16/03/2012 00:08 GMT+7

Hiểm họa trẻ em đuối nước

PHƯỢNG HỒNG
PHƯỢNG HỒNG

TT - Thời gian gần đây trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước mà hầu hết nạn nhân đều còn rất trẻ và là học sinh.

Ngày tang thương trên sông Krông NôTìm thêm một thi thể vụ chìm thuyền

y7yTvHqa.jpgPhóng to

Hằng năm có hàng chục trẻ em đuối nước tại tỉnh Đắk Lắk. Trong ảnh: Một số học sinh tại huyện Buôn Đôn vượt sông Sêrêpôk theo cha mẹ đi làm rẫy - Ảnh: B.D.

Vụ lật thuyền xảy ra trên sông Krông Nô (Đắk Nông) chiều 13-3 khiến sáu người tử vong chỉ là một trong nhiều tai nạn do đuối nước ở khu vực này.

Nạn nhân chủ yếu là trẻ em

Kon Tum: 5 vụ đuối nước trẻ em

Từ Tết Nhâm Thìn đến nay trên địa bàn huyện Đắk Hà (Kon Tum) đã liên tiếp xảy ra năm vụ đuối nước trẻ em, gây nên những cái chết thương tâm. Nơi đây là trọng điểm của vùng chuyên canh cây cà phê, người dân thường tạo ra những ao hồ ngay trong vườn nhà để vừa nuôi cá, vịt... vừa dự trữ nước phục vụ tưới cà phê nhưng rào chắn xung quanh rất sơ sài. Vào mùa nắng nóng, trẻ em thích bơi tắm tại các ao hồ này và tai nạn dễ xảy ra.

Tại Đắk Nông, từ đầu tháng 2 đến nay liên tục xảy ra các vụ đuối nước khiến 10 học sinh thiệt mạng. Vụ đầu tiên xảy ra ngày 8-2 tại hồ thủy lợi Đắk Kai (bon Băng Xim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song). Bốn nạn nhân đều là học sinh lớp 8, ra hồ liên hoan sinh nhật, trong khi vui đùa đã trượt chân rơi xuống hồ chết đuối. Ngày 15-2, thêm hai học sinh lớp 4 thiệt mạng tại hồ Đắk Blao (thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp) do đi chơi hồ sau giờ học. Ngày 12-3, lại thêm hai học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Trãi (xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong) thiệt mạng do rủ nhau xuống hồ thủy lợi đang được sửa chữa cách trường khoảng 1km để tắm. Và mới đây nhất, chiều 13-3, thêm hai học sinh lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Nam Bình, huyện Đắk Song) tử vong vì bị đuối nước.

Ở Đắk Lắk, vụ bốn nữ sinh lớp 9A2 (Trường THCS Cư Kuin, huyện Cư Kuin) bị đuối nước vào cuối năm 2011 là một tai nạn thương tâm. Sau giờ học thêm, các em rủ nhau ra hồ thủy lợi xã Ea Ning chơi. Thấy một chiếc thuyền đậu sát bờ, các học sinh này liền rủ nhau chèo ra giữa hồ. Do không có em nào biết bơi nên khi vừa chèo thuyền ra được một đoạn thì chiếc thuyền tròng trành và lật úp khiến cả bốn em thiệt mạng. Trước đó không lâu, một vụ đuối nước xảy ra tại hồ Amarin (buôn Ako Đhong, TP Buôn Ma Thuột) cũng khiến ba học sinh lớp 10 phải chết oan.

Bà Từ Thị Khanh - trưởng phòng bảo vệ trẻ em Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk - cho biết trung bình mỗi năm Đắk Lắk có khoảng 50 trẻ trong độ tuổi vị thành niên thiệt mạng do đuối nước, riêng năm 2011 toàn tỉnh có 63 em bị tử vong liên quan đến tai nạn này.

Sông hồ nguy hiểm nhưng lại thiếu quan tâm

Theo ông Nguyễn Đình Mùi - trưởng phòng phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ nạn nhân tử vong do đuối nước tại Tây nguyên khá nhiều là do đặc thù ao hồ có độ dốc và độ sâu lớn, các sông suối chảy xiết, trong khi đó khả năng tự phòng vệ của người dân lại chưa cao. Ngoài ra, yếu tố đặc thù của hệ thống sông suối, ao hồ ở Đắk Lắk là sóng khá lớn, kèm theo gió mạnh nên nhiều người ngay cả khi đi trên thuyền cũng rất dễ bị lật úp và gặp tai nạn. Trong những trường hợp đó, ngay cả người lớn cũng khó có cơ hội được an toàn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩnh Trinh - phó chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo Đắk Lắk - cho biết hầu hết học sinh các khối trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ít có điều kiện để tập bơi lội nên khả năng tự bảo vệ trước tai nạn đuối nước rất kém. “Hiện trên TP Buôn Ma Thuột đã có một số trường chủ động phối hợp với các nhà văn hóa thiếu nhi tổ chức dạy bơi lội cho học sinh, tuy nhiên số này rất khiêm tốn” - ông Trinh nói.

Ông Nguyễn Văn Toàn, phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, cho biết hằng năm cơ quan này vẫn liên tục gửi khuyến cáo cảnh báo tình trạng đuối nước ở học sinh đối với chính quyền các cấp, các đoàn thể, đặc biệt là ngành giáo dục. Tuy nhiên, những nội dung khuyến cáo này khó đến với học sinh do thiếu sự quan tâm của chính quyền các cấp cũng như ngành giáo dục ở Đắk Nông. Các vụ tai nạn thương tâm thường xảy ra sau giờ học, vào thời gian nghỉ các em chơi chung theo nhóm và không có người lớn kèm cặp.

PHƯỢNG HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên