08/07/2019 08:26 GMT+7

Quốc gia đáng sống

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Thông tin Việt Nam lọt top 10 quốc gia đáng sống dành cho người làm việc ở nước ngoài (expat) là rất vui và tích cực. Cũng thật thú vị khi chúng ta được 'chung mâm' với các quốc gia phát triển như Thụy Sĩ, Singapore, Úc, New Zealand, Canada.

Đầu tiên phải khẳng định đây là một khảo sát thường niên khá uy tín của Ngân hàng HSBC.

Năm nay, khảo sát thu thập dữ liệu của 18.059 người làm việc ở nước ngoài ở 163 nơi. Nó có 3 thước đo chính: sinh sống, cơ hội nghề nghiệp và cuộc sống gia đình. Theo ba tiêu chí này, Việt Nam lần lượt đứng thứ 12, 3 và 20.

Những người nước ngoài được khảo sát cho biết Việt Nam mang lại cho họ cảm giác hài lòng trong cuộc sống, dễ dàng hòa nhập, kinh tế ổn định và cân bằng cuộc sống/công việc tốt hơn 157 địa điểm khác. Tuy vậy, các tiêu chí của khảo sát dường như tập trung vào "hưởng thụ cuộc sống" hơn là "chất lượng cuộc sống".

Khi nói đến expat ở các nước phát triển với chi phí sống đắt đỏ, phần lớn thường nghĩ ngay đến những người giàu có, có nền tảng giáo dục cao như các chuyên gia, nhân sự cấp cao của các tổ chức, tập đoàn quốc tế, công ty đa quốc gia, nhà ngoại giao các nước. 

Trong khi đó, ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam với nhu cầu học tiếng Anh cao, Tây balô đến từ các nước Anh, Mỹ cũng được gọi là expat.

Tôi có biết một số người trẻ Mỹ. Họ tốt nghiệp đại học nhưng không kiếm được việc làm. Họ sang Việt Nam để dạy tiếng Anh vừa kiếm tiền vừa trải nghiệm một nền văn hóa mới. Những bạn trẻ này chỉ cần bỏ vài tháng để lấy một chứng chỉ hành nghề và sau đó dễ dàng tìm được công việc vài nghìn đô mỗi tháng ở các trung tâm dạy tiếng Anh, mức thu nhập khá cao so với chi phí sống ở Việt Nam. 

Với thu nhập này, họ sống trong những nơi tiện nghi, mua bảo hiểm cá nhân, đi du lịch, thưởng thức ẩm thực và hưởng thụ cuộc sống.

Cũng không quá ngạc nhiên khi nhiều người đánh giá cao Việt Nam ở tiêu chí cân bằng cuộc sống và công việc. Tôi cũng xin kể một câu chuyện cụ thể của một người bạn Hàn Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Seoul, cô này đi làm nhân viên cho một công ty lớn. Mỗi ngày cô thức dậy lúc 6h30 sáng, sau đó chen chúc trên metro đến công sở, nghỉ trưa 30 phút và tiếp tục công việc đến chiều tối. Cứ lặp đi lặp lại như một guồng máy khiến cô mệt mỏi.

Nhưng khi sang Việt Nam làm việc, cô cảm thấy yêu đời hơn, có nhiều thời gian đi du lịch, tán gẫu với bạn bè. Có một nhận xét của cô khiến tôi không biết nên buồn hay vui là: "Sao tôi thấy nhiều bạn trẻ ở Việt Nam thường xuyên ngồi quán cà phê hay quán bia. Họ đúng là biết cách cân bằng cuộc sống và công việc".

Kể hai câu chuyện trên để khẳng định một thực tế rằng Việt Nam thực sự là "thiên đường" đối với những người nước ngoài với chi phí sống rẻ, người dân thân thiện, hiếu khách.

Nhưng "danh hiệu" quốc gia đáng sống không nên chỉ dành cho người nước ngoài mà còn phải dành cho người Việt Nam.

Để xây dựng một quốc gia đáng sống cho người Việt, bên cạnh việc cải thiện chất lượng cuộc sống ở các tiêu chí chính: giáo dục, chăm sóc sức khỏe và môi trường, Chính phủ cũng cần phải tìm cách nâng cao năng lực cho người Việt, mang lại thu nhập tốt hơn như chính nhiều người Việt ví von: "Có nhiều tiền thì sống ở Việt Nam là sướng nhất".

Nếu xây dựng được chất lượng cuộc sống tốt, không chỉ giúp cho người dân trong nước hạnh phúc và thịnh vượng mà còn giữ chân được những vị khách nước ngoài ở lâu hơn.

Việt Nam vào top 10 quốc gia đáng sống với người nước ngoài, vì sao? Việt Nam vào top 10 quốc gia đáng sống với người nước ngoài, vì sao?

TTO - Tăng đến 8 bậc so với năm ngoái, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 10 quốc gia tốt nhất cho những người nước ngoài sống và làm việc, theo báo cáo HSBC Expat 2019 vừa được HSBC công bố. Điều gì giúp VN hấp dẫn trong mắt người nước ngoài?

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên