16/05/2013 08:18 GMT+7

Dân tái định cư không đất sản xuất

TRÀ MINH
TRÀ MINH

TT - Đã hai năm trôi qua, người dân nhường ruộng vườn của mình cho dự án hồ chứa nước Nước Trong - dự án lớn nhất và kéo dài nhất tỉnh Quảng Ngãi - vẫn chưa thể ổn định cuộc sống ở nơi tái định cư.

jLT2XvZF.jpgPhóng to
Người dân tái định cư Sà Lác mỏi mòn chờ đất sản xuất - Ảnh: TRÀ MINH

Họ không có đất để sản xuất, cuộc sống hàng trăm gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Chị Đinh Thị Trên (33 tuổi), ở khu tái định cư Sà Lác, thôn Nước Biết, xã Trà Thọ, cho biết sau khi nhường đất để xây dựng công trình hồ chứa nước, gia đình chị nhận đền bù rồi chuyển lên sống ở khu tái định cư này từ năm 2011. Khi chưa đi, Nhà nước hứa lên nơi ở mới sẽ được bố trí đất để sản xuất, trồng lúa, trồng mì. Nhưng đã hai năm rồi vẫn không thấy đất đâu cả. Tiền Nhà nước đền bù mấy trăm triệu đồng giờ gia đình chi tiêu, sinh sống gần hết.

Cũng như gia đình chị Trên, anh Đinh Văn Nhếch, thôn Tre, xã Trà Thọ, ngồi trong nhà nhìn hướng ra rừng than vãn: “Gia đình chuyển lên khu tái định cư hai năm rồi nhưng giờ không có đất sản xuất, lại không có việc gì làm ở đây cả. Nhiều lúc nhớ rừng, nhớ rẫy quá, liều đi lên rừng phát rẫy lấy đất sản xuất. Nhưng đến chỗ nào người dân bản địa cũng không cho, bởi phần lớn đất ở đây là đất của họ”.

Ngoài thiếu đất sản xuất, hàng trăm hộ dân ở khu tái định cư dự án di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong của huyện Tây Trà cũng đang bức xúc vì diện tích tái định cư quá chật hẹp. Trung bình một hộ dân được xây dựng một căn hộ diện tích 100m2, không thể chăn nuôi thêm. Bà Đinh Thị Gương (55 tuổi), thôn Tre, xã Trà Thọ, nói: “Trước kia ở lòng hồ, nhà cửa, ruộng vườn rộng lắm. Nuôi con trâu, con bò, con gà gì cũng được. Giờ lên đây nhà chật quá, ở lại sát nhau, thiếu đất vườn nên khổ lắm”.

Theo Ban quản lý dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, để đáp ứng nhu cầu đất sản xuất cho những hộ dân tái định cư, ban sẽ tiến hành đo đạc, san ủi, cải tạo gần 110ha đất để cấp cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc cải tạo đồng ruộng cho dân có đất sản xuất chỉ mới dừng lại ở việc kiểm kê, đo đạc 30% tổng diện tích đất.

Ông Nguyễn Văn Thái - phó giám đốc ban quản lý dự án - giải thích: “Công tác bồi thường để có đất khai hoang ruộng vườn quá chậm do chưa có tiền bồi thường, nên người dân bản địa chưa chịu giao đất vì ban quản lý còn nợ, chưa thanh toán tiền cho dân”.

Theo kế hoạch, 2013 là năm cuối cùng tỉnh Quảng Ngãi phải hoàn thành toàn bộ dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong. Năm 2013, nhu cầu nguồn vốn là 381 tỉ đồng, tuy nhiên từ đầu năm đến nay ban quản lý dự án này mới được bố trí kế hoạch vốn hơn 17,1 tỉ đồng.

TRÀ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên