11/07/2008 15:29 GMT+7

Quai bị: không phải tất cả đều viêm, teo tinh hoàn

Bác sĩ CKI PHẠM NAM VIỆT
Bác sĩ CKI PHẠM NAM VIỆT

TTO - * Bạn trai của em bắt đầu sưng một bên má dưới mang tai ngày 2-7, sốt nhẹ tối 3-7 và cũng sưng một bên tai, chỗ sưng lớn hơn ngày trước. Ngày 4-7, bạn em mới nhập viện đến nay vì không biết đó là bệnh quai bị.

Bạn em ăn uống hơi khó khăn khoảng bốn ngày đầu, sau đó hết đau chỉ còn sưng nhẹ, chỗ bị sưng hơi đỏ và cứng. Bệnh viện chỉ cho bạn em uống các loại thuốc hạ sốt, thuốc ngủ mà không uống thuốc đặc trị vì bác sĩ nói bạn em bị bệnh bao tử nên không được uống thuốc đặc trị.

Bạn em đọc trên mạng thấy bệnh này có biến chứng nguy hiểm về sinh sản nên rất sợ, lo nghĩ lung tung. Làm thế nào để theo dõi về biến chứng viêm tinh hoàn? Với trường hợp của bạn em thì bệnh ở giai đoạn nhẹ hay nặng, có ảnh hưởng đến khả năng có con không? Đến hôm nay bạn em vẫn còn sưng nhẹ một bên má dưới mang tai.

(Bạn đọc)

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Chào bạn,

Sưng đau vùng má dưới mang tai kèm sốt có thể là biểu hiện của bệnh quai bị, nhưng cũng có thể do những nguyên nhân khác như viêm hạch dưới hàm, viêm mủ chân răng... Vì vậy trước khi kết luận là quai bị, bệnh nhân cần được bác sĩ khám kỹ lưỡng.

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi gây ra. Bệnh lây chủ yếu qua nước bọt khi nói chuyện, ho, hắt hơi… Bệnh đặc trưng bởi sưng đau tuyến nước bọt chủ yếu là tuyến mang tai, một bên hoặc hai bên, đôi khi có biến chứng viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tụy và một số cơ quan khác. Nếu không có biến chứng, bệnh tự hồi phục sau 7-10 ngày.

Ở nam giới, cứ 10 người bị quai bị thì 2-3 người bị viêm tinh hoàn, thường gặp ở thanh thiếu niên đã dậy thì, hiếm gặp ở người chưa dậy thì hay trên 50 tuổi. Viêm tinh hoàn xuất hiện 7-10 ngày sau viêm tuyến mang tai (có thể xảy ra cùng lúc), đa số bị viêm tinh hoàn một bên, một số trường hợp bị viêm tinh hoàn hai bên (khoảng 15%). Khi bị viêm, tinh hoàn đau và sưng to thường kèm sốt.

Một phần ba số bệnh nhân bị viêm tinh hoàn sẽ bị teo tinh hoàn 2-6 tháng sau đó. Như vậy, sau khi bị quai bị, chỉ một số bệnh nhân bị viêm tinh hoàn, một số ít bệnh nhân bị teo tinh hoàn và một số rất ít bị teo tinh hoàn cả hai bên.

Chỉ những trường hợp bị teo luôn cả hai tinh hoàn mới dẫn tới vô sinh. Vì vậy những trường hợp quai bị có viêm tinh hoàn hai bên, để duy trì khả năng sinh sản (dành cho những thanh niên chưa lập gia đình hoặc chưa có con) có thể đến các trung tâm điều trị vô sinh xin trữ lạnh tinh trùng khi chất lượng và số lượng tinh trùng chưa bị giảm nhiều.

Ngoài việc chủng ngừa cho người chưa mắc bệnh, không có thuốc đặc trị cho người đang mắc bệnh cũng như không có thuốc ngăn chặn tinh hoàn đừng bị viêm hay đã bị viêm đừng bị teo. Các thuốc dùng chỉ để điều trị triệu chứng như là chống viêm phù nề, giảm đau, hạ sốt.

Nên tránh đứng gần, nói chuyện trực tiếp với người đang bị quai bị để tránh bị lây. Người đang bị quai bị nên mang khẩu trang, nằm nghỉ ngơi tránh đi lại vận động nhiều.

Tốt hơn hết là chủng ngừa quai bị, nhất là ở nam giới dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch chống quai bị. Những người đã bị quai bị một lần rồi sẽ có miễn dịch suốt đời.

Trường hợp bạn trai của bạn ngoài việc nghỉ ngơi hạn chế vận động, cần theo dõi có sưng đau ở tinh hoàn không. Nếu sau 10 ngày mà không có triệu chứng gì thì hi vọng sẽ không sao.

Thân mến.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe vui lòng gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

Bác sĩ CKI PHẠM NAM VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên