03/04/2012 06:35 GMT+7

Người nghèo lãnh đủ

V.MINH - V.HÙNG
V.MINH - V.HÙNG

TT - Mong thoát nghèo từ việc đi xuất khẩu lao động, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi vay tiền, rời quê hương, bỏ công sức đi lao động xuất khẩu mong đổi đời. Thế nhưng, họ đã ôm hận khi bị trả về nước, nợ đầm đìa.

Anh Hồ Văn Tìm (23 tuổi), xã Trà Phong, huyện Tây Trà, bị một nhà máy ở Malaysia thanh lý hợp đồng, về lại nước với lý do “tự ý nghỉ làm nhiều ngày không xin phép” sau vài tháng. Tìm nghỉ làm do bị đau dạ dày, không thể đến nhà máy xin phép nghỉ. Tìm bị đau dạ dày từ trước khi sang Malaysia nhưng khi khám sức khỏe trước khi đi, do Công ty CHAUSANCO (chi nhánh TP.HCM) đưa đi khám thì “sức khỏe tốt”. Tìm kể họ chỉ khám qua loa, hỏi han vài điều rồi bắt ký giấy. Giờ số nợ vay từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi 25 triệu đồng lo thủ tục đi xuất khẩu lao động vẫn chưa trả được. Tìm đang phải làm thuê hằng ngày để mưu sinh.

Trường hợp của chị H.T.U., xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà, cũng vậy. Ngày 11-10-2011, H.T.U. xuất cảnh sang Malaysia và vào làm việc tại Nhà máy CREATIVE BLIIS SDN.BHD cũng do CHAUSANCO đưa đi. Đúng 16 ngày sau khi xuất ngoại, chị U. bị trả về nước với lý do... có thai. Chị U. cũng vay của ngân hàng 25 triệu đồng đi xuất khẩu lao động và giờ số tiền đó thành cục nợ. Chị U. kể: “Mang thai mấy tháng nhưng khi đi khám sức khỏe, bác sĩ cũng chẳng phát hiện và không hỏi han, khám vài mươi phút rồi ra ký giấy đạt yêu cầu về sức khỏe để được đi. Nếu họ hỏi, phát hiện sớm để không đi thì giờ đây tôi không phải nợ tiền của Nhà nước...”.

Ở huyện Tây Trà còn thêm sáu trường hợp do lọt dễ dàng qua khâu khám sức khỏe ban đầu nên khi qua nước bạn, khám sức khỏe trở lại thì không đủ điều kiện, về nước sớm. Ông Đỗ Minh Lâm, phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà, kiến nghị: “Các công ty xuất khẩu lao động và cơ sở y tế phải siết chặt lại việc khám sức khỏe, chứ làm như thế này thì không chỉ người dân mất niềm tin vào chủ trương lớn của Nhà nước mà còn nợ nần đầm đìa”.

Tại Quảng Ngãi, hơn hai năm nay đã có 109 trường hợp lao động phải về nước trước thời hạn, phần lớn là lọt qua khâu khám sức khỏe dễ dãi của cơ quan y tế. Thống kê của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Ngãi, số lao động vay vốn để xuất khẩu lao động đã về nước trước thời hạn còn nợ hơn 2,24 tỉ đồng. Câu chuyện không mới này nếu không thắt chặt sẽ tổn hại lợi ích của người lao động, Nhà nước khó thu hồi nợ và chủ trương xuất khẩu lao động khó có hiệu quả. Trên nhất là các doanh nghiệp ngoài nước mất niềm tin về lao động VN.

V.MINH - V.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên