28/11/2014 07:18 GMT+7

Chỉ 55,13% đại biểu tán thành Luật Giáo dục nghề nghiệp

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Luật giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua chiều 27-11. Trong số 412 đại biểu tham gia biểu quyết, chỉ có 274 đại biểu tán thành (tỉ lệ 55,13%).

Đây là đạo luật có số lượng đại biểu không tán thành nhiều nhất trong số các luật được thông qua kể từ đầu kỳ họp này.

So với các quy định hiện hành, Luật giáo dục nghề nghiệp vừa được thông qua đã mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh và sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, CĐ với CĐ nghề.

Sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Lâu nay giáo dục nghề nghiệp bị phân tách thành hai bộ phận do hai bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ LĐ-TB&XH quản lý hệ thống dạy nghề gồm ba trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp nghề và CĐ nghề. Bộ GD-ĐT quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gồm trung cấp chuyên nghiệp và CĐ.

Sau khi sắp xếp lại theo hướng hợp nhất như nêu trên, giáo dục nghề nghiệp sẽ gồm ba trình độ đào tạo: sơ cấp, trung cấp và CĐ (theo quy định cũ thì CĐ được xếp là một trình độ đào tạo thuộc giáo dục ĐH).

Trước khi thông qua luật, có ý kiến cho rằng đưa trình độ CĐ về bậc giáo dục nghề nghiệp là chưa phù hợp với quy định của Luật giáo dục và Luật giáo dục ĐH hiện hành.

Tuy nhiên, trình bày quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đào Trọng Thi (chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng) cho biết việc hợp nhất các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp thành ba trình độ sơ cấp, trung cấp và CĐ là nhằm thể chế hóa nội dung của nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo ông Thi, về bản chất, các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, CĐ và CĐ nghề đều thực hiện đào tạo theo định hướng thực hành nghề nghiệp và đều chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, dịch vụ.

Việc phân tách trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung đối với các trình độ đào tạo trung cấp và trung cấp nghề, CĐ và CĐ nghề như hiện nay dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo trong tổ chức đào tạo cũng như dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, xuất phát từ tình hình thực tiễn, việc hợp nhất các trình độ nhằm một mặt khắc phục những bất cập nêu trên, tạo sự thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương trình độ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về đào tạo nghề nghiệp.

Chưa biết giao cho bộ nào quản lý

Ông Đào Trọng Thi cho biết đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thay mặt Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm này cho cơ quan cụ thể nào của Chính phủ thì ý kiến đại biểu còn khác nhau và đề nghị có sự nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề nêu trên, với các phương án: 

1. giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý, 2. giao cho Bộ GD-ĐT quản lý, 3. giao cho Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn. Kết quả cho thấy ý kiến đại biểu chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% đại biểu Quốc hội nhất trí. Lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ đã trao đổi và thấy rằng vấn đề này chưa đủ chín muồi để xem xét sửa đổi trong thời điểm này.

“Sau khi trao đổi, thống nhất với các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật dạy nghề hiện hành” - ông Đào Trọng Thi nói. Như vậy, Luật giáo dục nghề nghiệp giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho phù hợp với yêu cầu điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của bộ quản lý ngành và cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đã lấy ý kiến đối tượng chịu sự điều chỉnh

Ông Đào Trọng Thi khẳng định việc đổi mới này nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

“Việc này đã nhận được sự nhất trí cao của Thủ tướng và của các cơ quan liên quan, trực tiếp là Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT. Trong đó Bộ GD-ĐT còn đề xuất hợp nhất không chỉ trình độ trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề mà cả trình độ CĐ với CĐ nghề” - ông Thi nói.

Cơ quan thẩm tra là ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã gửi công văn lấy ý kiến các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường CĐ và một số trường ĐH có đào tạo trình độ CĐ, là những đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự luật sau khi chỉnh lý, sửa đổi. Ở cấp cao hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan.

Theo đó Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT và đặc biệt là Chính phủ đều đã nhất trí, đồng thuận với những nội dung đổi mới trong dự thảo luật.

[poll width="400px" height="300px"]88[/poll]

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên