10/05/2022 09:17 GMT+7

Từ chuyến đi trên dòng kênh

NGUYỄN THỊ HẬU
NGUYỄN THỊ HẬU

TTO - Mong rằng hệ thống kênh rạch ở TP.HCM cần được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ những giá trị và tiềm năng về nhiều mặt

Gần đây tôi được tham dự trải nghiệm một chuyến đi trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm thu thập thêm ý kiến của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau để hoàn thiện hơn một tour du lịch đặc thù của một đô thị sông nước như TP.HCM. Chuyến đi ngắn thôi nhưng đã để lại dư vị khó quên cũng như nhiều suy nghĩ với du khách.

Từ hàng chục năm nay hằng ngày tôi vẫn đi về qua cầu Công Lý. Nhiều lần tôi đi qua những cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, như cầu Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ, cầu Bùi Hữu Nghĩa, cầu Bông hay cầu Kiệu... cũng như đã từng chạy dọc dòng kênh này qua hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa xanh mát quen thuộc, nhưng đi thuyền trên kênh nhìn cảnh quan hai bên bờ bỗng như lần đầu nhìn thấy. Những ngôi nhà, quán xá, hẻm phố như thân thiện hơn, vài mái chùa, ngôi giáo đường nhỏ nhắn ngả bóng xuống dòng sông bỗng lung linh hơn, những cây cầu bớt đi vẻ nặng nề mà trở nên duyên dáng hơn... Ai đó nói đầy ước ao rằng đi trên kênh mà cứ nghĩ chuyện "đi thuyền trên sông Seine ở Paris".

Tất nhiên, từ người đầu tư vào dự án đến người tham gia chuyến đi trải nghiệm này đều hiểu rằng để có được một sản phẩm du lịch trở thành thương hiệu của thành phố như "đi thuyền trên sông Seine ở Paris" thì dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn cần đầu tư lớn và thay đổi rất nhiều.

Đầu tiên là tuyến du lịch trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn quá ngắn so với chiều dài của con kênh, so với kỳ vọng về một sản phẩm du lịch sông nước. Điều thật đáng tiếc là nhiều cây cầu trên kênh xây với độ tĩnh không rất thấp vì lý do được đưa ra là... vướng giải tỏa và thiếu kinh phí, khiến thuyền bè không thể đi qua được, tour bị chặn lại giữa chừng. Vì vậy để có thể du lịch toàn tuyến - nhất là đoạn rạch Thị Nghè ra đến sông Sài Gòn rất đẹp và nhiều dấu tích lịch sử, thì phải cải tạo lại những cây cầu này một lần nữa, khá tốn kém và lâu dài.

Dọc hai bên bờ trồng nhiều cây hoa và thảm cỏ xanh nhưng thiếu điểm dừng chân kết nối với các điểm tham quan, đi dạo "phố đi bộ" để mua sắm, thưởng thức "sinh hoạt văn hóa cộng đồng" như ẩm thực và nghệ thuật đường phố, sinh hoạt tôn giáo tại các ngôi chùa, miếu, nhà thờ của cộng đồng dân cư... 

Để nhắc nhở về lịch sử đất nước, lịch sử thành phố, gần một số cây cầu đã có những bức tranh về một số sự kiện, nhân vật lịch sử, rất hữu ích cho tour du lịch dành cho học sinh, nhưng việc bố trí các bức tranh này chưa thật sự hợp lý, làm giảm hiệu quả của công trình.

Trên những bản đồ cổ của Sài Gòn - Bến Nghé, sông "Bình Trị" xưa - nay là rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng là con sông đóng vai trò quan trọng trong tưới tiêu, là tuyến giao thông xuyên suốt qua nhiều khu vực của thành phố như các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp... 

Vì vậy việc cải tạo dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã đạt được mục đích "môi trường xanh, sạch", Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã trở thành điểm nhấn về cảnh quan, môi trường nổi bật của TP.HCM, nhưng vai trò lưu thông của dòng kênh này còn chưa được sử dụng và khai thác đúng với tiềm năng của nó. Chỉ khi gắn kết giao thông với du lịch, du lịch với văn hóa cộng đồng thì mớt phát huy được nguồn lực tổng hợp để phát triển các dự án giao thông, du lịch và văn hóa. Từ đó mang lại lợi ích kinh tế cũng như nâng cao đời sống văn hóa của thành phố.

Báo Tuổi Trẻ vừa qua có cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn" tập hợp những sáng kiến và đóng góp của bạn đọc, tôi cũng được biết chính quyền thành phố đang có những kế hoạch để phát triển tiềm năng kinh tế - văn hóa của vùng đô thị sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Tôi mong rằng hệ thống kênh rạch ở TP.HCM cần được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ những giá trị và tiềm năng về nhiều mặt để có được sức sống mạnh mẽ và bản sắc văn hóa của nó. Nếu không, như chuyến đi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị ngắn giữa chừng, tiềm năng đô thị sông nước không được khai thác hết.

Muốn phát triển du lịch, đừng quên nhà vệ sinh thật sự... vệ sinh! Muốn phát triển du lịch, đừng quên nhà vệ sinh thật sự... vệ sinh!

TTO - Một trong những điều ám ảnh nhất với khách du lịch trong và ngoài nước là vấn đề nhà vệ sinh, cũng bởi tình trạng nhà vệ sinh tuềnh toàng, hoặc thậm chí không có là điều phổ biến ở nhiều điểm du lịch tại Việt Nam.

NGUYỄN THỊ HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên