30/09/2018 09:25 GMT+7

Bớt nỗi bất an với công trình xây dựng

ĐỖ NGÔ TRẦN
ĐỖ NGÔ TRẦN

TTO - Từ tai nạn chết người bởi cần cẩu, bạn đọc Đỗ Ngô Trần cho rằng: “Theo tôi, an toàn trong thi công chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị xem thường. Quy định pháp luật về an toàn lao động trong xây dựng chưa theo kịp thực tế”

Bớt nỗi bất an với công trình xây dựng - Ảnh 1.

Cần cẩu tại công trình xây dựng ở Q.3, TP.HCM (ảnh chụp chiều 28-9) - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Một thanh sắt từ trên cao rơi xuống đường phố gây ra cái chết thương tâm cho người phụ nữ đơn thân, để lại con nhỏ mới 6 tuổi. Và đã có nhiều vụ thương vong tương tự xảy ra.

Lỗi do ai?

Là người có nhiều năm làm ngành xây dựng, tôi nhận thấy không ít vụ tai nạn xảy ra do yếu tố chủ quan, xem thường công tác an toàn. Có những tai nạn do thiếu biện pháp bảo hộ, không thực hiện biện pháp an toàn vì tốn kém, bố trí người không đúng chuyên môn và thiếu kinh nghiệm. Nhiều vụ đã được tìm cách đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, thậm chí do lỗi của nạn nhân như không tuân thủ quy trình làm việc. Nhiều vụ tai nạn lao động gây chết người, hiếm thấy cơ quan chức năng khởi tố hình sự.

Tôi từng phối hợp với một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc làm việc trên công trường xây dựng ở TP.HCM, những hạng mục công việc chỉ có 5-7 công nhân thi công nhưng chủ sử dụng lao động vẫn bố trí hẳn một cán bộ chuyên trách giám sát hướng dẫn an toàn lao động. Trong khi nhiều công trình xây dựng khác dù có hàng chục công nhân lại không có cán bộ giám sát an toàn, lắm khi chỉ là kiêm nhiệm thì khó mà kiểm soát để đảm bảo an toàn.

Bớt nỗi bất an với công trình xây dựng - Ảnh 2.

Cẩu của một công trình xây dựng liên tục di chuyển ngang đầu người dân trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội Ảnh: NAM TRẦN

Siết chặt tư vấn giám sát

Theo quy định trong xây dựng, an toàn lao động luôn phải được đặt lên hàng đầu, vậy nên công tác quản lý an toàn phải xuyên suốt. Khi công trình xảy ra sự cố, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà thầu xây dựng. Tuy nhiên, tư vấn giám sát cũng có vai trò quan trọng đảm bảo an toàn thi công. Tư vấn giám sát vừa có vai trò "tư vấn" và vai trò "giám sát", chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư theo hợp đồng đã ký.

Dù quy định vậy, nhưng lắm khi trong thi công vẫn có những tư vấn giám sát chỉ chú trọng vai trò "giám sát" theo thiết kế được duyệt, chưa quan tâm đúng mức vai trò "tư vấn". Đáng lo ngại nhất khi công việc ở hiện trường lại khác xa so với thiết kế, biện pháp thi công được lập trước đó. Lúc này, vai trò tư vấn giám sát là yếu tố quan trọng giúp chủ đầu tư kiểm tra, ý kiến với các bên liên quan, lưu ý nhà thầu điều chỉnh, bổ sung cho an toàn, thậm chí đình chỉ thi công nếu thấy mất an toàn.

Nên chăng đã đến lúc xem xét biện pháp chế tài tư vấn giám sát trong hợp đồng xây dựng, buộc tạm ứng trước một khoản chi phí ký quỹ về an toàn lao động để cùng với nhà thầu xây dựng khắc phục các thiệt hại khi xảy ra sự cố trong thi công có lỗi chủ quan từ trách nhiệm tư vấn giám sát.

Cần sửa đổi quy định quản lý

Theo quy định hiện nay về quản lý an toàn lao động trên công trường xây dựng tại khoản 6, điều 34 nghị định 59/2015/NĐ-CP: công trường có tổng số lao động trực tiếp dưới 50 người, cán bộ kỹ thuật thi công có thể kiêm nhiệm làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; công trường từ 50 người trở lên thì phải bố trí ít nhất một cán bộ chuyên trách làm công tác này. Tôi thấy đây là một quy định chưa hợp lý để có thể giám sát và đảm bảo an toàn lao động.

Cần xem xét sửa đổi quy định về quản lý an toàn lao động theo hướng chủ sử dụng phải bố trí người chuyên trách giám sát công tác an toàn lao động, tương ứng 10 lao động trực tiếp tối thiểu có một người chuyên trách công tác này.

Với các trường hợp vi phạm gây chết người, ngoài chuyện bồi thường hỗ trợ cũng nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến sự cố. Có như vậy mới đảm bảo răn đe đối với các nhà thầu lơ là, trốn tránh trách nhiệm. Nhằm giảm thiểu tai nạn lao động cũng nên siết chặt công tác quản lý, tuyên truyền về an toàn, chấp hành nghiêm quy định về an toàn lao động.

Ngăn chặn "tử thần" trên cao

tai nạn trên cao

Công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, nơi xảy ra vụ rơi thanh sắt khiến một người tử vong và một người bị thương tối 25-9 - Ảnh: NAM TRẦN

Thêm một người đã chết tức tưởi, đúng kiểu "tai họa từ trên trời rơi xuống". Nhưng những "tai họa" này có thể do chủ quan, thiếu trách nhiệm đến mức vô cảm của một số người. Những cánh cần cẩu tháp dài hàng chục mét treo lơ lửng ngay trên các trục đường giao thông, chỉ cần xảy ra sơ suất nhỏ trong quá trình vận hành cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Để ngăn ngừa chỉ có cách kiểm tra, xử lý thật nghiêm khắc và triệt để những vi phạm về an toàn lao động, chứ không thể chỉ kêu gọi ý thức chung chung.

Những công trình có dấu hiệu không an toàn phải được đình chỉ thi công, chỉ được tiếp tục thi công sau khi đã khắc phục, bảo đảm an toàn. Những chủ đầu tư, những đơn vị thi công để xảy ra tai nạn chết người phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, những cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra an toàn xây dựng cũng phải chịu trách nhiệm nếu những công trình thuộc phạm vi quản lý xảy ra tai nạn.

Để giảm thiểu mất mát chỉ có cách chủ động phòng ngừa. Nếu không làm được, những cái chết oan uổng sẽ còn tiếp tục.

TRUNG KIÊN

ĐỖ NGÔ TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên