07/08/2014 06:27 GMT+7

Mỹ đặt chiến lược lâu dài ở châu Phi

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ tăng cường nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài lâu ở châu Phi.

Cam kết này thách thức vai trò dẫn đầu của Trung Quốc và châu Âu trong nền kinh tế đang nổi lên ở châu lục này.

WghRHAC9.jpgPhóng to
Lãnh đạo của Coca-Cola Muhtar Kent (trái) hào hứng ôm đối tác đến từ châu Phi tại diễn đàn tổ chức ở Washington Ảnh: Reuters

Tại Diễn đàn kinh doanh Mỹ - Phi diễn ra ở Washington từ ngày 5-8 (giờ Mỹ), các công ty Mỹ, châu Phi và Ngân hàng Thế giới đã cam kết các khoản đầu tư mới trong các dự án xây dựng, năng lượng và công nghệ thông tin ở châu lục này. Cùng với các dự án là những liên doanh mới giữa các đối tác Mỹ và châu Phi.

Reuters trích lời ông Obama phát biểu tại hội nghị: “Mỹ được xác định là một đối tác trong sự thành công của châu Phi. Đó là một đối tác tốt, một đối tác bình đẳng và một đối tác dài lâu”. Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi giới chức châu Phi tạo điều kiện để hỗ trợ đầu tư nước ngoài và tăng trưởng.

Tăng cường ảnh hưởng

Washington thúc đẩy đầu tư vào châu Phi được đánh giá là để đối trọng với Trung Quốc và châu Âu vốn đang chạy đua giành giật lợi ích từ sự nổi lên của kinh tế châu lục này. Mặc dù không đề cập đến Trung Quốc, nhưng dường như ông Obama muốn nói rõ cách tiếp cận của Washington không giống Bắc Kinh: “Chúng tôi không muốn bòn rút khoáng sản từ lòng đất để phục vụ tăng trưởng trong nước”.

"Vào năm 2050, cứ bốn người trẻ thì có một người châu Phi. Đó là một nguồn lực khổng lồ nhưng cũng là một nguy cơ khổng lồ. Nếu những người trẻ đó không được tạo điều kiện làm việc thì sẽ gây ra những sự cố khủng khiếp"

Chuyên gia về châu Phi PETER PHAM (giám đốc chương trình châu Phi của Hội đồng Atlantic)

Theo New York Times, Washington đang rất hào hứng trong việc thuyết phục châu Phi rằng hệ thống tư bản của Mỹ có thể đem lại những ưu điểm hơn Trung Quốc.

Tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice từng nói ý tương tự như của ông Obama: “Chúng tôi không coi châu Phi là đường ống chiết xuất tài nguyên hay cái phễu rót viện trợ”.

Bà miêu tả viễn cảnh rộng lớn hơn, trong đó Mỹ cam kết trở thành đối tác đem lại công ăn việc làm, giải quyết tranh chấp và phát triển con người để xây dựng một tương lai tốt hơn.

New York Times cũng bình luận hội nghị Mỹ - Phi lần này là sáng kiến của ông Obama nhằm đẩy lùi những quốc gia khác đang làm ăn tại châu Phi, đặc biệt là Trung Quốc.

Bắc Kinh đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi và sử dụng châu lục này như một nguồn tài nguyên dầu lửa và kim loại sống còn của Trung Quốc.

Trong hơn một thập kỷ qua, như AFP cho biết, Trung Quốc đã trở thành đối tác hàng đầu của châu Phi với giá trị thương mại hơn gấp đôi của Mỹ với châu lục này.

Tiếp cận khéo léo

Phát biểu trước các lãnh đạo châu Phi, tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ nói: “Tôi đang đứng trước các ngài với tư cách là tổng thống Mỹ và là một người Mỹ đáng tự hào. Tôi cũng đứng trước các ngài với tư cách là con trai của một người đàn ông đến từ châu Phi. Dòng máu châu Phi chảy trong gia đình tôi”.

Bên cạnh việc kêu gọi các lãnh đạo châu Phi không để tham nhũng và xung đột vũ trang làm ảnh hưởng đến sự phát triển, ông Obama cũng tuyên bố: “Chúng tôi nhìn nhận châu Phi với những nguồn lực to lớn, đó là con người, những tài năng và tiềm năng của họ”.

Ông công bố khoản đầu tư mới trị giá 33 tỉ USD từ khối tư nhân và các cơ quan chính phủ. Theo AFP, số tiền này bao gồm một khoản đầu tư mới 12 tỉ USD cho ngành điện vốn rất quan trọng đối với châu Phi, 14 tỉ USD các thỏa thuận kinh tế và 7 tỉ USD khoản vay để hỗ trợ xuất khẩu của Mỹ sang châu Phi.

Các lãnh đạo châu Phi nói họ lạc quan đối với việc trở thành đối tác toàn diện trong một mối quan hệ trị giá tới 85 tỉ USD thương mại một năm. Giới doanh nhân Mỹ để mắt tới những cơ hội trong khu vực này, nơi có tới sáu trong tổng số mười nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete nói châu Phi muốn rời bỏ hình ảnh về một mối quan hệ “cho viện trợ và nhận viện trợ” để chuyển sang hình ảnh đầu tư và thương mại. Hội nghị lần này có sự tham gia của 50 nhà lãnh đạo châu Phi cùng 90 công ty Mỹ, trong đó có cả Chevron, Citigroup, Ford Motor, Lockheed Martin, Marriott International...

Nhiều công ty đã có chỗ đứng tại châu lục này, nơi sẽ có lực lượng lao động lớn hơn cả Trung Quốc hay Ấn Độ vào năm 2040 và là nơi có tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh nhất thế giới, góp phần vào nhu cầu tiêu dùng hàng hóa.

Tuy nhiên, bất chấp sự lạc quan tại nhiều khu vực ở châu Phi, ngành công nghiệp không đáp ứng kịp nhu cầu tìm việc của dân số trẻ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ ra dân số trẻ đang tăng lên đáng kinh ngạc ở châu Phi và họ cần nhìn thấy một tương lai phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Ước tính có khoảng 700 triệu người dưới 30 tuổi ở châu lục này.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên