11/11/2013 07:00 GMT+7

Miền Bắc căng mình chống bão lũ

THÂN HOÀNG - XUÂN LONG - HỒ VĂN
THÂN HOÀNG - XUÂN LONG - HỒ VĂN

TT - 0g ngày 11-11, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), mưa lớn, gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10 quật đổ một số cây xanh. Tại TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình), gió mạnh cũng giật liên hồi. Mái tôn nhiều nhà đã bị thổi bay, khu vực trung tâm bị mất điện nhiều nơi.

HASlDKPv.jpgPhóng to
Tối 10-11, một số hộ dân ở Đồ Sơn vẫn hối hả chằng chống nhà cửa trước khi bão vào - Ảnh: T.Hoàng
OA1H0U8G.jpgPhóng to
Khuya 10-11, người dân Đồ Sơn (Hải Phòng) ở nơi trú bão lo lắng chờ thông tin về cơn bão - Ảnh: T.Hoàng
HdToSu7O.jpgPhóng to
Xe lội nước Lữ đoàn 147 xuất phát giúp dân phòng chống bão - Ảnh: T.Thiết

23g khuya 10-11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã về Đồ Sơn chỉ đạo công tác phòng chống bão. Do cơn bão Haiyan (bão số 14) đổ bộ vào giữa Hải Phòng - Thái Bình nên cả thành phố Hải Phòng hối hả căng mình, dồn sức chống bão. Ngay từ buổi sáng, UBND TP Hải Phòng tổ chức họp khẩn lên phương án kiểm tra công tác phòng chống bão do ông Dương Anh Điền, chủ tịch UBND TP Hải Phòng, chủ trì. Ngay sau cuộc họp, bốn đoàn công tác do chủ tịch và ba phó chủ tịch làm trưởng đoàn tỏa đi kiểm tra, triển khai công tác phòng chống bão tại các quận huyện.

Di tản gần 80.000 người

Thay kẻng bằng còi tầm để báo động cho dân khi xả lũ

Ngày 10-11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã thị sát hồ Vực Mấu tại thị xã Hoàng Mai (hồ chứa 70 triệu m3 nước, lớn nhất Nghệ An). Tại đây, Phó thủ tướng đề nghị ban quản lý và khai thác hồ nên thay kẻng bằng còi tầm để báo động cho dân trước và sau khi xả lũ, tránh hiểm họa như đợt xả lũ đêm 30-9 gây ngập toàn bộ thị xã này trong ba ngày liền, thiệt hại hơn 850 tỉ đồng.

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo các ngành chức năng lên phương án xả nước ở các hồ lớn để chống vỡ đập.

V.TOÀN - T.HOÀNG

Tại cuộc họp, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng cho biết đã lên phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp với tổng số gần 80.000 người, trong đó sơ tán tại chỗ gần 34.000 người và di dời đến nơi khác hơn 46.000 người. 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào nơi trú, tránh bão an toàn. Hơn 4.000 phương tiện, gần 13.000 lao động đã được thông tin về cơn bão.

Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng cho biết đã huy động 100% quân số túc trực phòng chống bão. Lực lượng cơ động có hơn 1.500 người, lực lượng tại chỗ gần 5.500 người sẵn sàng chống bão. Ở các điểm đê xung yếu dễ gây sạt lở, vỡ đê khi bão đổ bộ như đoạn đê ở Kiến Thụy, Đồ Sơn, Tràng Cát (Hải An)... đã được bố trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu. Bộ chỉ huy quân sự cũng huy động 4 xe thiết giáp, 328 ôtô các loại, 107 tàu và xuồng cao tốc sẵn sàng cứu nạn trong bão.

Ông Dương Anh Điền cho biết TP đã ra lệnh cấm biển từ 15g. “Xác định đây là cơn bão lớn, phức tạp, đường đi khó lường nên ngay từ đầu chúng tôi xác định nhiệm vụ số một là phải chống tư tưởng chủ quan, luôn phòng bị cơn bão này với tinh thần chủ động cao nhất. Nếu bão vào Hải Phòng thì giảm thiểu thiệt hại tối đa, còn nếu bão không vào thì coi như một cuộc diễn tập. Yêu cầu cao nhất chúng tôi đặt ra là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản người dân” - ông Điền nói.

Dân xây tường 1m ngăn nước

Chiều 10-11, tại huyện đảo Cát Hải bắt đầu có mưa, gió giật cấp 6, cấp 7. Dọc tuyến đê Cát Hải nước biển dâng cao, sóng cao hơn 1m đánh vào bờ. Bên trong thân đê, hàng chục thợ hối hả đổ bêtông vào các khuôn sắt trong thời tiết mưa gió để gia cố đê kè. Một cần cẩu lớn được huy động đến để vận chuyển vật liệu xây dựng, các khung sắt có bêtông bên trong lên dọc bờ đê. Hàng trăm khối sắt, khối bêtông xếp ở khu vực trong đê đã sẵn sàng, chuẩn bị được đưa lên gia cố đê kè.

Ông Nguyễn Văn Hoản, một công nhân đang trộn bêtông, vừa đưa tay quệt những giọt nước mưa chảy tràn trên mặt vừa nói: “Anh em làm hối hả từ chiều, cố gắng đến tối là xong hết các khối bêtông để gia cố cho khu vực thân đê. Mấy cơn bão trước đê kè bị sạt lở nhiều đã được gia cố lại, cơn bão này lớn quá nên phải chuẩn bị thật kỹ”. Trong thị trấn Cát Hải, các hộ dân cũng bắt đầu xây những hàng gạch cao hơn 1m chắn trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà. Một số hộ dân chuẩn bị bao cát xếp lên mái ngói, xung quanh tường và trước cửa nhà để chống bão. Người dân ở trong các khu phố thuộc khu vực trũng, thấp đã được thông báo di dời đến các nhà cao tầng, trụ sở trường học, ủy ban để tránh bão. Các chiến sĩ biên phòng của đồn biên phòng Cát Hải giúp đỡ những gia đình có người già, trẻ nhỏ đi vào nơi tránh bão ngay trong buổi chiều.

Tại đảo Bạch Long Vĩ, đến 19g có mưa to, sóng lớn và gió giật cấp 10, cấp 11. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Bạch Long Vĩ, đến chiều 10-11 đã sơ tán toàn bộ hộ dân ở khu vực 32 gian làng cá, khu 10 kiôt về nơi trú bão. Lực lượng chức năng đã đưa 429 phương tiện tàu thuyền nhỏ và hơn 800 người lên bờ, các tàu thuyền lớn neo đậu ở khu vực âu cảng. Đến cuối giờ chiều vẫn còn gần 30 lao động không chịu lên bờ trú bão, cố ở lại thuyền. Khoảng 17g, đồn biên phòng Bạch Long Vĩ đã phối hợp cùng chính quyền huyện tổ chức cưỡng chế đưa số người này vào bờ an toàn.

22g tối 10-11, vùng ven biển Thái Bình gió mạnh cấp 8, 9. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Cẩm Tú, bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, cho biết mặc dù gió và mưa trên địa bàn tỉnh không lớn, tuy nhiên do tính chất phức tạp và diễn biến bất thường của bão, các lực lượng trong toàn tỉnh vẫn phải ứng trực 24/24 giờ theo phương châm “bốn tại chỗ”. “Ưu tiên hàng đầu trong đêm là phải đảm bảo an toàn cho ngư dân lao động sinh sống ở các khu vực vùng ven biển. Đồng thời phải theo dõi chặt chẽ các công trình đê, kè, cống xung yếu. Tổ chức lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Quan trọng nhất là không cho phép tư tưởng chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo chống bão” - ông Tú cho biết.

Tại miền Bắc, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Quân khu 3 và Quân khu 1 huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống bão. Quân khu 3 đã huy động 49.649 bộ đội và dân quân tự vệ, Quân khu 1 huy động 37.388 bộ đội và dân quân tự vệ, Quân chủng Phòng không - không quân chuẩn bị 10 máy bay (8 trực thăng, 2 AN 26), Quân chủng Hải quân điều 21 tàu, Cảnh sát biển điều 5 tàu trực chiến.

Đại tá Nguyễn Duy Định, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 147, cho biết Lữ đoàn 147 sử dụng bốn xe lội nước và 250 quân sẵn sàng ứng cứu đê xung yếu Hòa An (Quảng Yên, Quảng Ninh) và 150 quân cơ động đi ứng cứu các vùng bị ảnh hưởng của bão.

T.PHÙNG - T.THIẾT

_____________________

Thêm áp thấp nhiệt đới hướng về biển Đông

Ngày 10-11, trong khi bão Haiyan chưa kịp tan thì một áp thấp nhiệt đới mới đã hình thành trên vùng biển đông nam Philippines và đang di chuyển khá nhanh về hướng biển Đông.

Theo Trang dự báo Nhật Bản chiều 10-11, áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 3 độ vĩ bắc, 138,4 độ kinh đông. Áp thấp nhiệt đới di chuyển khá nhanh, khoảng 25 km/giờ theo hướng giữa bắc tây bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6-7 (15 m/giây), giật cấp 8-9. Cũng theo trang dự báo này, hôm nay (11-11) áp thấp nhiệt đới đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 25km và còn tiếp tục mạnh thêm.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhận định nhiều khả năng áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh thành bão. Trong khi đó, theo ông Vũ Anh Tuấn - trưởng phòng dự báo hạn ngắn thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện áp thấp nhiệt đới này còn cách miền nam Philippines hơn 1.500km, diễn biến còn nhiều khả năng thay đổi nên cần chú ý theo dõi. Với tốc độ di chuyển như hiện tại, nhiều khả năng 2-3 ngày tới áp thấp nhiệt đới này có thể vào biển Đông.

QUANG KHẢI

___________________

Công an Hà Nội huy động 100% quân số ứng trực ngập lụt

Giám đốc Công an Hà Nội đã có chỉ đạo lực lượng công an thủ đô ứng trực 100% quân số ứng phó với cơn bão Haiyan và tình trạng ngập lụt có thể xảy ra. Ngay trong ngày 10-11, lực lượng CSGT đã huy động hàng chục xe cứu hộ của CSGT sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Trong trường hợp xảy ra ngập sâu tại các nút giao thông, các đơn vị sẽ bố trí xe tải hoặc xe cẩu thường trực để cẩu, kéo ôtô bị sự cố chết máy ra khỏi nơi ngập úng, không để ùn tắc và tai nạn giao thông xảy ra. Đặt biển báo thông báo tại khu vực có điểm ngập sâu, cảnh báo cho các phương tiện không lưu thông vào khu vực; kiên quyết không cho ôtô không có nhiệm vụ vào các khu vực đê xung yếu, tuyến đường đang bị ngập úng.

M.QUANG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Bão Haiyan sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng NinhBão Haiyan sẽ đổi sang hướng giữa Bắc và Bắc Đông BắcBão sẽ suy yếu khi vào gần bờBão số 14 chuyển hướng chệch ra Bắc1.200 người dân Philippines có thể đã chết do bão HaiyanBão số 14 chuyển hướng chệch ra BắcHội An "băng bó” chùa Cầu chống siêu bãoDân vùng biển Quảng Nam "độn thổ" trú bão3-5g sáng 11-11, bão đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh

THÂN HOÀNG - XUÂN LONG - HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên