09/03/2014 11:49 GMT+7

Robinson trên cồn Ông Lễ

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TT - Để lại một chân trên chiến trường Campuchia, ông Lê Văn Nhánh (59 tuổi, thương binh hạng 3/4) như trái bần trôi dạt hết nơi này đến nơi khác rồi cuối cùng neo lại cồn Ông Lễ 20 năm nay để giữ và trồng rừng.

LOiZKnkJ.jpg
Ông Lê Văn Nhánh giữ rừng trên cồn Ông Lễ - Ảnh: Ngọc Tài

Cồn Ông Lễ vốn dĩ là cồn heo hút nhất ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre) với địa hình cách trở. Diện tích cồn chỉ khoảng 60ha. Cồn còn có một cái tên khác là cồn Tấp, ám chỉ những cư dân đặt chân đến đây đều trôi dạt từ nhiều nơi khác.

Năm 1990, sau khi trở về từ chiến trường Campuchia, ông Tám Nhánh hết hụp lặn ở huyện Ba Tri với nghề giăng câu, giăng lưới rồi lại tất tả bơi sang cồn Ông Lễ vì nghe bạn ghe khen cồn này lắm cá tôm. Ông chuyển hẳn sang nghề đóng đáy ở đầu cồn và dựng tạm cái chòi che nắng trú mưa.

Thấy ông Tám Nhánh “nặng vía”, sống ở nơi rừng rú chẳng hề hấn gì nên giám đốc Nông trường Giao Điền đã đặt hàng ông Nhánh trồng rừng kiêm luôn trách nhiệm canh giữ rừng ở cồn này.

Những hàng phi lao do một tay ông Tám Nhánh trồng cách nay 20 năm đã cao vút, thẳng tắp. Lúc đầu trồng phi lao chủ yếu để bảo vệ vạt đất nằm cạnh biển nhưng không ai ngờ chính nơi quanh năm bị nước biển nhấn chìm lại cho ra giống phi lao chất lượng. Sau đó cồn Ông Lễ trở thành “trại cây giống” chuyên cung cấp phi lao cho cả cồn Thạnh Hải và Thạnh Phong.

Ông Tám Nhánh chỉ tay về cánh rừng phi lao bảo đó là thành quả mà ông tự hào nhất. Vì ông hiểu rằng chính những hàng phi lao đã ngăn chặn nạn cát bay, cồn lở và bảo vệ những đồng ruộng xanh mướt phía trong. Từng tiếp nhiều đoàn thị sát về tình hình biến đổi khí hậu trong nước cũng như quốc tế, ông Tám Nhánh bắt đầu hình dung được thế nào về biến đổi khí hậu. Chính những kiến thức đó đã giúp ông giải thích được những hiện tượng bất thường như mực nước năm sau dâng cao hơn năm trước, hàng bần ở đầu cồn bị đánh bật gốc ngày càng nhiều hơn. Những điều đáng ngại đó càng thôi thúc ông giữ rừng dù cách đây ba năm những đồng lương khoán giữ rừng đã bị cắt. “Nếu tui nói sẽ gắn bó cả đời với rừng thì chỉ là nói dóc, nhưng tui chắc như đinh đóng cột là ngày nào còn ở rừng, còn sống thì ngày đó tui còn giữ rừng” - ông Nhánh nói.

Từ lâu, ông Tám Nhánh đã được người dân Bến Tre đặt cho biệt danh “Robinson” trên cồn Ông Lễ. Theo lý giải của người dân ở đây, công việc giữ rừng không chỉ nhọc nhằn và đơn độc mà phải sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, vượt lên mọi thiếu thốn thì có khác nào lão Robinson ngoài đảo hoang.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên