17/04/2012 07:11 GMT+7

Đối thoại với dòng sông

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Họ đều còn trẻ nhưng sớm nặng nợ với...những dòng sông. Không chỉ là sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long... mà còn là câu chuyện của phận người, cuộc sống và những giọng điệu văn hóa đã đổi thay.

Y13IuObT.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Thanh Mai bên bức tường dép - Ảnh: Hà Hương

Lặng lẽ đi dọc những triền sông để tìm kiếm diện mạo vốn có của nó, họ chợt nhận ra hình ảnh lung linh về các dòng sông chỉ còn tồn tại trong ký ức. Có những mạch sống đã vỡ ra dưới tác động của phát triển kinh tế, môi trường, thủy điện... Và bởi thế, đối thoại với dòng sông không chỉ là cuộc lội ngược dòng ký ức của những nghệ sĩ trẻ, mà còn đi sâu vào những thổn thức hiện tại của cuộc sống và văn hóa con người hai bên bờ sông.

Tự sự của 500kg dép lạc

Tác phẩm của nữ nghệ sĩ người Huế Nguyễn Thị Thanh Mai - 500kg dép lạc nằm im lìm trên những chiếc sọt gỗ lượm được ở ngoài chợ. Từ nhiều năm qua, Mai cần mẫn đi dọc bờ sông Hương, phá Tam Giang để nhặt dép. Những chiếc dép xốp rẻ tiền, nhái của những hiệu nổi tiếng thế giới trôi nổi về đây. Hầu hết trong số đó đều đã mọc rêu, đen bẩn, thậm chí là chỗ nảy mầm của đủ thứ hạt cây trôi theo dòng nước.

"Những đôi dép mòn vẹt của người nghèo, gắn chặt với hình ảnh người miền Trung, cam chịu, vật lộn với sông nước để sinh tồn. Dép cũng như phận người trong cơn lũ. Năm tôi 16 tuổi, trận lũ lịch sử 1999 cuốn trôi bao người đã trở thành ký ức không bao giờ quên đối với người dân Huế...", Nguyễn Thị Thanh Mai nói về câu chuyện của mình.

Người chết, người sống, những chiếc dép sau lũ trôi về, mắc lại bên những bờ kè. Cùng với một trợ lý, Thanh Mai lủi thủi dọn dẹp những chiếc dép rồi gửi về kho trong đôi mắt hiếu kỳ của người xung quanh. Cứ đi và nhặt, 500 kg dép là kết quả của những lần làm "đồng nát" sau lũ của Thanh Mai trong suốt ba năm. Chừng đó xếp lại thành một bức tường với những liên tưởng về thân phận những người nghèo trong lũ lụt, thiên tai.

Những vết sẹo của dòng sông

"Ðặt chân tới vùng sông nước Nam bộ, cảm giác đón đợi của tôi không còn nữa, thay vào đó là sự thất vọng. Trong tưởng tượng của tôi đó là vùng đất của sự êm đềm, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện. Nhưng sự thật, thuyền chúng tôi đi cứ 5 phút lại phải dừng vì rác quấn vào chân vịt, khắp mặt sông hôi thối vì rác thải và xác động vật", Lương Huệ Trinh bắt đầu câu chuyện về dòng sông của mình như thế.

Tác phẩm của cô là một sắp đặt âm thanh với những giai điệu của đờn ca tài tử buồn não nề, ba chiếc hộp tượng trưng cho sự cân bằng theo quan niệm phương Ðông và trên mặt hộp là số liệu thiệt hại về người trong vòng năm năm qua bởi các thảm họa thiên nhiên. Tất cả được Lương Huệ Trinh thu trực tiếp trong suốt một tháng ròng rã lênh đênh trên vùng sông nước Nam bộ. "Cái gì con người tạo ra, có lẽ đã đến lúc con người nhận lại", Lương Huệ Trinh chia sẻ.

Cùng những đau đáu với Lương Huệ Trinh, Phan Thảo Nguyên đã bắt đầu dự án của riêng mình từ hai năm trước, trước khi cô lên đường sang Mỹ du học. Chuyện của Nguyên là những rạn vỡ trong đời sống, văn hóa của người Nam bộ trước làn sóng phát triển kinh tế. "Khi những người giàu ở Sài Gòn mang tiền về đầu tư thủy sản, tạo thành những công xưởng sản xuất lớn, thì những ngư dân trên vùng sông nước và ký ức của họ đã bị đánh mất, họ trở thành công nhân trong nhà máy".

Vẫn là dòng sông oằn mình dưới tác động của thủy điện, rác thải nhà máy, tác phẩm Núi liền núi, sông liền sông của Nguyễn Thế Sơn lại mang đến những ám ảnh khác. Tên tác phẩm - từng chữ một - được viết theo lối thư pháp, thếp vàng và đóng vào những cái khung trang trọng. Nhưng, ở dưới khung cảnh vàng son đó là hình ảnh con sông Hồng - nơi đầu nguồn chảy vào đất Việt - đang cạn trơ đáy. "Cả một vùng rất nhiều hồ chết, cây cối không mọc được, chất thải sản xuất quặng tuồn thẳng ra sông. Chỉ có màu xanh nhức nhối của chuối. Ðó là vườn chuối do người Trung Quốc sang thuê đất làm, 2-3 tháng/vụ, hóa chất cho mỗi gốc được bón chính xác đến từng gam, sau năm năm đất bạc màu chẳng thể trồng được thứ gì nữa", Nguyễn Thế Sơn day dứt.

Từ Hà Nội đến TP.HCM, các nước Ðông Nam Á

Không đợi đến khi dự án nghệ thuật về đề tài biến đổi khí hậu "Phong cảnh sông nước biến đổi" của Viện Goethe bắt đầu khởi động, những nghệ sĩ như Phan Thảo Nguyên, Lương Huệ Trinh, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Thị Thanh Mai đã tự khảo sát và lên ý tưởng cho những tác phẩm nghệ thuật về môi trường. Không hẹn mà gặp, tác phẩm của họ cùng có mặt trong triển lãm Phong cảnh sông nước biến đổi diễn ra đến hết ngày 29-4 tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học) và Bảo tàng Mỹ thuật VN (66 Nguyễn Thái Học).

Sau khi trưng bày tại Hà Nội, triển lãm sẽ có mặt tại TP.HCM từ ngày 12 đến 17-5, tiếp đó sẽ "chu du" qua các nước Ðông Nam Á khác như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines...

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên