người, nhưng gần gũi hơn đó là công tác tuyển chọn nhân sự ở mọi cấp, mọi ngành phải được chuẩn hóa, chuyên nghiệp. Từ đó mới mong nói tới chuyện xuất hiện nhân tài!

LÊ XUÂN TỊNH (Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên