29/11/2014 13:31 GMT+7

​Nhà trường được chọn sách giáo khoa

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 (ngày 28-11), Quốc hội đã thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông với đa số phiếu tán thành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII - Ảnh: TTXVN

Theo đó, Quốc hội quyết định xã hội hóa công tác biên soạn sách giáo khoa, trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho thầy cô và học sinh.

Công bằng trong biên soạn sách

Nghị quyết nêu rõ: “Bộ Giáo dục - đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - đào tạo”.

Nghị quyết cũng quy định cụ thể giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).

Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh.

Nghị quyết khẳng định chủ trương “thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Bộ Giáo dục - đào tạo chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc;

UBND tỉnh và TP trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường”.

Từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại Quốc hội sáng 28-11 - Ảnh: H.Nam

Quy định rõ về cấp phó, chức danh “hàm”

Với số phiếu tán thành cao, Quốc hội thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, Quốc hội yêu cầu “khẩn trương rà soát tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, sớm xây dựng và triển khai đề án đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó, chức danh “hàm”...”.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo “phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án mở rộng quốc lộ 1 vào cuối năm 2015 đảm bảo chất lượng; tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện đề án xây dựng cầu treo dân sinh, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai thi công đường tuần tra biên giới bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện vận tải, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5-10%”.

Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Trong diễn văn bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Kỳ họp thứ 8 đã thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước”.

5 năm lấy phiếu một lần với ba mức tín nhiệm

Đó là quyết định cuối cùng của Quốc hội bằng việc thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

“Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” - nghị quyết nêu rõ.

Như vậy, đề nghị chỉ nên có hai mức là “tín nhiệm”, “không tín nhiệm” của một số đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận công khai trước đó đã không được chấp thuận. Tất cả ý kiến khác với dự thảo đều bị Ủy ban Thường vụ bác bỏ và “xin Quốc hội chấp thuận cho giữ quy định về vấn đề này như đã thể hiện trong dự thảo nghị quyết”.

LÊ KIÊN

Thông qua nghị quyết phê chuẩn công ước về chống tra tấn

Sáng 28-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Nghị quyết này khẳng định VN xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của công ước của Liên Hiệp Quốc.

Nghị quyết giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi nghị quyết được thông qua cho biết việc phê chuẩn công ước là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại VN.

V.V.T.

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên