15/09/2019 14:40 GMT+7

Phạt ông Tây đi ẩu: xui mà!

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Việc TP.HCM mở chiến dịch cao điểm xử phạt người nước ngoài vi phạm Luật giao thông và ý kiến cho rằng người nước ngoài vi phạm vì "bắt chước người Việt" quả thật gợi lên nhiều suy nghĩ về vai trò của luật pháp.

Phía chính quyền TP cho rằng con số khoảng 500 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài (có trường hợp chết người) mỗi năm là đáng báo động, làm ảnh hưởng đến hình ảnh TP.HCM và Việt Nam trên toàn thế giới. 

Do đó, TP đã mở đợt cao điểm tuyên truyền, xử lý người nước ngoài vi phạm Luật giao thông từ ngày 1-8 đến 31-10 (Tuổi Trẻ Online ngày 6-9).

Thông tin trên lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM, đa số cho rằng họ bị "phân biệt đối xử" như ý kiến của một phụ nữ nước ngoài tên C.V. trong nhóm Expats in Ho Chi Minh City (Saigon) trên Facebook: "Chính quyền nên giáo dục người bản xứ về Luật giao thông trước khi giáo dục người nước ngoài".

Thực tế nhiều người nước ngoài ở Việt Nam có tâm lý đến nơi nào sinh sống phải "nhập gia tùy tục" giống như câu ngạn ngữ phương Tây "When in Rome, do as the Romans do".

Nhưng có nên phát huy "nhập gia tùy tục" kiểu này? Khi được hỏi đã quen với tình hình giao thông ở Việt Nam, anh bạn B.A. (người Mỹ), giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, trả lời: "Sau nhiều năm ở Việt Nam, giờ việc chạy xe trên vỉa hè là bình thường vì nhiều người Việt cũng làm như vậy và không hề bị phạt".

Thậm chí có một số hãng lữ hành còn mở tour cho du khách nước ngoài trải nghiệm giao thông ở Việt Nam. Điều đó cho thấy giao thông lộn xộn ở nhiều đô thị của Việt Nam là một thứ "đặc sản" trong mắt nhiều người nước ngoài.

Nhưng hậu "đặc sản" lại chẳng hay ho gì! Theo một báo cáo được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường với tỉ lệ 26,1/100.000 người/ngày, chỉ sau Thái Lan (32,6/100.000 người/ngày).

Chính "đặc sản" giao thông lộn xộn và con số tử vong hơn 26 người/ngày mới thực sự làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam hơn là con số 500 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài mỗi năm.

Tại sao một số người nước ngoài từ các nước phát triển đi đứng tuân thủ luật nhưng khi đến Việt Nam lại phạm luật, và ngược lại, hầu hết người Việt thường đi lại như chỗ không người nhưng khi ra nước ngoài lại tự giác tuân thủ luật giao thông nước sở tại?

Câu trả lời mà ai cũng biết, đó là phải thực thi Luật giao thông thật nghiêm túc và những biện pháp chế tài mang tính răn đe cao ở mọi lúc, mọi nơi (không chỉ là những đợt cao điểm) bởi vì luật pháp là công cụ để "điều chỉnh hành vi" và bảo đảm sự công bằng cho tất cả mọi người.

Thật ra, người nước ngoài không muốn vi phạm luật mà họ phải làm theo người Việt để có thể đi đến nơi về đến chốn. Ta không nghiêm, khách mới làm càn. Giả sử, rất nhiều người Việt chấp hành nghiêm túc Luật giao thông, tuân thủ những quy tắc nhường đường, chuyển làn... "đố" người nước ngoài nào dám "phóng nhanh, vượt ẩu". 

Đố vậy thôi chứ chưa biết khi nào mọi người ra đường mới tuân thủ những quy tắc giao thông. Bởi thế phạt nghiêm mấy ông Tây vi phạm giao thông cũng cần thiết, nhưng rồi một ngày nào đó họ cũng thốt lên như những người Việt bị phạt: xui mà!

Tạm giữ 10 người trong vụ chém nhau náo loạn phố Tây Bùi Viện Tạm giữ 10 người trong vụ chém nhau náo loạn phố Tây Bùi Viện

TTO - Liên quan đến video clip xô xát có hung khí ở phố Tây Bùi Viện xuất hiện trên mạng xã hội, Công an quận 1, TP.HCM đã tạm giữ 10 người để điều tra.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên