02/12/2020 11:48 GMT+7

Tăng trưởng 2020 có thể đạt 2,5%, 2021 phục hồi 7%?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Tập trung các giải pháp để khắc phục ảnh hưởng do thiên tai, thần tốc quyết liệt trong đẩy lùi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng 2020 có thể đạt 2,5%, 2021 phục hồi 7%? - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 - Ảnh: Chinhphu.vn

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vào sáng ngày 2-12, nhấn mạnh tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng" khi xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại TP.HCM.

Mở đầu phiên họp, các thành viên Chính phủ đã chúc mừng tới 3 thành viên mới là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Thần tốc truy vết, khoanh vùng ca nhiễm cộng đồng TP.HCM

Theo Thủ tướng, tháng 11 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng khi tổ chức thành công kỳ họp Quốc hội, tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan, ký kết Hiệp định RCEP.

Đồng thời tập trung công tác phòng chống khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung. Thủ tướng cũng đề cập đến trường hợp lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng ở TPHCM và cho biết hôm qua, Thường trực Chính phủ đã họp về vấn đề này, chỉ đạo "thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng".

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tham gia báo cáo, đóng góp ý kiến cho các vấn đề như khắc phục tình hình thiên tai, lũ lụt; ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội với tinh thần tiếp tục tháo gỡ hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, kể cả vấn đề đầu tư công và các mặt khác" để tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 12.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết 01, một nghị quyết quan trọng của năm 2021. "Khả năng sẽ vượt thu ngân sách, đạt mức tăng trưởng từ 2,5 - 3%", Thủ tướng nói triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá cao, có thể phục hồi tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong năm 2021.

Ngay sau đó, báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11-2020 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới.

Tăng trưởng 2020 có thể đạt 2,5%, 2021 phục hồi 7%? - Ảnh 2.

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 có thể đạt mức 2,4% theo IMF - Ảnh: Chinhphu.vn

Tăng trưởng có thể đạt 2-3%?

Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên sẽ ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao; thiên tai, bão lụt tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân; đã xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở TP.HCM.

Đề xuất 5 nhóm giải pháp trọng tâm

Để tiếp tục duy trì ổn định, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn về kinh tế-xã hội.

Trước hết tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế; có giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn. Thực hiện nghiêm phòng chống dịch, sẵn sàng nối lại hoạt động thương mại, đầu tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế, xây dựng lộ trình, cách thức phân phối vaccine để triển khai, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư.

Chủ động phòng chống các loại dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, đưa con giống, vật nuôi và các tư liệu sản xuất khác tới địa phương, khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt, để thực hiện tái sản xuất, bảo đảm đời sống của người dân và nguồn cung cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu khai thác tốt các Hiệp định FTA quan trọng, xây dựng kịch bản về chính sách thương mại trước sự thay đổi về chính trị của các quốc gia đối tác lớn. Các bộ, địa phương quán triệt thực hiện hiệu quả giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên