01/09/2018 12:08 GMT+7

Đi qua tuổi ẩm ương

MAI LƯU THỤC NGÂN
MAI LƯU THỤC NGÂN

TTO - Trong cái nắng kỷ lục của miền Trung, ba tôi miệt mài khiêng từng khúc gỗ nặng trĩu trên vai. Nhìn vai áo ba ướt đẫm mồ hôi, giây phút ấy tôi đã khóc, không biết vì quá thương ba hay vì giận bản thân.

Đi qua tuổi ẩm ương - Ảnh 1.

Bài viết dưới đây của nữ sinh lớp 11, sinh năm 2002. Câu chuyện của bạn bắt đầu về sự ương bướng, nổi loạn của tuổi ẩm ương thường thấy và không dừng lại ở đó. Thật đáng suy nghĩ với câu chuyện của tuổi 16.

Không có khoảnh khắc đó, sẽ không có tôi của ngày hôm nay. Thay vào đó, rất có thể xã hội đã có thêm một gánh nặng. Tôi quan niệm bất kỳ ai dám kể về sai lầm của bản thân trong quá khứ, đều rất can đảm. Còn tôi, không dám tự nhận mình can đảm, tôi kể đơn giản chỉ vì muốn chia sẻ và được chia sẻ.

Sai lầm trong quá khứ nhắc nhở chúng ta suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, song đời người quá ngắn để dằn vặt và tự trách bản thân mình. Vì chỉ nói lời xin lỗi thì sẽ không bao giờ đủ, nên sẽ tốt hơn nếu ta dành nhiều thời gian hơn để sửa chữa và bù đắp

Ương bướng, nổi loạn!

Là con thứ trong một gia đình có ba mẹ làm lao động chân tay, từ lúc nhỏ xíu tôi đã phải giúp ba mẹ gánh vác một phần công việc nhà. Người ngoài không biết, nhìn vào hay bảo ba mẹ tôi có con cái ngoan ngoãn, còn nhỏ mà đã có ý thức, biết đỡ đần cho gia đình. 

Nhưng thật ra, tôi không sâu sắc được như thế. Không phải vì hiểu được nỗi cực nhọc hằng ngày của ba mẹ nên tôi mới phụ giúp việc nhà, mà vì trẻ con thì thích được làm người lớn, mà người lớn thì phải làm việc, vậy thôi.

Chính vì suy nghĩ đơn giản như thế nên đến tuổi dở dở ương ương nhất của đời người, cái tuổi mà tâm sinh lý nổi loạn, tôi đâm ra chán ghét, quay sang trách móc ba mẹ. Tôi tự hỏi tại sao mình phải ở nhà làm hết việc này đến việc khác, trong khi bạn bè cùng trang lứa có thời gian rủ nhau đi chơi.

Bất mãn với tất cả mọi thứ, từ gia đình, bài vở đến các mối quan hệ xung quanh, tôi kết giao với bạn xấu rồi ngày một trở nên hư hỏng, bỏ bê việc học.

Từ học sinh giỏi tiêu biểu, tôi suýt mất đi danh hiệu và bị hạnh kiểm khá. Từ một đứa con biết vâng lời, tôi thường xuyên cãi nhau gay gắt với ba mẹ. Bữa cơm gia đình luôn bị sự ương bướng của tôi phá hỏng. Tôi ích kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân, chẳng thèm quan tâm gì đến cảm nhận của ai khác.

Bây giờ nghĩ lại mới thấy đó là khoảng thời gian u tối nhất trong suốt mười sáu năm rưỡi tôi sống trên đời. Suốt gần hai năm đó, không biết tôi đã làm mẹ mình khóc bao nhiêu lần, làm ba mình già đi bao nhiêu tuổi. 

Gia đình và thầy cô cứ ngỡ vậy là tôi hết thuốc chữa rồi, chính bản thân tôi cũng tự nghĩ mình sẽ sống thiếu suy nghĩ như thế cả đời. Cho đến khi...

Chiếc nón lá, vai áo đẫm mồ hôi

"Nắng nóng kỷ lục", "Mùa hè nóng nhất lịch sử", "Các chuyên gia dự đoán sẽ có hạn hán kéo dài"... Đó là những gì thường xuyên được đề cập trên các phương tiện truyền thông suốt cả mùa hè năm 2016. 

Năm đó, miền Trung quê tôi phải hứng chịu cái nóng khủng khiếp, đặc biệt là khoảng thời gian đầu tháng 6, nhiệt độ thường xuyên ở mức 37-38 độ C, có nơi đến tận 40 độ C. Trong khi nhà nhà, người người thi nhau tránh nắng, vẫn còn đó những con người vì miếng ăn của gia đình mà chẳng thể nghỉ ngơi. Ba tôi là một trong số đó.

Một cách tình cờ, tôi bắt gặp khoảnh khắc ba làm việc, hình ảnh mà trước đây tuy đã nhìn thấy nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi thực sự để tâm. Ba tôi là thợ mộc. Tuy ba yêu nghề, chẳng thể phủ nhận đây là công việc nặng nhọc và hết sức vất vả.

Trưa hè năm ấy, dưới tiết trời oi bức, một chiếc nón mỏng trên đầu, ba miệt mài khiêng từng khúc gỗ nặng trĩu trên vai. Ba hay nói gỗ tươi cần phải phơi nắng cho khô rồi mới dùng được, nắng càng to, phơi càng thích. Nhớ lại lời nói đó, nhìn vai áo ba ướt đẫm mồ hôi, giây phút ấy tôi đã khóc, không biết vì quá thương ba hay vì giận chính bản thân mình. 

Dường như nhờ sức mạnh tình thương của ba dành cho mình, tôi dần tỉnh ngộ.

Từ đó, tôi tập quan sát nhiều hơn, và nhận ra không chỉ có ba, tôi còn có một người mẹ giàu đức hi sinh. Chưa đêm nào mẹ tôi được ngủ yên giấc, luôn thức đến tận khuya để dọn dẹp nhà cửa, nấu bún riêu để sớm mai dọn ra bán. 

Khi cả nhà đã say ngủ, mẹ phải thức dậy đến hai ba lần để canh lửa, vớt bọt để nước lèo được trong. Thì ra bấy lâu nay, để nuôi anh em tôi khôn lớn, ba mẹ phải làm lụng nhiều lắm, cực khổ nhiều lắm.

Tôi vào trường chuyên, quyết xin học bổng du học

Sai lầm trong quá khứ nhắc nhở chúng ta suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, song đời người quá ngắn để dằn vặt và tự trách bản thân mình. Vì chỉ nói lời xin lỗi thì sẽ không bao giờ đủ, nên sẽ tốt hơn nếu ta dành nhiều thời gian hơn để sửa chữa và bù đắp.

Lấy ba mẹ làm động lực, tôi quyết tâm học tập nghiêm túc. Nhờ vậy, không chỉ lội ngược dòng lấy lại phong độ như lúc trước, mà đến cuối năm lớp 9 tôi còn có giải thành phố rồi thi đỗ vào trường chuyên. 

Giờ đây, mỗi ngày tôi đều không ngừng cố gắng, đặc biệt là học tiếng Anh để chuẩn bị nộp đơn xin học bổng du học, giúp ba mẹ trang trải chi phí cho việc học đại học của tôi sau này. Tôi có niềm tin rằng mình sẽ thành công vì tôi biết dù có thế nào, ba mẹ vẫn luôn ở phía sau, cổ vũ, động viên và ủng hộ tôi hết mình.

Ba mẹ ơi, những nỗ lực của con ngày hôm qua, hôm nay và cả sau này nữa, không phải để gia đình mình thoát khỏi cái nghèo, bởi vì trước giờ nhà mình đã từng nghèo đâu? Sao gọi là nghèo khi chúng con may mắn có được tình thương vô bờ, công lao nuôi nấng, dưỡng dục như trời bể?...

Sao gọi là nghèo khi chúng con được ăn uống no đủ, học hành đến nơi đến chốn? Sao gọi là nghèo khi từ trước đến giờ ba mẹ chưa từng để chúng con thua thiệt bạn bè, luôn cố gắng để chúng con có được những thứ chúng con cần? Chỉ là... con hi vọng tương lai ba mẹ sẽ có cuộc sống an nhiên hơn, sẽ không phải chạy ngược chạy xuôi bươn chải khi tuổi đã xế chiều.

Hơn cả, vì con biết chúng con là niềm tự hào lớn lao nhất của ba mẹ. Chẳng phải lúc trước ba từng nói mỗi buổi sáng chở con sau lưng, ba như chở giấc mơ của mình? Nếu có thể, con nguyện dành cả cuộc đời chỉ để khiến ba mẹ tự hào. Nên ba mẹ ơi, hãy chờ con nhé, mai này con lớn, nhà mình sẽ khác, ba mẹ sẽ hết khổ thôi.

Từ ngày 26 đến 31-8, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Đào Văn Nhẫn, Huỳnh Hữu Phát (TP.HCM); Đinh Thị Phương Nhung (Thái Bình); Đỗ Điểm (Quảng Nam); Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa); Phạm Thị Minh Hạnh (Bình Thuận); Đỗ Điễm (Đà Nẵng), Nguyễn Tấn Hưng (Tiền Giang)...

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn. Trân trọng.

hd bank

Đồng hành cùng cuộc thi này

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Vượt qua bản án đầu đời Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Vượt qua bản án đầu đời

TTO - Trong hơn chục năm ở Sài Gòn, mảnh đất phồn hoa cũng nhiều cạm bẫy, hành trang của tôi là khoảnh khắc tim đập chân run khi tòa tuyên án, giọt nước mắt của mẹ và ánh mắt trăn trở của cha.

MAI LƯU THỤC NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên