21/07/2014 07:44 GMT+7

Đừng để người lao động trở thành "món hàng"

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TT - Bắt đầu từ hôm nay (21-7), tại các bến xe Miền Tây, Miền Đông, An Sương, Ngã Tư Ga... ở TP.HCM sẽ xuất hiện đội phản ứng nhanh do Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh Niên (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức nhằm hỗ trợ, tư vấn việc làm miễn phí cho người lao động.

Đây là một hành động tích cực để bảo vệ người lao động từ các vùng quê chân ướt chân ráo đến Sài Gòn không bị rơi vào tay các nhóm “buôn người”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý đã hay sẽ có giải pháp hữu hiệu gì để xử lý tình trạng các công ty núp bóng môi giới, cung ứng, giới thiệu việc làm nhưng thực chất hoạt động theo kiểu “buôn người”. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thừa nhận: “Cơ quan quản lý nhà nước có bố trí lực lượng chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở dịch vụ việc làm trái phép nhưng chỉ được một thời gian”. Và thế là chấp nhận tình trạng xuất hiện hàng trăm công ty hoạt động giới thiệu việc làm trái phép. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng cũng cho rằng không bất ngờ trước thông tin người lao động bị biến thành một “món hàng” để các công ty giới thiệu việc làm “mua - bán”, bóc lột dã man. Vị lãnh đạo này không ngần ngại thừa nhận việc tước giấy phép các công ty này chỉ là giải pháp “bắt cóc bỏ đĩa” vì xử lý xong họ đổi tên đăng ký kinh doanh và hoạt động lại.

Cách đây bốn năm, khi hàng chục lao động từ Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định... bị các công ty giới thiệu việc làm ở Lâm Đồng “bán sống” cho các chủ vườn, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đình chỉ hoạt động một số công ty, trong đó có Công ty Đức Hoàng mà báo Tuổi Trẻ đề cập. Và để điều tra đường dây “buôn người” này, PV Tuổi Trẻ cũng bị “mua” đi “bán” lại nhiều lần. Các nhóm “buôn người” đã lợi dụng nhu cầu bức bách về việc làm của những người nhập cư mà đưa ra các điều kiện về mức lương, công việc, ăn ở... khá hấp dẫn. Khi người lao động kịp nhận ra mình bị lừa cũng là lúc họ đã bị buộc chặt bởi những khoản phí xe ôm, giới thiệu, ăn uống... từ trên trời rơi xuống.

Thực tế nhu cầu về nguồn lao động ở các nhà vườn tại Lâm Đồng rất lớn. Nhưng thật sự chưa có một đầu mối nào gần gũi, đáng tin cậy làm trung gian cho việc cung ứng lao động một cách bài bản. Do đó, người ta cứ tự động “mua bán” lao động từ các công ty này sang công ty khác. Các chủ vườn cần lao động cũng phải “mua bán” qua các công ty “buôn người” này. Có chủ vườn đối đãi tốt với người lao động vì làm được việc cho họ, nhưng cũng có không ít chủ vườn ra sức bóc lột lao động cho đáng đồng tiền bát gạo, thậm chí đánh đập thô bạo nếu phản ứng hay làm trái ý họ.

Như vậy ngoài việc cho ra đời đội phản ứng nhanh bảo vệ người lao động, điều nhiều người mong đợi nhất là chính quyền và ngành LĐ-TB&XH các địa phương phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng “buôn người” như buôn nô lệ trong thời đại văn minh này. Không chỉ xử phạt, chính quyền và các cơ quan quản lý phải tổ chức được các đầu mối cung cấp thông tin cần thiết cho cả người lao động (cần việc) và chủ vườn (cần người). Khi có những đầu mối chính thức và có trách nhiệm đối với người lao động, chắc chắn các công ty làm ăn theo kiểu “buôn người” sẽ không còn đất sống.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên