01/12/2018 12:09 GMT+7

Tín hiệu mới từ Nam Vân Phong

ĐÀM LINH
ĐÀM LINH

Đề xuất thay thế dự án tổ hợp lọc hóa dầu bằng dự án trung tâm điện lực khí và kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) và Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đang mang lại một tín hiệu mới cho vùng Nam Vân Phong.

Tín hiệu mới từ Nam Vân Phong - Ảnh 1.

Cảng của Kho xăng dầu Ngoại quan Vân Phong là lợi thế cho dự án mới - ảnh: ĐÀM LINH

Dự án mới có diện tích khoảng 300ha (nằm hoàn toàn trong mặt bằng dự án đã xin dừng), được triển khai thành hai giai đoạn. Giai đoạn một, xây dựng hai nhà máy nhiệt điện tuabin khí có tổng công suất 3000MW và kho cảng LNG có sức chứa 180 ngàn mét khối. Giai đoạn hai, tiếp tục xây dựng hai nhà máy nhiệt điện tuabin khí với tổng công suất tương đương các nhà máy giai đoạn một.

Chuyển hướng

“Khu vực Nam Vân Phong có điều kiện tự nhiên rất tốt. Làm dự án điện khí ở đây sẽ vô cùng thuận lợi và góp phần tạo động lực phát triển cho vực này. Trong sản xuất điện, điện khí là loại hình rất ít gây ô nhiễm môi trường

Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex

Ông Phạm Văn Thanh, chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex, cho rằng tập đoàn rất tâm đắc với dự án cũ là Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, nên đã làm việc với nhiều đối tác nước ngoài để thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đáp ứng được 80% nhu cầu trong nước, nếu tiếp tục đầu tư lọc hóa dầu sẽ không hiệu quả. "Chúng tôi quyết định hợp tác với EVN để thực hiện dự án mới, mà nếu thực hiện sẽ rất thuận lợi bởi khu vực làm dự án trước đây đã giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, Kho xăng dầu Ngoại quan Vân Phong ở bên cạnh dự án cũng thuộc của tập đoàn, nên sẽ tận dụng được hệ thống kho cảng cho dự án mới. Khi dự án đi vào hoạt động nó sẽ tạo nên tổ hợp về điện, khí LNG, xăng dầu cho khu vực này"- ông Thanh nói.

Nguyễn Văn Sự, phó tổng giám đốc Petrolimex, nhận định nếu làm điện lực khí thì không đâu thuận lợi hơn Vân Phong. Bản thân lãnh đạo tập đoàn đã đi khảo sát tất cả các khu vực dọc bờ biển VN nhưng chỉ có Vân Phong mới hội đủ yếu tố để làm điện lực khí. "Bên cạnh yếu tố về địa lý, khu vực này nước sâu, cảng có thể tiếp nhận được tàu chở khí nặng 300 ngàn tấn. Đây sẽ là lợi thế không dễ các nơi khác có được"- ông Sự phân tích so sánh.

Trong khi đó, ông Võ Tấn Thái, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Khánh Hòa, cho rằng đây là một hướng đi mới và có hiệu quả hơn lọc hóa dầu. "Tình hình lọc hóa dầu đang khó khăn nên chuyển hướng sang làm điện khí và kho chứa LNG sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Đây sẽ là một trong những dự án trọng yếu của Nam Vân Phong"- ông Thái nhận định.

Cần làm nhanh

Tín hiệu mới từ Nam Vân Phong - Ảnh 3.

Dự án Trung tâm điện lực khí và Kho cảng LNG Vân Phong thay thế dự án lọc hóa dầu đã bị dừng lại sau nhiều năm, là cơ hội để khu vực Nam Vân Phong có cơ hội bứt phá tương xứng với tiềm năng vốn có. Ông Trần Sơn Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: "Dự án lọc hóa dầu tiến hành từ khi tôi còn là lãnh đạo ở Ninh Hòa, đến nay tròn 10 năm thì dừng lại. Trong khoảng thời gian đó, nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Việc triển khai dự án thay thế ở đây là rất cần thiết, cho nên tôi hoàn toàn nhất trí tiến hành dự án này". "Yêu cầu chủ đầu tư trước khi thực hiện dự án cần phải tính đầu ra sẽ như thế nào. Nếu quyết tâm thực hiện thì phải thực hiện ngay và có lộ trình rõ ràng" - ông Trần Sơn Hải thẳng thắn.

Ông Lê Đức Vinh, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh cơ bản đồng ý với các đề xuất và báo cáo mà Petrolimex và EVN đưa ra. "Qua báo cáo cho thấy, đây là dự án lớn, có tác động đến sự phát triển của khu vực Nam Vân Phong. Nhưng để có thể triển khai, chủ đầu tư cần phải mô tả chi tiết hơn về tính ưu việt của dự án. Các giai đoạn thực hiện phải vạch ra lộ trình, tránh trường hợp kéo dài ảnh hưởng đến đời sống người dân" - ông Vinh nói.

Từ lọc hóa dầu đến điện lực khí

- Năm 2008, Petrolimex và các đối tác đã đăng ký đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với số vốn 4,4 tỉ USD, công suất thiết kế 10 triệu tấn/năm (dự kiến khởi công năm 2011 và đi vào hoạt động cuối năm 2013)

- Năm 2014, Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược với Petrolimex, là cơ sở để hai bên liên doanh triển khai dự án trên.

- Năm 2016, JX đã chính thức thành đối tác chiến lược của Petrolimex với việc mua 8% cổ phần của tập đoàn.

- Năm 2018, Petrolimex bất ngờ xin rút dự án lọc hóa dầu, trình bày nguyện vọng được thay đổi hình thức đầu tư bằng Dự án Trung tâm điện lực khí và Kho cảng LNG Vân Phong, với sự tham gia đầu tư của EVN.


ĐÀM LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên