22/11/2017 07:18 GMT+7

Tổng thư ký LHQ: làm lãnh đạo cần nghe tiếng nói của dân

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ngay sau khi Tổng thống Zimbabwe từ chức ở tuổi 93, nhiều chính trị gia đã lên tiếng. Tổng thư ký LHQ cho rằng sự kiện này cho thấy "các nhà lãnh đạo cần lắng nghe tiếng nói của người dân".

Tổng thư ký LHQ: làm lãnh đạo cần nghe tiếng nói của dân - Ảnh 1.

Người dân Zimbabwe vui mừng nhảy múa khi hay tin ông Robert Mugabe từ chức. Ảnh: Reuters.

Trước sự kiện này, chính phủ và các quan chức cấp cao một số tổ chức đã có nhiều bình luận, đa số tán thành và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử tự do, công bằng thể hiện mong muốn của người dân cho tương lai của Zimbabwe.

Alpha Conde, tổng thống Guinea và lãnh đạo Liên minh Châu Phi (AU) nói sự việc là một điều "đáng xấu hổ" khi ông Mugabe phải "ra đi bằng lối cửa hậu".

Tuy nhiên, ông bổ sung là mình "hài lòng" với quyết định từ chức của ông Mugabe và lưu ý rằng AU từng cảnh báo chống lại một cuộc đảo chính ở Zimbabwe. 

Nhắc lại vai trò của ông Mugabe trong cuộc chiến giành độc lập của Zimbabwe, ông Conde gọi Mugabe là "anh hùng châu Phi" trên truyền thông Guinea và khẳng định "Mugabe sẽ không bao giờ bị lãng quên, ông ấy là một chiến binh vĩ đại".

Còn ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký LHQ, kêu gọi người Zimbabwe "giữ bình tĩnh và kiềm chế" sau khi ông Mugabe từ chức.

Ông Farhan Haq - phát ngôn viên của TTK Guterres, phát biểu: "Tổng thư ký và những người tiền nhiệm của ông đã thể hiện quan điểm rõ rằng là chúng ta mong muốn các nhà lãnh đạo lắng nghe tiếng nói của người dân của họ. Đây là hòn đá tảng cho mọi mô hình chính phủ và cần phải được tuân thủ ở mọi châu lục cũng như  mọi quốc gia".

Tại Anh, Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh rằng sự rút lui của ông Mugabe "đã mở ra một con đường mới, thoát khỏi áp bức cho người dân Zimbabwe".

Bà nói thêm: "Trong những ngày gần đây, chúng ta đã chứng kiến nguyện vọng của người dân Zimbabwe về các cuộc bầu cử tự do và công bằng và cơ hội để tái thiết nền kinh tế của đất nước dưới một chính phủ hợp pháp".

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson viết trên Twitter rằng ông không thấy tiếc về sự sụp đổ của Mugabe và gọi việc từ chức "thời điểm của hy vọng cho người Zimbabwe".

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đăng tuyên bố chúc mừng nhân dân Zimbabwe. Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Zimbabwe có đoạn như sau: "Zimbabwe đang có một cơ hội lịch sử để khẳng định mình trên con đường mới. Mỹ kêu gọi kiên trì sự tôn trọng đối với pháp quyền và các nền tảng dân chủ đã được thiết lập".

Tuyên bố kết thúc với nội dung "con đường phía trước phải dẫn đến các cuộc bầu cử tự do, công bằng và toàn diện, trong đó người dân Zimbabwe được tự do hội họp trong hòa bình mà không bị can thiệp quá đáng khi mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình và được tự do lựa chọn người lãnh đạo của họ".

Trong hôm qua, trước thời điểm thông báo việc ông Mugabe từ chức, Tổng thống Botswana ông Ian Khamahad công khai hối thúc ông Mugabe rời bỏ quyền lực.

Trong một lá thư ngỏ gửi ông Mugabe trên các mạng xã hội, ông Khama viết "người dân Zimbabwe đã phải câm lặng chịu đựng rất nhiều đau khổ do hậu quả của vấn đề quản lý kém dưới sự lãnh đạo của ông (Mugabe)".

"Do đó, kết luận của là việc rời bỏ ghế tổng thống sẽ mở ra một chương mới về chính trị mở đường cho sự phục hồi kinh tế xã hội cần thiết ở Zimbabwe".

Tổng thư ký LHQ: làm lãnh đạo cần nghe tiếng nói của dân - Ảnh 2.

Người dân Zimbabwe sinh sống ở thành phố Johannesburg của Nam Phi đổ ra đường ăn mừng khi hay tin Mugabe từ chức - Ảnh: REUTERS

Chưa có bình luận trực tiếp nào từ phía chính phủ ở nước láng giềng Nam Phi, trung tâm kinh tế của khu vực.

Tuy nhiên, tờ Tania Page của Al Jazeera, đưa tin từ Johannesburg, cho biết chuyến đi dự kiến của Tổng thống Jacob Zuma tới Harare trong hôm nay (22-11) dự kiến sẽ diễn ra bình thường.

Tờ Page đưa tin ngay sau khi có tin ông Mugabe chính thức gửi thư từ chức cho Quốc hội Zimbabwe: "Chúng tôi hiểu rằng ông ấy vẫn sẽ thực hiện chuyến đi cùng với Tổng thống Angola Joao Lourenco, mặc dù các sự kiện đang diễn ra có thể thu hút nhiều sự quan tâm và làm mờ nhạt sự cần thiết của chuyến đi".

Liên minh Dân chủ, đảng đối lập chính của Nam Phi, gọi việc từ chức là "một chiến thắng cho người dân Zimbabwe, những người đã chịu đựng rất nhiều trong những năm cuối của dưới thời Mugabe".

Hakainde Hichilema - lãnh đạo phe đối lập ở Zambia, chúc mừng người dân Zimbabwe, nói rằng sự kiện đã gửi một thông điệp cho các nhà lãnh đạo châu Phi và khẳng định "đây là sức mạnh do dân, của dân và vì dân".

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên