09/07/2021 09:23 GMT+7

"Tam sư" xứng đáng với thần may mắn

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Thầy trò Gareth Southgate cuối cùng cũng làm được điều mà bao thế hệ ngôi sao bóng đá Anh chưa từng làm được: đưa "tam sư" vào trận chung kết Euro.

Tam sư xứng đáng với thần may mắn - Ảnh 1.

Các cầu thủ Anh ăn mừng sau trận bán kết - Ảnh: AFP

Nhưng kỳ tích đó lại ít nhiều bị lu mờ bởi những tranh cãi về việc tuyển Anh được hưởng quá nhiều may mắn ở VCK Euro 2020.

Hành trình "xấu xí"

Chỉ riêng bàn thắng ấn định tỉ số của Harry Kane trong trận bán kết với Đan Mạch đã có đến 3 yếu tố gây tranh cãi. Trước nhất là quyết định thổi phạt đền của trọng tài Danny Makkelie. Dù không có được góc nhìn thuận lợi nhất khi Sterling ngã xuống trong vòng vây khá đông các cầu thủ Đan Mạch, nhưng ông cũng không yêu cầu xem lại VAR để đưa ra quyết định sau cùng.

Sau trận đấu, cựu trọng tài nổi tiếng Mark Clattenburg cùng HLV Arsene Wenger đều lên tiếng cho rằng quyết định thổi phạt đền là không chính xác. Nên nhớ Clattenburg là người Anh, còn HLV Wenger cũng gắn bó hầu hết sự nghiệp với bóng đá Anh. Tiếng nói của họ vì vậy khá công tâm. Ngay những cựu danh thủ Anh như Ian Wright, Gary Neville cũng đồng tình với nhận định này.

Yếu tố gây tranh cãi thứ hai là một chi tiết rất hi hữu. Khi Sterling cầm bóng đột phá vào vòng cấm địa, trên sân đột ngột xuất hiện một quả bóng thứ hai, nằm cách phạm vi di chuyển của Sterling khoảng 2m. Thông thường khi có vật thể bên ngoài tác động trực tiếp đến diễn biến trận đấu, trọng tài sẽ cho tạm ngừng, và tình huống phạt đền sau đó có thể không được tính đến. Nhưng trọng tài Makkelie cho rằng quả bóng thứ hai này không tác động trực tiếp đến pha bóng.

Yếu tố thứ ba là một hành động thiếu fair-play rõ rệt của các CĐV Anh: chiếu đèn laser vào mặt thủ thành Kasper Schmeichel. Điều này phần nào khiến anh không thể ôm gọn trái bóng sau cú sút phạt đền của Kane dẫn đến việc bị đá bồi.

Với 3 yếu tố gây tranh cãi này, dễ hiểu vì sao tuyển Anh bị mỉa mai là "quá rùa" trên hành trình vào đến chung kết. Họ rơi vào nhánh đấu khá dễ thở, có lợi thế sân nhà 5/6 trận đã đấu (và sắp tới sẽ là trận chung kết), hưởng không ít quyết định có lợi từ trọng tài, và thắng nhờ lối chơi nặng về phòng ngự.

Dũng cảm với quyền tự quyết

Tuyển Anh chơi không mấy ấn tượng, đó là sự thật. Nhưng người hâm mộ cũng ngày càng quen với một sự thật: những đội bóng chơi nặng nề toan tính ngày càng dễ vô địch các giải đấu cấp độ quốc gia. 5 năm trước, Bồ Đào Nha cũng vô địch Euro theo cách gần giống vậy (trừ lợi thế sân nhà).

Thậm chí, tuyển Anh hiện tại vẫn xuất sắc hơn nhiều so với Bồ Đào Nha ở Euro 2016. Đầu tiên, họ chơi đủ hay để chọn được nhánh đấu cho mình. Trước vòng đấu cuối cùng giai đoạn vòng bảng, nhiều người lo ngại tuyển Anh sẽ "buông" để đứng nhì bảng, tránh việc phải chạm trán một đối thủ mạnh từ bảng F ở vòng 16 đội. Ngược lại, Anh hiên ngang vào vòng sau bằng ngôi đầu, sẵn sàng đối mặt đối thủ đã ám ảnh họ suốt 3 thập niên qua là Đức. Con đường dễ dàng mà "tam sư" có được nhờ vào chính sự nỗ lực của họ.

Kế đến là dũng khí thay đổi truyền thống của "tam sư" của HLV Gareth Southgate. Truyền thống đầu tiên là việc chọn siêu sao vào đội hình đá chính. So về tên tuổi, Bukayo Saka không thể sánh với Jadon Sancho, Jack Grealish hay Marcus Rashford, nhưng anh đã được chọn đá chính trận bán kết. Và đóng góp của Saka rất rõ ràng với đường căng ngang buộc Simon Kjaer (Đan Mạch) phải đá phản lưới nhà. Lựa chọn Kalvin Phillips cho vị trí tiền vệ trung tâm cũng tương tự.

Cú sút phạt tuyệt đẹp của Damsgaard đã chấm dứt chuỗi 5 trận không thủng lưới của tuyển Anh ở Euro 2020. Nhưng vì đó là một tuyệt phẩm đá phạt, hệ thống phòng ngự mà Southgate xây dựng xem như vẫn ở trạng thái bất bại. Southgate rõ ràng đã khổ công không ít để gò các ngôi sao có thiên hướng tấn công của mình vào khuôn phép. Nỗ lực đó tương tự với việc HLV Deschamps buộc Pogba phải chơi phòng ngự ở World Cup 2018.

Pha rọi đèn laser vào mặt Kasper Schmeichel là một vết nhơ trong hành trình làm nên lịch sử của tuyển Anh. Nhưng những gì mà tuyển Anh thể hiện cho thấy họ xứng đáng được thần may mắn mỉm cười.

Giải đấu đáng nhớ của thủ môn Schmeichel

Không thể lặp lại kỳ tích của người cha Peter huyền thoại, nhưng những gì thủ thành Kasper Schmeichel làm được ở VCK Euro 2020 xứng đáng được người dân Đan Mạch khắc ghi. Đan Mạch bại trận trước tuyển Anh nhưng Schmeichel được Whoscored chấm điểm cao nhất trận với điểm số 9,1 - áp đảo những cầu thủ ghi bàn như Damsgaard (7,6) hay Kane (7,5).

Đáng nói là ở trận đầu tiên, Schmeichel đã mắc sai lầm khiến Đan Mạch thua Phần Lan 0-1. Nhưng rồi anh chơi tốt hơn từng ngày và trở thành thủ môn có số lượng pha cản phá cao thứ 3 (17 lần) sau Sommer của Thụy Sĩ và Cakir của Thổ Nhĩ Kỳ.

'Quả phạt đền cho đội tuyển Anh là trò hề'

TTO - Tuyển Anh đã vượt qua Đan Mạch 2-1 để góp mặt ở chung kết Euro 2020, nhờ quả phạt đền gây tranh cãi phút 103. Trên mạng xã hội Twitter, Facebook và Instagram, nhiều người hâm mộ thế giới chỉ trích: 'quả phạt đền cho tuyển Anh là trò hề'.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Anh euro