13/04/2012 04:26 GMT+7

Dạy chữ đi đôi với dạy người

HUY HOÀNG (Bình Dương)
HUY HOÀNG (Bình Dương)

TT - Câu chuyện tranh luận của một nhóm giáo viên đã được một cô giáo kể lại với nỗi băn khoăn: Ai sẽ dạy đạo đức cho học sinh?

Đồng nghiệp tôi đang dạy toán ở một trường trung học phổ thông tỉnh Bình Dương kể rằng: Trong buổi sơ kết học kỳ I của năm học, vị hiệu trưởng của trường khi chỉ đạo vấn đề giáo dục đạo đức học sinh đã yêu cầu: “Các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cần chú ý trong việc hình thành đạo đức, lối sống đẹp cho các em thông qua mọi hình thức từ giảng dạy đến sinh hoạt tập trung...”.

Nghe xong, nhiều giáo viên dạy bộ môn tỏ ra không tán thành, bạn cũng vậy. Bạn nói: việc hình thành đạo đức, lối sống cho học sinh chủ yếu là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên dạy môn giáo dục công dân. Giáo viên dạy bộ môn không có thời gian, dạy đảm bảo nội dung đúng chuyên môn, học sinh nắm vững kiến thức và kỹ năng thực hành là quá tốt rồi. Bạn còn kể trước đây có lồng ghép việc giáo dục đạo đức kiểu “Các em phải biết sống thật thà, chân thực” hay “Phải biết cẩn trọng trong công việc vì sai con toán, bán con trâu”... song cứ thấy sáo rỗng nên không áp dụng nữa.

Là giáo viên, chúng ta hãy nên gieo một ngôn ngữ đẹp để gặt được ở học sinh một hành động đúng, gieo một thói quen hay để gặt một tính cách tốt ở người học. Nhiệm vụ của giáo viên là dạy học sinh tìm tòi, khám phá chân lý khoa học nhưng đồng thời cũng hình thành và phát triển những giá trị nhân văn ở người học.

Tôi, với tư cách là người từng dạy môn giáo dục công dân, đã phản biện: “Đã là giáo viên thì dạy chữ phải đi đôi với dạy người chứ. Giáo viên chủ nhiệm cũng trăm công ngàn việc chứ đâu phải lúc nào cũng chỉ để làm việc giáo dục đạo đức, lối sống đẹp. Còn giáo viên giảng dạy giáo dục công dân thì thời lượng cũng không nhiều, mỗi tuần chỉ 1-2 tiết. Nếu chỉ dựa vào hai giáo viên này làm sao đủ thời gian truyền đạt vấn đề đạo đức cho các em!”.

Tuy nhiên bạn tôi nói: “Thầy cô dạy chuyên ngành mà chú ý đến cái khác có khi “cháy” giáo án, bị đánh giá là dạy không đúng trọng tâm, trọng điểm”. Cô bạn dạy địa lý cùng trường cũng hưởng ứng: “Việc giáo dục đạo đức, lối sống không dễ, không khéo lại tạo nhàm chán, học sinh mất hứng thú”. Anh bạn dạy hóa học cũng phân trần: “Mình dạy hóa học nên luôn nghĩ đến việc làm sao có phương pháp dạy thật hay để truyền cảm hứng cho học sinh. Lồng ghép việc giáo dục đạo đức và lối sống trong sáng cho các em trong khi dạy chuyên môn là quá khó”.

Nghe các bạn nói, tôi thấy buồn, không hiểu họ thấy khó thật hay là một cách lảng tránh trách nhiệm với học sinh của mình. Việc tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh có thể khó với giáo viên bộ môn nhưng không phải không làm được. Bởi đã là người thầy thì phải biết dùng nhân cách để giáo dục nhân cách.

Một người bạn của tôi đã làm tốt nhiệm vụ này, dù đang dạy vật lý, môn học mà theo anh chẳng mang chút màu sắc đạo đức nào. Nhưng anh luôn tâm niệm: “Đạo đức không chỉ nằm trong nội dung bài học mà còn thể hiện trong phương pháp truyền đạt của giáo viên”. Vì thế, bài giảng của anh rất cuốn hút học sinh, không chỉ giúp học sinh hiểu sâu sắc nội dung mà anh còn khơi dậy niềm đam mê học tập, yêu thích môn học. Anh hiểu rõ những học sinh của mình, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn. Những lúc nhàn rỗi anh còn tạo điều kiện để học sinh đến trao đổi, cùng tâm sự, chia sẻ, giải đáp những vấn đề khó của bài học, đồng thời anh còn sẵn sàng tham gia các hoạt động của tập thể lớp như sinh nhật tập thể, văn hóa văn nghệ... Nhờ vậy học sinh của anh, qua nhiều khóa học, đã tỏ ra rất quý mến người thầy của mình.

HUY HOÀNG (Bình Dương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên